Trẻ nhỏ chưa biết bộc lộ cảm xúc hay có thể diễn tả đúng tâm trạng mà chúng đang gặp phải. Nhưng chúng sẽ thể hiện ra ngoài bằng một vài hành động nhỏ nhặt mà nhiều khi cha mẹ vô tình bỏ qua.
Bà mẹ tên Tiểu Vương ở Trung Quốc có một cậu con trai nhỏ 5 tuổi. Cậu bé rất ngoan ngoãn nhưng có phần ít nói và trầm tính. Cậu bé cũng khá gọn gàng, sạch sẽ trong sinh hoạt và việc giữ vệ sinh cơ thể. Nhất là móng tay của cậu bé luôn gọn và sạch, không bao giờ dính đầy đất đen như những đứa trẻ nghịch ngợm khác.
Tiểu Vương cũng từng thắc mắc, đó là dạo gần đây cô không hề cắt móng tay cho con nhưng móng tay của con trai cô luôn ngắn ngủn, không hề bị dài ra. Cô từng hỏi con trai rằng ai cắt móng tay cho bé thì bé nói bé tự cắt.
Vì công việc bận rộn nên Tiểu Vương cũng không mấy chú ý đến vấn đề đó. Thậm chí cô còn thấy tự hào và vui vẻ khi con trai biết tự lập và biết giữ vệ sinh sạch sẽ.
Bàn tay với các móng tay ngắn ngủn của con trai Tiểu Vương. (Ảnh minh họa)
Thế nhưng sau một lần tình cờ nhìn thấy con trai dùng miệng cắn móng tay thì cô mới biết cậu bé cắt móng tay bằng cách dùng răng cắn. Một người hàng xóm khuyên cô rằng nếu trẻ nhỏ hay cắn móng tay nghĩa là cơ thể chúng ta đang thiếu một vi chất nào đó. Nghe vậy Tiểu Vương liền đưa con trai đi khám bác sĩ.
Thế nhưng khi nghe được câu nói của bác sĩ thì cô không khỏi lặng người. 'May mà đến sớm đấy', vị bác sĩ khám cho con trai cô đã nói như vậy.
Thì ra không phải con trai Tiểu Vương có vấn đề về dinh dưỡng mà cậu bé đang mắc phải một một vấn đề về tâm lý. Trong lòng cậu bé có sự lo âu, bất an nên đã dùng hành động cắn móng tay để giải tỏa tâm lý.
Hành động cắn móng tay ở trẻ không hề đơn giản như cha mẹ nghĩ
Theo BS Lê Minh Công - Bệnh viện Tâm thần trung ương II (Đồng Nai), cắn móng tay là một hành vi xảy ra ở nhiều nhóm người khác nhau, cả trẻ con, người lớn và người già. Thông thường họ có những biểu hiện chung như rơi vào tình trạng bất an, lo lắng, căng thẳng, stress kéo dài, thậm chí rối loạn cảm xúc.
'Cắn móng tay như một giải pháp để mang lại cảm giác an toàn, giải quyết những bứt rứt trong người, giải tỏa khó khăn về cảm xúc'- BS Minh Công nhận định.
Với những người cắn móng tay chỉ để thỏa mãn hay giải tỏa stress, căng thẳng thì cắn móng tay giúp họ được thoải mái tạm thời. Nhưng hành vi đó không làm họ thỏa mãn lâu dài, thậm chí có thể làm gia tăng lo âu. Do đó, nếu thấy con có hành vi cắn móng tay, cha mẹ cần phải tìm hiểu nguyên cớ để giải quyết tận gốc rễ vấn đề.
Cha mẹ chớ nên quát mắng con, ra lệnh cho con không được cắn móng tay. Mà hãy dùng những trò chơi hoặc hành động khác để đánh lạc hướng trẻ, làm trẻ bị phân tâm, không còn tập trung vào những lo lắng ấy nữa. Cha mẹ phải tìm hiểu xem con bất an, lo lắng vì điều gì. Hãy trò truyện, tâm sự với con nhiều hơn để trẻ cảm thấy được yêu thương, trong lòng xây dựng được cảm giác an toàn.
Còn đối với trẻ rối loạn tâm thần ở mức độ nặng thì cắn móng tay như một biểu hiện của hành vi cần phải can thiệp. Ví dụ như trẻ tự kỷ cắn móng tay, thậm chí cắn tay thì đó là một hành vi định hình đôi khi ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, cần phải thay đổi, giúp trẻ thích nghi tích cực hơn, xóa bỏ hành vi cắn móng tay.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!