Mối liên hệ giữa vắc-xin HPV và chứng máu vón cục

Kỹ năng sống - 05/14/2024

Loại vắc-xin chống HPV thường được sử dụng trong tiêm phòng ung thư cổ tử cung không làm tăng nguy cơ vón cục máu ở phụ nữ.

Loại vắc-xin chống vi-rút papilloma ở người (HPV) thường được sử dụng trong tiêm phòng ung thư cổ tử cung không làm tăng nguy cơ vón cục máu ở phụ nữ.

Theo nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) số ra ngày 8/7, qua theo dõi hồ sơ của 500.000 bé gái và phụ nữ tuổi từ 10-44 tiêm phòng vắc-xin HPV trong thời gian từ năm 2006-2013, các nhà khoa học Đan Mạch nhận thấy có tới 4.375 ca xuất hiện tình trạng máu vón cục hay nghẽn tĩnh mạch huyết khối (VTE). Trong số trên có 889 trường hợp được tiêm vắc-xin trong thời gian nhóm đang tiến hành nghiên cứu.

Tuy nhiên, sau khi phân tích sâu hơn, các chuyên gia Đan Mạch đã khẳng định không có bằng chứng cụ thể nào về việc gia tăng nguy cơ VTE trong 42 ngày sau khi tiêm phòng - khoảng thời gian được xác định là nguy hiểm nhất. Các nhà khoa học sau đó còn cân nhắc cả những tác động bổ sung từ các yếu tố có thể gây ra hiện tượng máu vón cục như việc dùng thuốc tránh thai ở phụ nữ. Tuy nhiên vẫn cho ra kết quả tương tự. 

Mối liên hệ giữa vắc-xin HPV và chứng máu vón cục

Ảnh minh họa

Các chuyên gia nhấn mạnh những quan ngại về các tác dụng phụ của tiêm vắc-xin có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới các chương trình chủng ngừa quốc gia và đe dọa sức khỏe cộng đồng, do đó nghiên cứu và có các kết luận chính xác là vô cùng cần thiết.

Trước đó, một số nghiên cứu từng cho rằng vắc-xin Gardasil của hãng dược phẩm Merck có liên quan đến việc làm gia tăng nguy cơ máu vón cục.

Năm 2009, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo có sự tăng đột biến các trường hợp VTE ở người sau khi tiêm vắc-xin HPV. Tuy nhiên, trong một báo cáo sau đó, cơ quan này đã khẳng định lại 90% các ca này có sự tác động của các nhân tố gây chứng máu cục khác như thuốc tránh thai.

Các cơ quan y tế Mỹ khuyến cáo nên tiêm phòng vắc-xin HPV cho bé trai và bé gái trong độ tuổi 12-13. Tuy nhiên, chỉ một nửa số trẻ em gái ở Mỹ được tiêm chủng ít nhất 1 trong 3 mũi vắc-xin này và số trẻ em trai thậm chí còn ít hơn, với chỉ một mũi đầu tiên. 

Theo số liệu của CDC, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 19.000 phụ nữ bị mắc bệnh ung thư do nhiễm HPV, trong đó ung thư cổ tử cung là phổ biến nhất.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!