Mồ hôi nặng mùi chứng tỏ bạn đang gặp stress nặng, còn mồ hôi có vị mặn cảnh báo cơ thể không hấp thụ đủ lượng muối cần thiết.
Chúng ta thường nghĩ rằng mồ hôi chỉ đơn thuần là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang nóng hoặc vừa luyện tập thể thao vất vả. Trên thực tế, mồ hôi có thể cảnh báo nhiều điều về sức khỏe.
Ảnh: hinglishtalk.com.
'Mồ hôi chứa thông tin sinh học phong phú về những gì đang xảy ra trong cơ thể cùng nhiều chất khác nhau, từ ion điện phân đến các chất chuyển hóa và phân tử protein', tiến sĩ Ali Javey từ Đại học California (Mỹ), người tiên phong nghiên cứu về mồ hôi nói với Women's Health.
Qua mồ hôi, bạn sẽ hiểu được nhiều chi tiết về sức khỏe trước đó không thể tự cảm nhận mà không cần bất cứ thiết bị công nghệ cao nào. Có 4 tình huống của mồ hôi cảnh báo tình trạng sức khỏe, bạn có thể trắc nghiệm cho bản thân mình.
Mồ hôi nặng mùi:
Lúc tập luyện ở phòng gym, mồ hôi thường không có mùi. Ngược lại, sức ép ở cơ quan khiến mùi cơ thể trở nên khó chịu. Điều này là do hai loại mồ hôi được sản xuất bởi các tuyến khác nhau. Nếu cơ thể quá nóng, mồ hôi từ tuyến eccrine xuất hiện khắp cơ thể, chủ yếu được tạo thành từ nước và muối. Trong khi đó stress kích thích tuyến apocrine tiết mồ hôi, giới hạn ở vùng nách, bao gồm chất béo, protein, vi khuẩn da từ đó làm bạn bị nặng mùi.
Đổ mồ hôi quá nhiều:
Mỗi người đổ mồ hôi theo một cách khác nhau nhưng nhìn chung người càng khỏe mạnh càng dễ đổ mồ hôi. Một nghiên cứu Nhật Bản năm 2010 chỉ ra người sung sức không chỉ đổ mồ hôi nhiều hơn mà còn đổ mồ hôi sớm hơn. Điều đó có nghĩa áo ướt sũng mồ hôi sau vài km chạy bộ cho thấy bạn đang tập luyện đúng cách.
Tuy nhiên, nếu lòng bàn tay bị đổ mồ hôi dù không hề lo lắng hay tập thể thao, bạn nhiều khả năng mắc chứng tăng tiết mồ hôi (hyperhidrosis). Bạn sẽ cần gặp bác sĩ để được kê thuốc.
Mồ hôi mặn:
Nếu mồ hôi để lại vệt trắng trên mặt hoặc gây cảm giác cay xè khi chảy vào mắt, bạn có thể bị thiếu muối. Trên thực tế, dù nghe có vẻ khác thường, những người đổ mồ hôi mặn thường ăn không đủ muối. Hãy lưu ý bổ sung các chất điện giải sau khi tập luyện thể thao để đảm bảo sức khỏe.
Đổ quá ít mồ hôi:
Đổ mồ hôi nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng tuyến mồ hôi trong cơ thể (hầu hết chúng ta có 2-4 triệu tuyến) nên đừng lo lắng nếu ai đó đổ mồ hôi ngay khi vừa bắt đầu tập thể thao còn bạn thì không.
Thế nhưng, nếu đã tập đến giữa buổi với cường độ cao mà không hề toát mồ hôi, bạn đã gặp vấn đề. Giảm tiết mồ hôi (anhidrosis) là chứng bệnh khiến con người không có khả năng đổ mồ hôi một cách bình thường, ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận hoặc chỉ một vùng nhất định, do di truyền hoặc chấn thương da. Hiện tượng này khiến cơ thể không thể điều chỉnh nhiệt độ và dẫn đến nguy hiểm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!