Mệt do ngủ không đủ giấc
Người trưởng thành cần 7-8 giờ ngủ mỗi đêm. Thiếu ngủ sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và sự tập trung của bạn.
Khắc phục: Hãy ưu tiên cho giấc ngủ và thực hiện đều đặn lịch trình ngủ. Chuyển máy tính, điện thoại và TV ra khỏi phòng.
Mệt do ngừng thở trong khi ngủ
Một số người nghĩ rằng họ ngủ đủ giấc, nhưng hiện tượng ngừng thở trong khi ngủ đã gây nên sự mệt mỏi, bởi nó khiến bạn không thể thở liền mạch suốt cả đêm. Mỗi lần gián đoạn giấc ngủ khiến bạn thức dậy một lúc. Kết quả là bạn bị bớt xét giấc ngủ mặc dù vẫn có đủ 8 giờ để ngủ.
Khắc phục: Hãy đến gặp bác sĩ để tìm liệu trình điều trị phù hợp. Ngoài ra, nên giảm cân nếu đang thừa cân, bỏ hút thuốc. Bạn có thể cần thiết bị CPAP giữ cho đường thở luôn mở trong khi ngủ.
Mệt do thiếu năng lượng
Ăn quá ít hoặc ăn các thực phẩm không đúng cách cũng khiến cơ thể mệt mỏi. Một chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường và ngăn ngừa cảm giác uể oải khi lượng đường trong máu giảm xuống.
Khắc phục: Luôn ăn sáng và mỗi bữa ăn nên có đầy đủ cả protein và carb. Ví dụ, ăn trứng với bánh mì ngũ cốc nguyên hạt. Ngoài ra, hãy chia nhỏ các bữa ăn và ăn nhẹ trong suốt cả ngày để duy trì năng lượng.
Mệt do thiếu máu
Thiếu máu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mệt mỏi ở phụ nữ. Mất máu trong khi hành kinh có thể gây thiếu sắt. Các tế bào hồng cầu rất cần thiết bởi chúng vận chuyển ôxy đến các mô và cơ quan trọng cơ thể.
Khắc phục: Với thiếu máu do thiếu sắt, uống bổ sung sắt và ăn những thực phẩm giàu chất sắt như thịt nạc, gan, sò, hến, đậu và ngũ cốc đã được chế biến.
Mệt do nhiễm trùng đường tiết niệu tiềm ẩn
Nếu bạn đã từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn có thể quen với cảm giác đau rát và luôn muốn đi tiểu. Nhưng nhiễm trùng không phải lúc nào cũng có biểu hiện rõ ràng, trong một số trường hợp, mệt mỏi là dấu hiệu duy nhất. Xét nghiệm nước tiểu có thể nhanh chóng xác nhận nhiễm trùng đường tiết niệu.
Khắc phục: Hãy gặp bác sĩ để được kê đơn điều trị phù hợp. Thuốc kháng sinh thường được dùng để điều trị căn bệnh này.
Mệt do trầm cảm
Bạn có thể nghĩ trầm cảm là một rối loạn cảm xúc, nhưng nó cũng góp mặt trong rất nhiều triệu chứng thực thể. Mệt mỏi, đau đầu và chán ăn là những triệu chứng phổ biến nhất. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và tinh thần sa sút nhiều hơn vài tuần, hãy đi gặp bác sĩ.
Khắc phục: Trầm cảm có thể được điều trị bằng liệu pháp nói chuyện và/hoặc dùng thuốc.
Mệt do thiểu năng giáp trạng
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ nằm phía trước cổ, có chức năng kiểm soát chuyển hóa, tốc độ cơ thể chuyển đổi thức ăn thành năng lượng. Khi tuyến giáp hoạt động kém và các chức năng chuyển hóa quá chậm, bạn có thể cảm thấy uể oải và bị tăng cân.
Khắc phục: Nếu xét nghiệm máu cho thấy hoóc-môn tuyến giáp của bạn ở mức thấp, hãy gặp bác sĩ để có liệu trình điều trị phù hợp.
Mệt do dùng caffein quá liều
Caffein có thể cải thiện sự tỉnh táo và độ tập trung nếu dùng liều lượng vừa phải. Nhưng quá nhiều có thể làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, và bị bồn chồn không yên. Nghiên cứu cho thấy quá nhiều caffein thực sự gây mệt mỏi ở một số người.
Khắc phục: Từng bước cắt giảm cà phê, trà, sô-cô-la, nước ngọt và bất kỳ loại thuốc nào có chứa caffein. Không nên đột ngột cắt hoàn toàn caffein vì sẽ khiến cơ thể mệt mỏi hơn.
Mệt do bệnh tiểu đường
Ở những người bị tiểu đường, lượng đường cao bất thường trong máu thay vì vào các tế bào của cơ thể - nơi đường được chuyển hóa thành năng lượng. Kết quả là cơ thể thiếu sinh lực mặc dù ăn uống đầy đủ. Nếu bạn thấy mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân, hãy làm xét nghiệm đối với bệnh tiểu đường.
Khắc phục: Cùng với liệu trình điều trị phù hợp từ bác sĩ, người bị tiểu đường cần điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục hàng ngày.
Mệt do cơ thể bị mất nước
Mệt mỏi có thể là dấu hiệu của mất nước. Dù bạn làm công việc vận động nhiều hay ngồi một chỗ, thì cơ thể vẫn luôn cần nước để hoạt động và làm mát. Khi bạn cảm thấy khát nước tức là cơ thể đã bị mất nước.
Khắc phục: Thường xuyên uống nước trong ngày để nước tiểu có màu sáng. Nếu bạn tập thể thao, hãy uống ít nhất 2 cốc nước trước khi tập 1 giờ, uống ngụm nhỏ trong suốt quá trình tập và sau khi tập cần uống thêm 2 cốc nữa.
Mệt do bệnh tim
Khi thấy mệt mỏi trong các hoạt động thường ngày, như dọn dẹp nhà cửa, làm cỏ vườn, đó có thể là dấu hiệu tim bạn không khỏe. Nếu bạn thấy ngày càng khó có thể hoàn thành những việc vẫn làm dễ dàng trước đây, hãy đi khám để tìm biện pháp điều trị phù hợp.
Khắc phục: Thay đổi lối sống, dùng thuốc, và liệu trình điều trị phù hợp có thể kiểm soát bệnh tim và hồi phục năng lượng.
Mệt do làm việc theo ca và rối loạn giấc ngủ
Làm việc ban đêm hoặc luân phiên đổi ca có thể phá vỡ đồng hồ sinh học, khiến bạn thấy mệt mỏi trong khi cần phải tỉnh táo. Hơn nữa, bạn có thể khó ngủ ban ngày.
Khắc phục: Hạn chế tiếp xúc ánh sáng ban ngày khi bạn cần nghỉ ngơi, hãy để phòng tối, yên tĩnh và mát mẻ. Nếu vẫn không có tác dụng thì bạn cần gặp bác sĩ để tìm giải pháp hợp lý.
Hội chứng mệt mỏi kinh niên và đau xơ cơ
Nếu thấy mệt mỏi kéo dài trên 6 tháng và nghiêm trọng tới mức không thể kiểm soát các hoạt động hàng ngày, có khả năng bạn mắc hội chứng mệt mỏi kinh niên hoặc đau xơ cơ. Cả hai đều có những triệu chứng khác nhau, nhưng mệt mỏi dai dẳng không rõ nguyên nhân là một trong những dấu hiệu chính.
Khắc phục: Trong khi chưa có phương thức điều trị phục hồi nhanh đối với hội chứng mệt mỏi kinh niên và đau xơ cơ, người bệnh có thể thay đổi lối sống thường ngày, tập thói quen ngủ tốt hơn và bắt đầu một chương trình thể dục nhẹ nhàng.
Vân Doãn (Theo webmd)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!