Liệu bạn có biết những biểu hiện bất thường trên móng tay có thể tiết lộ những thông tin về tình trạng sức khỏe của mình không?
Sau khi tìm hiểu ở phần 1 những tình trạng móng tay có thể tiết lộ cho bạn những bệnh tiềm ẩn nghiêm trọng, mời bạn tiếp tục xem các biểu hiện bất thường khác nói lên tình trạng sức khỏe của mình nhé!
Móng tay dùi trống
Đây là hiện tượng các móng tay bắt đầu có xu hướng tròn và phồng lên. Phần cuối móng phát triển cao hơn so với bình thường. Móng tay dùi trống có thể là dấu hiệu của sự thiếu oxy trong máu. Đôi khi dấu hiệu này biểu hiện ở những người mắc bệnh liên quan đến phổi, đặc biệt ở những người bị tổn thương thành phế nang. Tình trạng móng tay này cũng có thể liên quan đến gan hoặc bệnh thận, bệnh tim, bệnh viêm ruột và AIDS.
Móng rỗ mặt
Nếu móng tay của bạn có nhiều lỗ hoặc vết lõm thì đây thường là dấu hiệu của bệnh vẩy nến. Móng rỗ cũng có thể là do rối loạn mô liên kết (bao gồm hội chứng Reiter) hoặc rụng tóc từng vùng, một bệnh tự miễn dịch gây ra rụng tóc.
Xuất hiện những gân dọc
Trái với đường rãnh ngang, những đường gân dọc trên móng tay không phải là một vấn đề lớn. Nó xuất hiện ở người có nhiều biến dị di truyền và gắn liền với quá trình lão hóa. Gờ dọc xuất hiện do bị mất ngủ hoặc thức đêm liên tục. Thỉnh thoảng, những đường gân dọc này xuất hiện ở những người suy dinh dưỡng. Nếu trên móng tay người trẻ tuổi có gờ dọc nổi lên, thì cần đặc biệt chú ý đến tình trạng sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng, vitamin B12 và magiê.
Móng bị cong lên như hình chiếc thìa
Đây là hiện tượng phần móng giữa lõm xuống và phần bao quanh vênh lên giống như cái thìa. Dạng này có thể xuất hiện ở những người bị mắc bệnh tủy sống, bệnh tim, người bị suy chức năng tuyến giáp, người bị trúng độc rượu hay bị phong thấp. Một số chuyên gia cho rằng, hiện tượng móng tay bị vênh lên như vậy có liên quan đến tình trạng cơ thể bị thiếu chất sắt, do vậy hàng ngày cần chú ý bổ sung thêm các thức ăn có chứa hàm lượng sắt cao.
Móng nham nhở do bị cắn
Cắn móng tay là một thói quen xuất hiện không chỉ ở trẻ con mà ở cả người lớn. Tật xấu này chủ yếu xuất phát từ sự lo sợ, căng thẳng, nhàm chán hoặc lo lắng. Chúng ta thường nghĩ đó cũng chỉ là thói quen bình thường nhưng ít ai ngờ nó lại ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.
Cắn móng tay thường xuyên có thể là một dấu hiệu của sự lo lắng dai dẳng kéo dài và cần đến việc điều trị. Cắn móng tay cũng là một dấu hiệu của rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Đây là tình trạng tâm lý xuất hiện chủ yếu ở những người bị ám ảnh quá mức bởi vấn đề vệ sinh cá nhân hoặc những người có hành vi tương tự như kiểm tra đi kiểm tra lại ổ khóa. Nếu bạn không thể dừng cắn móng tay, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết.
Móng bị đen
Nếu móng tay có vệt đen hoặc đôi khi bạn cảm thấy đau thì hãy đi khám bác sĩ ngay vì chúng có thể là do khối u ác tính, một dấu hiệu nguy hiểm nhất của ung thư da.
Móng tay nửa trắng nửa hồng
Nếu trên phần màu trắng móng tay có một vệt màu hồng hẹp ở đầu thì gọi là móng tay Terry. Đây có thể là một dấu hiệu của bệnh gan, suy tim sung huyết, suy thận hoặc bệnh tiểu đường. Đôi khi móng tay Terry cũng có thể là do lão hóa.
Vì móng tay, móng chân chính là “tấm gương” phản ánh tình trạng sức khoẻ của bạn nên việc chăm sóc móng đồng nghĩa với việc chăm sóc cho sức khoẻ của bạn. Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh kết hợp với tập luyện thể dục thể thao thường xuyên sẽ giúp bạn có sức khoẻ tốt và sở hữu những bộ móng tay, móng chân hồng hào, khoẻ mạnh hơn. Bạn nên bổ sung những thức ăn giàu protein như thịt, cá, trứng, sữa… bên cạnh việc tăng cường các loại rau củ, trái cây để bổ sung thêm vitamin và chất xơ, cũng đừng quên tập luyện những bài tập vận động toàn thân như chạy bộ, đi bộ hay yoga…bạn nhé! Chúc các bạn thành công!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 5 mẹo phòng ngừa tình trạng da tay lão hóa sớm
- Lão hóa da tay: đã có cách điều trị mới!
- Bạn có cần đi khám khi chấn thương ngón tay/ngón chân?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!