Từ vài nét về lịch sử
Ở Việt Nam, từ năm 2004, Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (DPLTMC) chính thức trở thành một trong 9 chương trình hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chương trình DPLTMC ở Việt Nam cũng được thiết kế và triển khai toàn diện, trong đó tập trung vào 04 thành tố, bao gồm dự phòng lây nhiễm HIV cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (đối với tất cả phụ nữ trong độ tuổi này); phòng tránh thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV (đối với phụ nữ đã nhiễm HIV); can thiệp DPLTMC trước, trong và sau sinh (đối với phụ nữ nhiễm HIV mang thai/phụ nữ mang thai nhiễm HIV có nguyện vọng sinh con); điều trị, chăm sóc tiếp tục cho cả mẹ và con sau sinh.
Từ năm 2009, Ủy ban quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chọn tháng 6 hàng năm là Tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong phạm vi cả nước. Từ đây, các hoạt động DPLTMC đã 'phủ sóng' toàn quốc.
Tuy chưa có số liệu chính xác về tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nhưng những thông tin đơn lẻ thu được từ các địa phương cho thấy tỷ lệ này đã giảm đáng kể (Ảnh: Internet)
Đến những con số biết nói
Theo các báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, từ sau năm 2009, số PNMT được xét nghiệm HIV; số PNMT nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị DPLTMC đều tăng lên hàng năm.
Đến nay, tuy chưa có số liệu chính xác về tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con (LTMC) trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nhưng những thông tin đơn lẻ thu được từ các địa phương hay từ các dự án và các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ này đã giảm một cách đáng kể. Ví dụ, theo báo cáo nghiên cứu đánh giá hiệu quả DPLTMC của Dự án LIFE-GAP tại 21 tỉnh/thành phố trong giai đoạn từ tháng 9/2007-9/2012 thì tỷ lệ LTMC bình quân chỉ còn 4,5% (trong khi tỷ lệ LTMC khi không có can thiệp DPLTMC là từ khoảng 30-40%), hay tỷ lệ LTMC trong nhóm mẹ được điều trị DPLTMC giảm 3,5 lần so với nhóm mẹ không được điều trị. Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ LTMC năm 2013 chỉ còn 2,3%. Năm 2013, Thành phố Cần Thơ có 55 trẻ đẻ sống từ các bà mẹ nhiễm HIV đã được can thiệp, xét nghiệm PCR (phương pháp xét nghiệm phát hiện sớm nhiễm HIV ở trẻ), cho thấy chỉ có 01 cháu có kết quả dương tính với HIV.
Tương tự như vậy, ở Thừa Thiên Huế, trong giai đoạn 2009-2014, có 30 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, chỉ có 02 cháu bị nhiễm HIV (tỷ lệ khoảng 6,6%) do mẹ đi làm ăn xa nên tiếp cận DPLTMC vào giai đoạn muộn. Hay tại Bình Định, trong giai đoạn 2009-2012, toàn tỉnh đã điều trị DPLTMC cho 11 PNMT nhiễm HIV, 09 trường hợp đã sinh và cả 9 cháu đều có kết quả xét nghiệm PCR âm tính...Hay xa xôi như ở Đắc Lắc, trong năm 2012 phát hiện 11 PNMT nhiễm HIV, do được can thiệp DPLTMC, 10/11 đứa trẻ sinh ra không bị nhiễm HIV, còn trong năm 2013, cả 7/7 được sinh ra sống từ các mẹ nhiễm HIV được can thiệp DPLTMC đều có kết quả PCR âm tính với HIV...
Và những niềm vui rơi... nước mắt
Đối với mọi gia đình, đứa con vừa là sự kết tinh của tình yêu, hạnh phúc, vừa là động lực sống, làm việc của các bậc cha mẹ. Sinh con vừa là chức năng thiên bẩm, vừa là niềm hạnh phúc, tự hào đến hãnh diện của mọi người mẹ. Không sinh được con, trong nhiều trường hợp còn bị quy kết là làm cho dòng họ bị 'tuyệt tự'... Với người nhiễm HIV cũng vậy, nhiều chị tâm sự khi biết mình nhiễm HIV, chỉ sợ làm lây truyền HIV cho con, sợ bị kỳ thị, sợ mình không 'sống được bao lâu nữa'... Nhưng mong muốn được làm mẹ vẫn luôn cháy bỏng trong họ. Nhiều chị cho biết, hàng đêm nghe vẳng từ xa tiếng trẻ khóc, tiếng mẹ vỗ về con hay tiếng ru con à ơi của chị hàng xóm... chị không tài nào ngủ được, nước mắt cứ trào ra vì thương cho số phận hẩm hiu của mình. Thành tựu của khoa học và sự tiến bộ của Chương trình DPLTMC đến với họ như một cứu cánh có thể làm thay đổi số phận và cuộc đời họ.
Chị Cao Thị H. ở Hòa Bình, phát hiện bị nhiễm HIV ngay trong lần khám thai đầu tiên, được điều trị DPLTMC ngay sau đó, được chăm sóc khi sinh và sau sinh... đã không cầm được được nước mắt khi gặp chúng tôi tại một cuộc giao lưu của những người nhiễm HIV/AIDS. Chị nói như reo lên ''Em mới sinh được cháu gái, cháu không bị lây bệnh từ em. May quá'. Chị coi đây là điều kỳ diệu nhất trong đời chị và chị đã không từng... tới sau khi biết mình bị nhiễm HIV. Từ khi biết cháu khỏe mạnh, chồng chị như thay đổi '180 độ luôn' (lời của chị). Anh trở nên vui vẻ, thi thoảng còn hát 'ông ổng', rồi tự đi đăng ký xin được điều trị bằng ARV và Methadone, rồi tự đi kiếm việc, làm phu hồ... Thương lắm, vì anh vẫn ốm đau, bệnh tật, em khuyên nên chờ điều trị cho hết nghiện hãy tính, rồi tìm việc gì đó nhẹ nhàng thôi... Anh cười, lâu lắm em mới thấy anh ấy cười với em như vậy, ôm nhẹ vào vai em, rồi nói, anh khỏe rồi, khỏe rồi. Mỗi lần thấy con anh lại như thấy khỏe thêm. Anh phải bỏ được ma túy, phải đi làm để có tiền nuôi con, rồi nó còn đi học, rồi... Anh ngừng lại, em thấy như anh ấy sắp khóc... rồi nhỡ anh 'đi' sớm còn chút gì để lại cho mẹ con em đỡ khổ, em ạ... Mà chị thấy đàn ông khóc chưa, thương lắm.
Đối với mọi gia đình, đứa con vừa là sự kết tinh của tình yêu, hạnh phúc... (Ảnh minh họa: Internet)
Chị Nguyễn Thị M. ở Cần Thơ lại rơi vào hoàn cảnh đau lòng hơn. Cũng như bao người con gái đồng bằng miền Tây chất phác khác, lớn lên chị về nhà chồng, không giàu nhưng cũng có 'của ăn của để'. Gia đình chồng có tới... 7 người con, nhưng chồng chị là đứa con 'đẹp trai nhất nhà', nên được nuông chiều. Những tưởng lấy chồng con 'độc' thì cũng được cưng chiều. Nào ngờ, chồng chị ỉ thế là con trai duy nhất, là người 'kế tục sự nghiệp cha anh'... nên thường bù khú bạn bè, chời bời thâu đêm suốt sáng. Cuối cùng cái gì đến, đã đến, anh bị nhiễm HIV rồi truyền cho chị. Câu chuyện vỡ lỡ khi chị đang mang thai được 2 tháng. Cả nhà làm ầm ĩ lên. Mọi tội lỗi họ đổ hết lên đầu chị. Chị không được nói lại câu nào. Họ bảo nhiễm HIV rồi sinh con sao được nữa, mà có sinh thì con cũng nhiễm HIV. 'Họ này tuyệt tự rồi, vô phúc, vô phúc'... Những lời ấy cứ lặp đi, lặp lại hàng ngày như sát muối vào lòng chị. Để rồi, vào một đêm trăng, sau khi để lại vài chữ 'tạ tội' với mẹ đẻ, các em và cả gia đình chồng, chị lẳng lặng lên cây cầu cách nhà hơn cây số, buông mình xuống dòng sông đang cuồn cuộn chảy. Nhưng rồi, dường như ông trời chưa muốn cho chị được... chết. Một người đánh cá gần đó đã cứu chị lên. Khi tỉnh, chị thấy mình nằm trên chiếc giường nệm trắng xóa, xung quanh nhiều máy móc...Lúc lâu sau chị bắt đầu hồi tỉnh lại khi cảm nhận được bàn tay dịu dàng của một người phụ nữ mặc áo choàng trắng đặt lên trán mình...Người phụ nữ ấy là bác sỹ của bệnh viện, nơi mà chị đã được cứu sống.
Khi sức khỏe chị đã ổn định, cũng chính người nữ bác sỹ ấy đã cho chị biết, dù nhiễm HIV, chị vẫn có thể sinh con khỏe mạnh, chỉ cần chị làm đúng theo các chỉ dẫn của thầy thuốc. Nghe đến đó, mắt chị như sáng lên. Chị cầm chặt tay người bác sỹ. 'Thế hả chị, chị bảo sao em sẽ làm đúng vậy, kể cả chị bảo... chết, miễn chị giúp em sinh được cháu mà không bị nhiễm HIV, để em khỏi mang trọng tội với con, với gia đình, tổ tiên chị ạ'. Rồi chị được dùng thuốc, được khám thai định kỳ, chị cũng đã thực hiện các chăm sóc theo đúng '100%' các chỉ dẫn. Khi chị sắp sinh, chị thấy bệnh viện chuẩn bị rất chu đáo. Khi nghe tiếng khóc oe oe chào đời của con, sức mạnh của người mẹ như bùng lên trong chị, nhưng không hiểu sao nước mắt vẫn cứ ứa ra. Và khoảng 01 tháng sau, khi được thông báo là con trai của chị không bị nhiễm HIV, chị đã khóc thật sự, khóc thành tiếng. Còn mẹ chồng chị thì dường như đã quên tất cả. Bà ôm chầm lấy chị. Vậy là cái 'Vô phúc' đã qua và cái 'Hạnh phúc' đã đến với chị và gia đình.
A. L
(Nội dung do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế kiểm duyệt)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!