Những vấn đề cần nghiên cứu khi chuyển chính sách sang Dân số và Phát triển

Thời sự - 11/24/2024

Nghị quyết 21-NQ/TW về 'Công tác dân số trong tình hình mới' (Nghị quyết 21) của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII xác định 'Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển'. Đây là bước chuyển có tính cách mạng, đánh dấu giai đoạn mới của chính sách dân số ở Việt Nam.

Ngày 28/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 314/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch 'Nâng cao năng lực nghiên cứu về Dân số và Phát triển đến năm 2030'. Theo đó, để thực hiện thành công Nghị quyết 21, cần đẩy mạnh nghiên cứu những vấn đề trọng tâm của quan hệ Dân số và Phát triển ở nước ta hiện nay và tương lai, trước hết đến năm 2030.

Nghị quyết 21 đã cụ thể hóa và 'khu trú' nội dung trọng tâm Dân số và Phát triển thành các nhóm mục tiêu: 'Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số'. Vì vậy, hướng nghiên cứu dân số và phát triển có thể xoay quanh những mục tiêu mà Nghị quyết 21 đề ra như sau:

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế

Tổng tỷ suất sinh (Total Fertility Rate, viết tắt TFR) hay 'số con trung bình của phụ nữ tính đến hết tuổi sinh đẻ' là thước đo mức sinh thường được sử dụng nhất. Chính sách dân số Việt Nam trước đây là giảm sinh với mục tiêu đạt 'mức sinh thay thế' (TFR = 2,1). Việt Nam đã đạt mục tiêu này vào năm 2005 và duy trì được suốt 15 năm qua (2005-2019). Tuy nhiên, mức sinh có sự khác biệt lớn giữa các vùng, các tỉnh. Năm 2019, Đông Nam Bộ, TFR = 1,56 con/phụ nữ nhưng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, chưa đạt mức sinh thay thế, TFR vẫn còn ở mức 2,43 (Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019).

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, kinh tế thị trường nhưng 2/3 dân số vẫn sống ở nông thôn, một loạt câu hỏi đặt ra cần được giải đáp: 1) Làm thế nào để 'duy trì vững chắc mức sinh thay thế'? 2) Vì sao Nam Bộ mức sinh đã giảm sâu? Mức sinh thấp tác động thế nào đến cả nước nói chung và Nam Bộ nói riêng, cả ở tầm vĩ mô và vi mô? 3) Vì sao Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên mức sinh vẫn còn cao? Ở vùng này, việc chuyển trọng tâm sang Dân số và Phát triển cần phải có những khác biệt gì với các vùng đã có mức sinh thấp?...

Những vấn đề cần nghiên cứu khi chuyển chính sách sang Dân số và Phát triển

Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên là một trong những mục tiêu mà Nghị quyết 21 đề ra. Ảnh minh họa

Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

Dân số được chia thành nam và nữ. Sở dĩ như vậy, vì nam và nữ khác nhau ở nhiều góc độ tự nhiên, tâm lý, kinh tế, xã hội. Cần chú ý những khác biệt này nhằm phân công lao động hợp lý trong gia đình và ngoài xã hội, phấn đấu đạt tới sự bình đẳng nam, nữ thực sự.

Người ta không chỉ chú ý đến tính cân bằng giữa số nam và số nữ của toàn bộ dân số mà còn quan tâm đến tính cân bằng giới tính của trẻ sơ sinh, thông qua 'tỷ số giới tính khi sinh'. Tỷ số này, theo quy luật tự nhiên, thường vào khoảng từ 103 đến 107, nghĩa là cứ sinh được 100 cháu gái, tương ứng lại sinh được từ 103 đến 107 cháu trai. Ở nước ta, khi mức sinh giảm thấp thì tỷ số này lại có xu hướng tăng lên: Năm 2005 là 106 nhưng năm 2019 đã lên tới 111,5. Nghị quyết số 21 đánh giá 'Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng'. Đây là dạng mất cân bằng vật chất - nền tảng của sự tồn tại và phát triển bền vững của xã hội, tất yếu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Vì vậy, cần điều tra nghiên cứu để kết luận chính xác về tình trạng, phát hiện đúng và đầy đủ nguyên nhân, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt là đề xuất được những giải pháp phù hợp và hiệu quả giải quyết vấn đề này.

Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng

Do mức sinh giảm, tuổi thọ tăng nhanh nên 40 năm qua (1979-2019), cơ cấu dân số theo tuổi của nước ta biến đổi mạnh. Nếu năm 1979, tỷ lệ trẻ em dưới 14 tuổi trở xuống chiếm tới 43% thì năm 2019 giảm, chỉ còn 24,3%. Ngược lại, tỷ lệ những người có khả năng lao động (từ 15 đến 64 tuổi) đã tăng từ 52% lên 68% và nhóm 65 tuổi trở lên tăng từ 4,68% lên 7,7%.

Khi những người độ tuổi 15 đến 64 chiếm 2/3 tổng dân số, trở lên, người ta nói rằng, đây là 'cơ cấu dân số vàng'. Việt Nam đã và đang trong thời kỳ 'cơ cấu dân số vàng'. Thời kỳ này có đặc điểm gì? Kinh nghiệm thế giới tận dụng cơ hội 'cơ cấu dân số vàng'? Làm thế nào tận dụng được cơ hội 'có một không hai' này để thúc đẩy phát triển kinh tế, tránh được 'bẫy thu nhập trung bình', nâng cao mức sống nhân dân là câu hỏi xuyên suốt thời kỳ dân số vàng của Việt Nam.

Thích ứng với già hóa dân số

Một trong những hiện tượng xã hội đặc sắc nhất trên thế giới trong thế kỷ XXI là dân số cao tuổi 'bùng nổ' cả về số lượng và tỷ lệ trong tổng dân số. Nếu năm 1950, tỷ lệ người 65 tuổi trở lên trên thế giới là 5,1% thì đến năm 2000 mới chỉ tăng lên 6,9% (tăng thêm 1,8%) nhưng năm 2050 sẽ đạt tới 15,9%, tức là tăng thêm 9%. Dân số vừa là lực lượng sản xuất, vừa là lực lượng tiêu dùng nên già hóa dân số đã, đang và sẽ làm thay đổi tình trạng kinh tế - xã hội thế giới.

Việt Nam bước vào quá trình già hóa từ năm 2011, khi số người 65 tuổi trở lên đạt 7% và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất. Già hóa đặt ra một loạt câu hỏi như: Đặc điểm những người cao tuổi (cơ cấu giới tính; tình trạng hôn nhân; sống riêng hay sống chung với con cháu; sức khỏe; việc làm, thu nhập...); Liệu sự khác biệt thế hệ có dẫn đến mâu thuẫn, xung đột? Già hóa tác động đến sự phát triển như thế nào? Làm thế nào để già hóa tích cực? Các giải pháp thích ứng với già hóa dân số, đảm bảo phát triển bền vững là gì? Thế nào là môi trường xã hội thân thiện với người cao tuổi và làm thế nào để xây dựng được môi trường như vậy?... Cần nghiên cứu để trả lời thấu đáo những câu hỏi nói trên, tạo nền móng vững chắc cho các chính sách kinh tế - xã hội liên quan đến người cao tuổi và công tác giáo dục, truyền thông về lĩnh vực này.

Phân bố dân số hợp lý

Năm 2019, nước ta có 96.206.000 người, là nước đông dân thứ 15 trên thế giới, mật độ dân số nước ta lên tới 290 người/km2 (6) (Thế giới khoảng 60 người/km2) (7). Nếu so sánh đồng thời cả quy mô và mật độ dân số thì Việt Nam chỉ đứng sau các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines và Bangladesh.

Như vậy, Việt Nam là nước có quy mô dân số lớn và mật độ dân số rất cao. Hơn nữa, tỷ lệ dân đô thị của nước ta còn rất thấp (34,5%) và phân bố dân số rất không đồng đều. Đồng bằng sông Hồng chiếm 6% diện tích đất đai lại là nơi cư trú của 23,4% dân số cả nước (hơn 22,5 triệu người). Trong khi đó, Trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên chiếm hơn 45% diện tích đất nước nhưng số dân chỉ chiếm 19,1 % dân số cả nước. Chênh lệch mật độ càng cao khi xét ở cấp tỉnh/thành phố và cấp huyện/quận. Hiện có 8 tỉnh mật độ lên tới trên 1.000 người/km2, riêng TP Hồ Chí Minh trên 4.000 người/km2 nhưng cũng có 9 tỉnh mật độ dưới 100 người/km2. Nhiều quận của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mật độ lên đến trên 40.000 người/km2. Đặc biệt, số liệu lịch sử cho thấy chênh lệch mật độ giữa các vùng, các tỉnh/thành phố và quận/huyện ngày càng lớn.

Vì sao dân số ngày càng tích tụ vào một số vùng và thành phố? Vì sao phân bố dân số ngày càng không đồng đều? Tác động của những xu hướng này đến phát triển cần được nghiên cứu soi sáng để có thể đề xuất giải pháp nhằm điều chỉnh phân bố dân cư ngày càng hợp lý hơn.

Nâng cao chất lượng dân số

Pháp lệnh Dân số nêu rõ: 'Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số'. Ở Việt Nam, để đo chất lượng dân số, trong các văn bản chính sách thường dùng 'Chỉ số phát triển con người' (Human Development Index - HDI).

HDI của nước ta không ngừng tăng lên, từ 0,475 năm 1990 đã đạt 0,693 vào năm 2018, nhưng vẫn chỉ xếp hạng 118 trong tổng số 189 nước so sánh và chưa bao giờ lọt vào 'tốp' 100 nước có HDI cao nhất.

Nghị quyết 21 đề ra mục tiêu đến năm 2030 'Chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á' và nhiều chỉ tiêu khác liên quan đến chất lượng dân số như: 'Tỉ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn; giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất'. Thực hiện được những chỉ tiêu nói trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số đầu đời nhưng cũng đòi hòi sự thay đổi mang tính cách mạng trong lĩnh vực hôn nhân và sinh sản ở Việt Nam.

Cơ hội và rào cản thực hiện cuộc cách mạng này là gì? Cần có sự nghiên cứu thấu đáo về mặt kinh tế, xã hội, pháp luật, kỹ thuật nhằm tìm ra giải pháp tận dụng cơ hội, vượt qua rào cản, đảm bảo thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giống nòi.

Rõ ràng, việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển và để đạt được các mục tiêu như Nghị quyết 21 đề ra cần trả lời rất nhiều câu hỏi như đã trình bày ở trên. Đó cũng là những câu hỏi nghiên cứu dành cho hướng nghiên cứu Dân số và Phát triển ở Việt Nam hiện nay.

GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!