Mổ lấy thai có phải lúc nào cũng an toàn, hãy nghe câu trả lời từ GĐ BV Phụ sản TW

Mang thai - 03/29/2024

Mặc dù không có bằng chứng cho thấy có sự giảm tỷ lệ bệnh tật và tỷ lệ tử vong cho mẹ cũng như trẻ sơ sinh khi thực hiện mổ lấy thai, trong khi đó lại có sự gia tăng tỷ lệ của những biến chứng liên quan đến mổ lấy thai

Tỷ lệ mổ lấy thai tại BV Phụ sản Trung ương khoảng 50%

Đánh giá thực trạng chăm sóc sản phụ và sơ sinh sau mổ lấy thai của điều dưỡng hộ sinh tại BV Phụ sản TW được trình bày tại Hội nghị sản phụ khoa Việt Pháp năm 2019 diễn ra trong hai ngày từ 13- 14/5, do BV Phụ sản Trung ương phối hợp Hội sản phụ khoa Pháp, các trường Đại học và bệnh viện của Pháp tổ chức tại Hà Nội cho thấy mổ lấy thai có tỷ lệ cao và đang có xu hướng gia tăng.

Mổ lấy thai có phải lúc nào cũng an toàn, hãy nghe câu trả lời từ GĐ BV Phụ sản TW

PGS.TS Trần Danh Cường- Giám đốc BV Phụ sản Trung ương phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị sản phụ khoa Việt Pháp năm 2019

Trong nghiên cứu này, các chuyên gia cũng đặt vấn đề cho rằng mặc dù mổ lấy thai có thể cứu được tính mạng của mẹ và thai nhi trong một số tình huống cấp cứu nhưng trong khi có sự gia tăng tỷ lệ mổ lấy thai mà không có bằng chứng cho thấy có sự giảm tỷ lệ bệnh tật và tỷ lệ tử vong cho mẹ cũng như trẻ sơ sinh. Trong khi đó lại có sự gia tăng tỷ lệ của những biến chứng liên quan đến mổ lấy thai.

Thông tin từ nghiên cứu này cho biết, tại BV Phụ sản Trung ương tỷ lệ mổ lấy thai vào những năm 60 của thế ký trước là 9%, nhưng đến năm 2015 con số này là gần 40% và đến năm 2017, con số này đã tăng thêm trên 10%

Chia sẻ thêm về vấn đề này, trao đổi với báo chí, PGS. TS Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho hay, hiện nay Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức về tỷ lệ mổ lấy thai, nhưng tỷ lệ này tùy theo từng bệnh viện, có nơi lên tới 60 nhưng tính trung bình tại TP Hồ Chí Minh khoảng 30%, ở BV Phụ sản Trung ương khoảng tầm 50%.

Cần công tác tư vấn của nhân viên y tế ngay từ khi sản phụ mang thai

Tại nghiên cứu trên, các tác giả của BV Phụ sản Trung cũng cho rằng nhân viên y tế phải hiểu rõ về những biến chứng gần và xa của mổ lấy thai để phòng ngừa lạm dụng mổ lấy thai nhất là trên sản phụ sinh con lần đầu.

Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cũng rất thẳng thắn cho rằng việc mổ lấy thai có khi không phải chỉ là do gia đình yêu cầu mà còn là do công tác tư vấn của nhân viên y tế.

Theo PGS.TS Trần Danh Cường, thường gia đình sản phụ không nắm được chuyên môn, do đó việc tư vấn để sản phụ lựa chọn một phương pháp (mổ đẻ hay đẻ thường) chính là do cán bộ y tế tư vấn từ lúc mang thai cho đến tận khi đẻ, chứ không phải do gia đình lựa chọn. Nhiều khi chúng ta nói tăng tỷ lệ mổ lấy thai là do gia đình áp lực, nhưng cái áp lực ấy là do công tác tư vấn của chúng ta chưa thống nhất khi vẫn còn cách hiểu “mổ tốt hơn cho bà mẹ, mổ tốt hơn cho em bé”.

Mổ lấy thai có phải lúc nào cũng an toàn, hãy nghe câu trả lời từ GĐ BV Phụ sản TW

Mặc dù tỷ lệ mổ lấy thai gia tăng, nhưng trên thực tế cũng đã chứng minh, mổ lấy thai cũng có nhiều biến chứng hơn đẻ thường. Ảnh minh hoạ.

Phân tích thêm, PGS.TS Trần Danh Cường cho biết, trên thực tế cũng đã chứng minh, mổ lấy thai cũng có nhiều biến chứng hơn đẻ thường (có thể chảy máu rất nhiều do gây mê, nhiễm trùng vết mổ…). Đồng thời, nếu mổ lấy thai con thứ nhất thì đương nhiên khi sinh các con sau cũng sẽ phải thực hiện mổ lấy thai bởi vì tử cung có sẹo rồi thì tỷ lệ mổ tăng rất cao.

“Do đó, việc mổ con so là cực kỳ quan trọng, ở Pháp thời gian sổ thai được tính cả tiếng đồng hồ nhưng tại Việt Nam thì quy định chỉ có 30 phút, nếu quá 30 phút không sổ thì bắt buộc phải mổ bắt con (lấy ra)”- ông Cường nêu thực trạng

Đồng thời, Giám đốc BV Phụ sản TW cũng không loại trừ những trường hợp lựa chọn mổ đẻ là do các cặp vợ chồng đó có tiền sử thai kỳ khó khăn do đó họ nghĩ việc mổ lấy thai sẽ an toàn hơn rất nhiều cho em bé.

Hiện nay, xu hướng mổ lấy thai ở thành phố lớn hơn vùng nông thôn, vì công tác tư vấn ở vùng nông thôn khác hơn ở Thành phố. “Cho nên tôi cho rằng đầu tiên là công tác chăm sóc thai nghén và tư vấn cho người phụ nữ để họ biết về đẻ thường và mổ lấy thai, từ đó có sự lựa chọn phù hợp, tốt cho cả mẹ và trẻ”- PGS.TS Trần Danh Cường nói

Hội nghị sản phụ khoa Việt Pháp năm 2019, thu hút hơn 1.600 đại biểu là các giáo sư, bác sĩ và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới với 72 bài báo cáo khoa học của 21 giáo sư, chuyên gia quốc tế như Anh, Pháp, Hà Lan, Phần Lan, Singapore, Thái Lan…; hơn 30 báo cáo viên của Việt Nam về các đề tài mang tính thời sự trong lĩnh vực sản phụ khoa, ung thư sinh dục, chẩn đoán trước sinh và y học thai nhi, vô sinh và hỗ trợ sinh sản, nội tiết mãn kinh, sơ sinh, kế hoạch hóa gia đình…

Thông qua Hội nghị này, BV Phụ sản Trung ương và nhiều cơ sở y tế trong lĩnh vực sản phụ khoa, sơ sinh, sức khỏe sinh sản sẽ được học tập, trao đổi, chuyển giao và ứng dụng được nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị hiện đại từ các quốc gia có nền y học tiên tiến, đồng thời là cơ hội để quảng bá, nâng cao vị thế của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, các bệnh viện khác trên diễn đàn quốc tế.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!