Sau nhiều bức xúc của người dân về hoá đơn tiền điện tăng cao, giá điện sinh hoạt tới đây có thể giảm từ 6 bậc thang xuống còn 3-4 bậc thang và thậm chí, sẽ chỉ còn một mức giá duy nhất. Góc nhìn thẳng trao đổi với ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN để tìm hiểu về đề án cải tiến cơ cấu giá điện này.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, nhiều người dân đang quan tâm phương án sửa đổi cơ cấu tính giá điện về một mức đồng giá là 1.747 đồng/kWh. Theo phương án này, người dân cũng như ngành điện sẽ được lợi như thế nào?
Ông Đinh Quang Tri: Nhu cầu tối thiểu về điện cho người dân phải được đảm bảo và phải ở mức giá hợp lý. Trước mắt, chúng ta không đưa về một mức giá ngay được vì những người có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng ngay. Nếu chúng ta đưa về một giá thì chính sách về tiết kiệm năng lượng sẽ bị ảnh hưởng. Hiện nay, chúng ta đang thiếu năng lượng, chúng ta đang phải nhập khẩu.
Nhà báo Phạm Huyền (trái) trao đổi với ông Đinh Quang Tri
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, dù giá điện giảm xuống còn 3 bậc hay 4 bậc, thì cả 5 kịch bản đều cho thấy, người dùng ít điện sẽ chịu giá cao hơn và người dùng nhiều điện lại được lợi hơn vì số tiền phải trả lại được giảm Ông chia sẻ như thế nào về nghịch lý này?
Ông Đinh Quang Tri: Thực ra, dự thảo của chúng tôi tính theo các kịch bản khác nhau để các nhà khoa học, người tiêu dùng cân nhắc và góp ý xem chọn phương án nào là phù hợp nhất. Tôi cho rằng, không có phương án nào phù hợp với tất cả mọi người. Bởi vì nguyên tắc thiết kế giá bán lẻ bình quân, nếu bậc thang có giá cao mà giảm giá xuống thì bậc thang đang có giá thấp phải tăng lên, để đảm bảo giá điện bình quân, đảm bảo bên mua điện và sản xuất kinh doanh. Nếu như khách hàng ở bậc cao giảm xuống thì ở bậc thấp lại tăng lên và ngược lại.
Nhà báo Phạm Huyền: Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, EVN chưa nỗ lực hết sức để tiết giảm chi phí khiến cho giá điện dường như chỉ có một chiều tăng chứ không giảm. Nhất là tới đây, EVN phát sinh 12.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá, không giống như viễn thông, xăng dầu có tăng có giảm. Ông có ý kiến thế nào về điều này?
Ông Đinh Quang Tri: Đối với khách hàng, đương nhiên, khi tăng giá điện, mọi khách hàng đều không có ủng hộ. Chuyện đó là bình thường.
Nhưng chúng ta phải nhìn một bức tranh tổng thể, mọi chi phí sản xuất điện tăng lên. Giá đầu vào tăng lên, chênh lệch tỷ giá tăng lên. Nền kinh tế đã hội nhập với quốc tế thì giá năng lượng cũng phải theo thị trường quốc tế. Nguyên tắc là như thế nhưng giá điện Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với các nước xung quanh. Nhiều người có nói tại sao EVN cứ so sánh giá quốc tế mà lương, thu nhập của mình thấp, còn họ thì cao. Hai bài toán đó là hoàn toàn khác nhau.
Lương, thu nhập là liên quan đến năng suất lao động của từng ngành, từng người. Giá thì liên thông với thị trường thế giới. Do vậy, không thể so sánh thu nhập thấp thì ông phải bán cho tôi điện giá rẻ. Không phải như thế, vì giá là theo thị trường rồi. Nếu anh mà mua thấp thì người ta không bán, người ta phải bán đủ chi phí mới bán.
Vừa qua, một số chuyên gia có ý kiến EVN chưa nỗ lực để giảm chi phí. Chúng tôi đã rà soát thường xuyên. Cái gì không hợp lý thì chúng tôi đã chỉ đạo cắt giảm. Như vừa qua, chênh lệch tỷ giá, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị tìm mọi biện pháp để giảm chi phí, tăng doanh thu để khắc phục việc chi phí tăng nhưng giá điện không được tăng.
Ở Việt Nam, đang ở tình trạng, giá điện còn bao cấp, chưa phải theo thị trường. Tại sao có xu hướng gía chỉ có tăng lên mà không thấy giảm như các sản phẩm khác, chính là do cơ chế trước đây, chúng ta hạn chế không cho tăng. Giờ, khi ra thị trường ngay, giá điện sẽ vọt lên. Nên Chính phủ đã cho một lộ trình từng bước chứ không ra thị trường ngay. Nếu ra thị trường bán lẻ ngay, giá điện chắc chắn sẽ tăng lên, bấy giờ, sẽ ảnh hưởng đến đời sống sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Xin cảm ơn ông!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!