Mẹ uống rượu gây những biến đổi lâu dài trên não trẻ?

Mang thai - 04/26/2024

Sử dụng rượu có thể ảnh hưởng lên biểu hiện gen ở phôi thai trong suốt giai đoạn đầu thai kỳ bằng cách gây ra những biến đổi trên hệ ngoại di truyền.

Kết quả từ một nghiên cứu gần đây cho thấy uống rượu sớm trong 3-4 tuần đầu của thai kỳ - khoảng thời gian mà nhiều thai phụ còn chưa phát hiện rằng mình đang mang thai - có thể ảnh hưởng tới chức năng của gen trong não bộ của trẻ, dẫn đến những biến đổi lâu dài trong cấu trúc não.

Nghiên cứu được tiến hành trên chuột và công bố trên tạp chí PLOS ONE, đã cho thấy những biến đổi về chức năng gen trong các mô khác nhau của cơ thể do uống rượu trong giai đoạn đầu của thai kỳ.

Trưởng nhóm nghiên cứu BS. Nina Kaminen - Ahola, đại học Helsinki ở Phần Lan, nói rằng những phát hiện của họ đã chứng tỏ việc phơi nhiễm với rượu trong giai đoạn đầu của thai kỳ có thể dẫn đến những biến đổi lâu dài trên việc điều hoà gen ở các tế bào gốc phôi thai (những tế bào đầu tiên xuất hiện trong quá trình phát triển phôi thai).

Uống rượu trong thai kỳ làm tăng nguy cơ một số bệnh lý cho trẻ, như chậm tăng trưởng, giảm thiểu khả năng trí tuệ, học tập, phối hợp kém, chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ. Tuy nhiên các tác giả lưu ý rằng vẫn chưa biết chính xác cơ chế tác động của việc phơi nhiễm rượu trong thai kỳ đến sự phát triển thai nhi, từ đó đưa đến các bệnh cảnh như mô tả bên trên.

Mẹ uống rượu gây những biến đổi lâu dài trên não trẻ?

Uống rượu sớm trong 3-4 tuần đầu của thai kỳ có thể ảnh hưởng tới chức năng của gen trong não bộ của trẻ (Ảnh minh họa: Internet)

Những nghiên cứu trên động vật trước đây gợi ý rằng việc sử dụng rượu có thể ảnh hưởng lên biểu hiện gen ở phôi thai trong suốt giai đoạn đầu thai kỳ bằng cách gây ra những biến đổi trên hệ ngoại di truyền vốn có tác dụng điều hoà chức năng gen. Nghiên cứu này nhằm khảo sát rõ hơn vấn đề trên bằng cách cho một nhóm chuột đang mang thai uống rượu trong suốt 8 ngày đầu thai kỳ - tương đương với 3 - 4 tuần tuổi thai ở người - và phân tích những hậu quả của rượu lên hệ ngoại di truyền ở chuột con. Nghiên cứu đặc biệt tập trung vào cơ chế tác động của việc phơi nhiễm sớm với rượu trong thai kỳ lên hệ ngoại di truyền ở hồi hải mã của chuột con - vùng não đóng vai trò quan trọng trong trí nhớ và học tập.

Kết quả chỉ ra rằng - khi so sánh với những chuột con được sinh ra từ chuột mẹ không phơi nhiễm với rượu - những chuột con có phơi nhiễm với rượu bị thay đổi các tín hiệu ngoại di truyền, dẫn tới những biến đổi trên chức năng một số gen ở hồi hải mã. Và những biến đổi trên chức năng gen tại 2 loại mô khác ở nhóm có tiếp xúc với rượu trong giai đoạn phát triển ban đầu: tuỷ xương và biểu mô khứu giác mũi chuột.

Thông qua MRI đánh giá cấu trúc não của chuột con khi chúng trưởng thành, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra những thay đổi liên quan rượu - đặc biệt là tại hồi hải mã, hành khứu và các não thất.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các chuột con có tiếp xúc với rượu biểu lộ những triệu chứng tương tự như hội chứng nghiện rượu bào thai ở người,như giảm tốc độ tăng trưởng, biến đổi cấu trúc mặt, hộp sọ và tăng động. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng những phát hiện của họ cho thấy có thể sử dụng những biến đổi về ngoại di truyền như những chất chỉ thị sinh học trong chẩn đoán FAS.

BS. Kaminen - Ahola giải thích thêm: 'Những kết quả này ủng hộ cho giả định của chúng tôi về việc rượu có thể ảnh hưởng lâu dài lên điều hoà gen trong giai đoạn rất sớm. Điều này rất có ý nghĩa đối với những thách thức trong việc chẩn đoán tổn thương do rượu'.

TT (Nguồn: medicalnewstoday 05/2015)

(Nội dung do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế kiểm duyệt)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!