Khi nhiễm vi-rút lần đầu người nhiễm có thể bị bệnh cấp tính và có thể biểu hiện triệu chứng lâm sàng từ nhẹ đến nặng. Một số người có khả năng chống lại và tiêu diệt được hết vi-rút trong cơ thể, không bị bệnh. Nhưng một số khác phải sống với viêm gan B cả đời (bệnh mãn tính). Bệnh viêm gan mãn tính do vi-rút viêm gan B tiến triển âm thầm dần dần dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan (tỉ lệ tử vong rất cao).
Việc phát hiện và điều trị viêm gan B gặp phải khó khăn là bệnh diễn biến thầm lặng không đặc hiệu dễ bị người bệnh bỏ qua không đi khám. Chỉ đi khám bệnh khi đã có biến chứng nặng không còn khả năng chữa trị như: Xơ gan cổ chướng, ung thư gan.
Vi-rút viêm gan B tấn công gan (Ảnh minh họa: Internet)
1. Triệu chứng của nhiễm vi-rút viêm gan B
- Chán ăn, sốt nhẹ, mệt mỏi rã rời, đau nhức cơ khớp.
- Buồn nôn, đi ngoài phân hơi lỏng hoặc nôn.
- Nước tiểu đục, hoặc vàng.
- Vàng da, vàng mắt.
Các triệu chứng trên thường xuất hiện sau khi nhiễm vi-rút từ 3 đến 4 tháng và qua nhanh. Khoảng 80% người bệnh sẽ không nhận ra bất kỳ triệu chứng đặc biệt nào cho đến khi gan bị tổn thương nghiêm trọng. Việc phát hiện sớm và điều trị dứt điểm viêm gan là rất quan trọng nhằm ngăn chặn trở thành viêm gan mãn tính và dẫn tới xơ gan hoặc ung thư gan.
Vì vậy, khi thấy người mệt mỏi một cách bất thường, chán ăn, vàng da… không có yếu tố nào có thể nghi ngờ là nó dẫn đến hiện tượng mệt mỏi… phải cảnh giác nhiễm vi-rút viêm gan B, phải đi khám bệnh xét nghiệm nồng độ men gan và các xét nghiệm khác nhằm khẳng định hoặc loại trừ nhiễm viêm gan B. Nếu bị phải điều trị tích cực không để dẫn đến viêm gan mạn và bệnh tiến triển đến xơ gan.
Người bị viêm gan B da và mắt bị vàng (Ảnh minh họa: Internet)
2. Tại sao nên tiêm vắc-xin viêm gan B ngay sau khi sinh?
Vi-rút viêm gan B nếu xâm nhập vào cơ thể trẻ trong trong thời kỳ sơ sinh có thể nhân lên nhanh chóng. Vi-rút này làm vô hiệu hóa hệ miễn dịch của trẻ và trẻ không có khả năng sinh ra kháng thể chống lại vi-rút viêm gan B, nếu có tiêm vắc-xin sau này.
Bản chất của tiêm vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh là đưa kháng nguyên viêm gan B vào cơ thể trẻ để cạnh tranh với vi-rút viêm gan B. Nếu hệ miễn dịch đáp ứng bởi vắc-xin sinh ra kháng thể kháng vi-rút trước khi vi-rút viêm gan xâm nhập và nhân lên thì khả năng phòng bệnh được cho bé đạt đến 90%. Do vậy, để phòng lây nhiễm vi-rút viêm gan B thì tốt nhất là tiêm vắc-xin trong 24 giờ đầu sau sinh. Nếu tiêm sau 24 giờ, hiệu quả bảo vệ vắc-xin sẽ giảm dần.
Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!