Nhiều bác sĩ ngoại khoa đã rời dao mổ dù từng phẫu thuật cả nghìn ca thành công, nhưng khi chỉ một ca tai biến là áp lực dồn đến khiến họ không thể chịu nổi…
Tôi có một anh bạn từng là bác sĩ, anh nói 'cả nhà tôi làm nghề y, nhưng nghề bạc với nhà tôi lắm, đã có người phải ra đi chính vì nghề nghiệp của mình. Do những cú sốc không vượt qua nên từ lâu tôi đã từ bỏ nghề'.
Rồi trong quá trình làm báo, gặp gỡ với nhiều bác sĩ, tôi cũng nghe họ kể rất nhiều vì những cay đắng của nghề. Có một anh bác sĩ giỏi có tiếng, khi tiêm thuốc cho bố đẻ nhưng không may bị sốc phản vệ, bố anh ấy mất. Rồi chuyện một chuyên gia dinh dưỡng giỏi, bố chuyên gia này lại bị tử vong vì ngộ độc vitamin, một chuyên gia hàng đầu vì tim mạch lại đột tử vì bệnh tim… Đó cũng là một khía cạnh cay đắng của nghề nghiệp.
Có những bác sĩ học 6 năm trong trường, ra trường cầm giao mổ cả chục năm cứu sống bao nhiêu con người cũng phải từ bỏ nghề nghiệp, từ bỏ dao mổ chỉ vì một tai biến. Có bác sĩ tự tử vì sai sót và không chịu nổi áp lực từ gia đình người bệnh.
Hình ảnh bác sĩ ngủ trên nền đất sau ca phẫu thuật (ảnh: Internet)
Thi thoảng tôi có nghe đâu đó một câu hát 'cứ sai đi vì cuộc đời cho phép' nhưng riêng với nghề y, một nghề liên quan đến mạng sống con người thì không được phép sai. Tuy nhiên, bác sĩ cũng là con người như tất cả mọi người, làm sao có thể không sai? Không có một bác sĩ nào dám cam đoan, cả cuộc đời làm nghề không có bất cứ sai sót nào. Dù một nền y học phát triển cao nhất thế giới vẫn tồn tại một tỉ lệ tai biến và những sự cố nhất định.
Nói về sự cố mà bác sĩ Phan Văn Hậu vừa mắc phải khi mổ nhầm chân cho bệnh nhân tại BV Việt Đức. Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Viết Tiến đã chia sẻ rằng: 'bác sĩ Phan Văn Hậu, phẫu thuật viên chính mổ nhầm chân bệnh nhân Trần Văn Thảo, là bác sĩ đã nhiều năm cầm dao mổ và rất giỏi chuyên môn'.
BV Việt Đức xin lỗi bệnh nhân bị mổ nhầm chân (Video: Vnexpress)
Cuộc đời là vậy, chỉ mong sao bác sĩ Hậu vượt qua được cú sốc sai sót này. Đó là một bài học xương máu anh sẽ mang theo suốt cuộc đời mình. Như bác sĩ Võ Xuân Sơn, một người giỏi nghề và là một cây viết nổi tiếng cộng đồng mạng, cũng đã có một bài viết chia sẻ với bác sĩ Hậu, và chính Bs. Võ Xuân Sơn cũng kể về 'sự cố' mà mình đã trải. Thường trong nghề, người ta dễ thông cảm với nhau hơn. Nghề nghiệp nào cũng có những rủi ro, nhưng nghề y rủi ro sẽ khó được chấp nhận hơn những nghề khác. Chính vì vậy mà nhiều bác sĩ tự nhận nghề mình là 'nghề bạc'.
Liên quan đến sức khỏe, tính mạng người bệnh, bác sĩ không được phép sai lầm (ảnh: Lê Anh Dũng - Đinh Tuấn)
Chính bệnh nhân Thảo (người bị mổ nhầm chân) vẫn chia sẻ rủi ro nghề nghiệp với bác sĩ Hậu. Anh ấy nói: "Đây là sai sót y khoa không mong muốn, bệnh viện và bác sĩ đã nhận lỗi. Tôi cũng không trách móc gì thêm, chỉ mong bệnh nhanh khỏi để về nhà. Mong lãnh đạo bệnh viện đưa ra hình thức kỷ luật nhẹ nhất để bác sĩ có cơ hội cống hiến cho ngành y'.
Một đồng nghiệp cũng chia sẻ cùng bác sĩ Hậu: 'Mình là một bác sĩ, bản thân mình và các bác sĩ khác đã từ lâu không còn mong sự thông cảm hay chia sẻ của nhân dân nữa rồi. Nó là quá xa xỉ. Nghề y nó bạc lắm, cả đời mổ cứu sống hàng nghìn người chả ai nhớ đến, vì nó là công việc phải làm, nhưng chỉ cần sai sót một lần thôi là có chết cũng nhắm không nổi mắt vì bia miệng tiếng đời'.
Trong một tọa đàm về 'Giảm thiểu tai biến trong y khoa', GS.TS Bùi Đức Phú- Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho rằng, có nhiều nguy cơ như quá tải bệnh viện cũng là một yếu tố dẫn đến tai biến y khoa, có những bác sĩ, một ngày tham gia vài ca mổ nhưng cũng có khi phải túc trực hàng chục ca mổ một ngày nên rất căng thẳng. Sai sót y khoa thường do lỗi hệ thống và lỗi cá nhân. Lỗi hệ thống thường là do thiếu quản lý, giám sát, thiếu trang thiết bị… Nhiều khi dư luận luôn tìm lỗi cá nhân mà không xét đến lỗi hệ thống. Riêng lỗi cá nhân là do hệ thống đào tạo chưa tốt, ý thức kém, thiếu môi trường thực hành.
Gương mặt mệt mỏi của 1 bác sĩ (Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng - Đinh Tuấn)
'Nếu ở nước ngoài, mỗi bệnh nhân được khám và tư vấn 30 phút, còn Việt Nam thì do quá tải nên 5-10 phút là có thể khám xong một bệnh nhân. Ngoài ra, môi trường ô nhiễm cao, kiểm soát nhiễm khuẩn khó thực thi - đây cũng là một yếu tố dẫn đến tai biến y khoa..'., GS Phú cho biết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến từng chia sẻ: Có những người quá căng thẳng còn bị đột quỵ trong phòng mổ. Có bác sĩ tự tử do sức ép từ gia đình bệnh nhân sau khi chữa cho bệnh nhân có những biến chứng. Nhiều bác sĩ ngoại khoa đã rời dao mổ dù từng phẫu thuật cả nghìn ca thành công, nhưng khi chỉ một ca tai biến là áp lực dồn đến khiến họ không thể chịu nổi. Vì vậy, làm sao giữa bệnh nhân và bác sĩ có sự chia sẻ, thông cảm cũng góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
>> Xem thêm:
Kiệt sức, bác sĩ thiếp đi sau nhiều ca phẫu thuật
Bác sĩ trực ca: Hết giờ chỉ 'đủ sức lết về nhà'
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!