Một năm hồi sinh hàng trăm cuộc đời từ món quà kỳ diệu của cuộc đời

Thời sự - 03/29/2024

Năm 2019, Việt Nam thực hiện ghép tạng cho hơn 530 ca, đồng nghĩa với nhiều cuộc đời hồi sinh từ món quà kỳ diệu của người khác.

Không chỉ làm chủ kỹ thuật, các y bác sĩ ở Việt Nam đang dần chinh phục những đỉnh cao mới trong lĩnh vực được xem là phát minh vĩ đại của thế kỷ: Ghép tạng.

Lần đầu Việt Nam ghép 2 tạng cùng lúc cho một người

Tháng 12/2019 với Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) là tháng của những niềm vui khi liên tiếp chinh phục những thử thách mới trong ngành ghép tạng.

Mới nhất, một nam bệnh nhân người Lào 59 tuổi cùng lúc được ghép thận và gan từ nguồn hiến là cậu thanh niên 19 tuổi quê ở Bắc Giang.

Khi sang Việt Nam vài tháng trước, bệnh nhân Lào bị suy thận, được chỉ định ghép thận. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân xuất huyết tiêu hoá, xơ gan kèm theo.

Trở về Lào chạy thận một thời gian, người đàn ông được gia đình đưa đến Bệnh viện Việt Đức điều trị. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân suy cả hai tạng là gan và thận. Bệnh nhân có thể chết bất cứ lúc nào.

Một năm hồi sinh hàng trăm cuộc đời từ món quà kỳ diệu của cuộc đời

Ca ghép 2 tạng cho một bệnh nhân cùng lúc diễn ra trong 12 giờ, tại Bệnh viện Việt Đức

Ngày 17/12, nam thanh niên 19 tuổi chết não hiến tạng, các bác sĩ đã thực hiện ghép hai tạng thận, gan cho bệnh nhân. Các bác sĩ đánh giá, ghép 2 tạng cùng lúc rất khó khăn. Ở nhiều nước, đường mổ để thực hiện phẫu thuật này, từ xương ức mổ phanh bụng, nhưng tại Bệnh viện Việt Đức, ghép thận, ghép gan đều thực hiện thường quy đường mổ nhỏ, đã tránh được cho bệnh nhân tổn thương quá lớn.

Với ca mổ này, các bác sĩ vừa ghép tạng vừa phải tiếp tục chạy thận lọc máu, điều chỉnh sao mạch máu không tắc, thận hoạt động được. Sau 12 tiếng phẫu thuật, thận hoạt động ngay bệnh nhân không còn phải lọc máu sau mổ. Sau hơn 1 tuần được ghép cùng lúc gan và thận, tình trạng bệnh nhân kiểm soát tốt.

Lần đầu tiên vừa ghép phổi, vừa 'sửa chữa' dị tật của tim cùng lúc

Nữ bệnh nhân may mắn là chị P.T.H (30 tuổi), mắc bệnh tim bẩm sinh thông liên nhĩ lỗ lớn, phát hiện muộn nên bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối từ hơn 3 năm nay. Nếu không được ghép phổi, người phụ nữ này chắc chắn sẽ sớm tử vong do suy chức năng tim – phổi. Trước khi ghép, người bệnh thường xuyên thiếu ôxy, tím môi và đầu chi, bão hòa ôxy thấp, không lao động được.

Mỏi mòn chờ đợi đúng 1 năm trời lay lắt, niềm vui đến với chị vào cuối năm 2019. Từ nguồn hiến của nam thanh niên chết não, lá phổi mới được ghép vào lồng ngực chị H, cùng lúc đó, bác sĩ sẽ sửa chữa khuyết tật của tim cho chị. Việc thực hiện cùng lúc vừa sửa tim – vừa ghép phổi này phức tạp và khá nhiều rủi ro.

Ca mổ ghép phổi đặc biệt diễn ra trong 12 giờ. Hiện tại, người bệnh đã có thể tự thở, các xét nghiệm đánh giá chức năng phổi ghép tốt, tỉnh táo, tập phục hồi chức năng tại giường, ăn uống tiêu hóa tốt. Thành công của ca ghép phổi đặc biệt không chỉ cứu sống một người bệnh, mà còn mở ra cơ hội cho nhiều người bệnh Việt Nam mắc tim bẩm sinh và bệnh khác khi còn trẻ.

Những em bé nhỏ tuổi nhất, nhẹ cân nhất Việt Nam được ghép tạng

Năm 2019 đánh dấu mốc là năm có nhiều em bé nhỏ tuổi nhất, nhẹ cân nhất được ghép tạng (ghép gan, thận…).

Tháng 9/2019, bé Bùi Bảo Nguyên 6 tuổi, quê Thái Nguyên, bị suy thận giai đoạn cuối là bệnh nhi nhẹ cân nhất (13,5 kg) ở Việt Nam được ghép thận.

Bé được phát hiện suy thận từ khi mới 10 tháng tuổi và được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị bảo tồn từ khi phát hiện bệnh. Bé chỉ có một quả thận bên phải và quả thận này bị thiểu sản.

Bảo Nguyên còn chậm phát triển thể chất do suy thận mạn, điều trị bằng hormone tăng trưởng nhưng đến trước khi ghép tạng chỉ nặng 13,5 kg (tương đương em bé 2 tuổi), cao 100 cm (bằng em bé 3 tuổi).

Ngày 28/8, bé có dấu hiệu tăng kali máu, mức lọc cầu thận giảm thấp, chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối, chỉ định ghép thận. Sau một thời gian dài làm các xét nghiệm, Nguyên có mẹ là người phù hợp để hiến thận.

Ngày 15/9, bệnh nhi được các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật ghép thận. Điều khó khăn trong quá trình phẫu thuật mà các bác sĩ gặp phải chủ yếu là do chiều cao, cân nặng của bệnh nhi thấp. Hố chậu của bé còn quá nhỏ nên bác sĩ không thể đặt thận vào hố chậu mà phải đặt thận vào ổ bụng. Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của cả êkíp.

Ca phẫu thuật thành công. Sau ghép 4 ngày, tình trạng bệnh nhi tiến triển tốt, tỉnh táo, ăn uống được, chức năng thận trở về bình thường. Cuối tháng 9, bệnh nhi được ra viện.

Tháng 10/2019, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiến hành ghép gan cấp cứu cho bệnh nhi vừa nhỏ tuổi, vừa nhẹ cân nhất Việt Nam từ trước tới nay.

Bệnh nhi là bé Phạm Quỳnh Châu. Em sinh ra khỏe mạnh bình thường nhưng sau sinh 5 tuần bé có biểu hiện vàng da bất thường, chẩn đoán teo mật bẩm sinh.

Trước khi ghép một thời gian, bệnh nhi diễn biến vàng da ứ mật nặng và suy gan. Cách duy nhất giữ tính mạng cho bé là ghép gan.

Một năm hồi sinh hàng trăm cuộc đời từ món quà kỳ diệu của cuộc đời

Ca ghép gan kéo dài 8 giờ cho em bé nhỏ tuổi nhất, nhẹ cân nhất Việt Nam đã diễn ra thành công tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tháng 10/2019.

Dự kiến ban đầu, khoảng tháng 2/2020, khi bé lớn hơn có thể ghép gan, nhưng tình trạng suy gan tiến triển kèm xuất huyết tiêu hóa tái phát nhiều lần, ngày càng nặng đe dọa tính mạng trẻ nên phải chỉ định ghép gan khẩn cấp.

TS. Nguyễn Phạm Anh Hoa - Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngày 20/9, khi được chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng sức khỏe bé Châu rất kém.

Chỉ có 2 tuần để các bác sĩ chuẩn bị cho quá trình tìm gan hiến và ghép gan cho bé. 2 tuần chờ đợi đó, sức khỏe bệnh nhi 11 tháng tuổi nặng 6,4kg này không ngừng chuyển biến xấu. Mẹ em được xác định là người sẽ hiến một phần gan cho con.

Cân nặng và tình trạng bệnh của bé Châu khiến kỹ thuật ghép tạng và công đoạn hồi sức sau phẫu thuật càng phức tạp gấp bội. Nguy cơ xuất huyết ồ ạt trong quá trình thực hiện phẫu thuật.

Ngày 2/10, ca phẫu thuật diễn ra. Các bác sĩ phải chạy đua với thời gian. Trường hợp của bé Châu là ca ghép gan cho bệnh nhi ít tuổi nhất và nhẹ cân nhất Việt Nam với thời gian thực hiện ghép kỷ lục chỉ 8 tiếng đồng hồ.

Bệnh nhân đầu tiên ghép phổi thành công được xuất viện, sức khoẻ hoàn toàn bình thường

Tháng 10/2019, Bệnh viện Việt Đức tiễn anh N.V.K (Hà Nội) ra viện. Anh K là bệnh nhân ghép phổi thứ 2 được thực hiện bởi các bác sĩ 'made in Việt Đức', nhưng là người đầu tiên được ra viện. Không chỉ thế, anh còn khoẻ mạnh, tái khám đều và thực hiện những công việc như người bình thường.

Một năm hồi sinh hàng trăm cuộc đời từ món quà kỳ diệu của cuộc đời

Anh K là nam bệnh nhân ghép phổi đầu tiên được thực hiện hoàn toàn bởi bác sĩ 'made in Việt Đức' được trở về cuộc sống bình thường.

Trước đó, anh K mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối. 10 năm nay, tình trạng bệnh diễn biến nặng, người bệnh liên tục nằm viện với máy thở và ô-xy hỗ trợ. Cơ hội sống sót duy nhất chỉ đến với anh nếu được ghép phổi.

Ca mổ gia đình anh chờ đợi từ rất lâu diễn ra vào tháng 8/2019 với nguồn tạng là của một thanh niên chết não. Được nhân viên chăm sóc hoàn toàn sau mổ, sức khoẻ anh K tiến triển tốt, được ra viện.

Ngày tái khám vào tháng 12/2019, anh K cho biết có thể sinh hoạt bình thường. Anh còn tự tắm giặt, đi cắt tóc, bật máy bơm lên rửa sân, tưới rau và chăm sóc cây cối. Thậm chí anh K tự đi xe ga đèo cậu con trai học lớp 9 nặng tới 50kg.

'Đến hàng xóm cũng bất ngờ vì mọi người nghĩ tôi chỉ có thể đặt đâu nằm đấy, mỗi khi gặp người nhà tôi, họ vẫn hỏi thăm tôi có thể ăn được hay ngồi dậy được chưa' – anh K kể.

Kết quả tái khám nội soi đánh giá phổi ghép kết quả tốt, anh K có thể đi lại bình thường. Hiện tại, anh tiếp tục duy trì uống thuốc theo đơn và khám định kỳ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!