Mẹo chữa đau họng vào mùa lạnh

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/29/2024

Viêm họng là tình trạng phổ biến xảy ra vào mùa lạnh, những mẹo tại nhà đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn làm giảm cơn đau họng.

Viêm họng là một căn bệnh khá phổ biến, nhất là khi có sự thay đổi bất thường về nhiệt độ thời tiết, tạo điều kiện cho virus sinh sôi và lây lan. Cổ họng bạn có thể sẽ rất đau khi bạn bị viêm họng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể áp dụng những mẹo đơn giản dưới đây và có thể tự thực hiện tại nhà để làm giảm cơn đau họng.

Làm thế nào để giảm cơn đau họng tại nhà?

Ngậm nước muối ấm có thể giúp làm giảm bớt triệu chứng sưng đau và làm bạn dễ chịu hơn nhiều. Bạn nên ngậm ít nhất một lần mỗi giờ với dung dịch pha loãng 5 g muối trong 240 ml nước ấm. Ngoài ra, cách này còn tác dụng giảm bớt cảm giác khó chịu ở họng.

Bạn có thể ngăn ngừa tình trạng mất nước bằng cách bổ sung đủ nước cho cơ thể. Hơn nữa, các thực phẩm lỏng, nóng như trà hay súp có thể giúp giảm sưng cũng như làm dịu bớt cơn đau họng.

Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng máy tạo hơi hoặc độ ẩm trong phòng ngủ vì một bầu không khí mát mẻ không những sẽ làm bạn cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều khi hít thở mà còn giúp giảm tình trạng sưng đau. Tuy nhiên, bạn không nên để cho căn phòng trở nên quá lạnh hoặc ẩm ướt vì không tốt cho sức khỏe của bạn.

Trong khi bị đau họng, bạn không nên hút thuốc và sử dụng các sản phẩm có liên quan đến thuốc lá để tránh làm tình trạng trở nên tệ hơn.

Hơn nữa, nếu bạn bị ợ nóng (biểu hiện của tình trạng rối loạn axit ở dạ dày) gây ra triệu chứng đau họng thì bạn cần đến khám bác sĩ để được điều trị sớm.

Các loại thuốc dùng để điều trị đau họng

Bạn cũng có thể cân nhắc việc sử dụng các loại thuốc không cần kê đơn để góp phần giảm nhẹ các triệu chứng. Tuy nhiên, bạn nên thận trọng với những loại thuốc này bằng cách đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để đảm bảo rằng bạn không uống chúng quá liều.

Thuốc chữa đau họng không cần kê toa

Các loại thuốc hỗ trợ cảm cúm và giảm đau không cần kê đơn như Acetaminophen: Tylenol, các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDS), Ibuprofen: Advil hoặc Motrin, Naproxen: Aleve hoặc Naprosyn.

Ngoài ra, các loại thuốc điều trị viêm họng hoặc dung dịch phun có chứa các chất gây tê có tác dụng làm tê cổ họng và giảm đau nhanh chóng. Bạn cũng có thể nhai các loại kẹo cứng không đường để giảm nhẹ cơn đau.

Thuốc làm thông mũi hoặc nước nhỏ mũi

Bạn có thể sử dụng các loại thuốc có chứa steroid trong trường hợp bạn bị nghẹt mũi. Các loại thuốc này giúp bạn hít thở dễ dàng hơn bằng cách làm giảm sưng niêm mạc ẩm bên trong mũi cho không khí đi vào. Ngoài ra, chúng còn giúp giảm nhẹ các triệu chứng như chảy nước mũi hay nghẹt mũi nhờ đó hạn chế nguy cơ gây viêm họng.

Tuy nhiên những loại thuốc này có thể không an toàn đối với trẻ nhỏ và một số người mắc những căn bệnh nhất định. Do đó, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và làm theo chỉ dẫn in trên bao bì về liều dùng theo cân nặng và độ tuổi để đảm bảo an toàn.

Bạn cần lưu ý gì khi dùng thuốc điều trị tại nhà?

Bạn nên chắc chắn áp dụng những mẹo sau đây khi sử dụng thuốc không kê đơn để đảm bảo an toàn:

  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và làm theo đúng tất cả các lời chỉ dẫn in trên chai hoặc hộp thuốc;
  • Không sử dụng thuốc quá liều đề nghị;
  • Không sử dụng thuốc mà bạn có dị ứng với bất cứ thành phần nào chứa trong thuốc trước đó;
  • Nếu bạn được khuyến cáo không được dùng một loại thuốc cụ thể nào, hãy trao đổi điều đó với bác sĩ điều trị trước khi sử dụng;
  • Nếu bạn đang mang thai hoặc có ý định sinh con, bạn không nên uống bất kỳ loại thuốc nào – ngoài acetaminophen – trừ khi có sự cho phép của bác sĩ;
  • Bạn tuyệt đối không nên tự ý cho người dưới 20 tuổi uống thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, nếu như trong quá trình điều trị viêm họng tại nhà mà bạn phát hiện một trong những dấu hiệu sau, bạn cần phải đi khám bác sĩ ngay:

  • Trở nên khó thở hơn;
  • Cơn đau ngày càng nghiêm trọng;
  • Gặp khó khăn khi uống nước;
  • Chỗ sưng trở nên viêm loét hoặc đi kèm với triệu chứng sốt;
  • Các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần và có chiều hướng nghiêm trọng cũng như thường xuyên hơn.

Tóm lại, bạn hoàn toàn có thể tự điều trị chứng viêm họng tại nhà với những mẹo nêu trên nhưng bạn cũng không được phép chủ quan nếu các triệu chứng không giảm mà thậm chí trở nên nặng hơn, vì có thể là do phương pháp mà bạn dùng chưa phù hợp. Trong trường hợp này, cách tốt nhất vẫn là bạn nên đi khám bác sĩ và được điều trị đúng cách nhé!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!