Tăng huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành mạch. Huyết áp được đo bằng hai chỉ số, và ở người bình thường là 120/80mmHg, trong đó huyết áp tâm thu (khi tim co bóp) là 120mmHg, huyết áp tâm trương (khi tim nghỉ giữa hai lần co bóp) là 80mmHg. Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg.
Huyết áp mục tiêu là gì?
Tăng huyết áp là bệnh mãn tính, việc điều trị cần tuân thủ đúng và lâu dài, với mục tiêu là đạt 'huyết áp mục tiêu' và giảm tối đa các 'nguy cơ tim mạch'.
Huyết áp mục tiêu là huyết áp dưới 140/90 mmHg và thấp hơn nữa nếu người bệnh vẫn dung nạp được. Đây là mức huyết áp an toàn cho người bệnh, giúp làm giảm các nguy cơ tim mạch và đột quỵ.
Ảnh minh họa
Tại sao phải đạt huyết áp mục tiêu?
Điều trị để đạt mức huyết áp mục tiêu giúp có thể tránh được các biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp như:
- Giảm 40% khả năng bị đứt các mạch máu não.
- Giảm 50% khả năng bị suy tim mãn tính.
- Giảm 30% khả năng bị tai biến mạch máu não tái phát…
Hiện nay cứ 3 người điều trị tăng huyết áp thì có 1 người không đạt huyết áp mục tiêu. Điều đó cũng lý giải tại sao tỷ lệ bệnh nhân bị tai biến tim mạch và đột quỵ vẫn nhiều dù họ đã được điều trị tăng huyết áp.
Người bệnh tăng huyết áp cần phải tuân thủ điều trị, kết hợp các biện pháp không dùng thuốc như thay đổi chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, tránh căng thẳng để kiểm soát tốt huyết áp của mình. Ngoài việc dùng thuốc hạ huyết áp, thì cần phải giữ cho huyết áp ổn định. Cần làm giảm tần suất và mức độ tăng huyết áp, giữ cho huyết áp tại mọi thời điểm luôn đạt huyết áp mục tiêu.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!