Mụn bọc có thể là dấu hiệu bệnh liên cầu

Kỹ năng sống - 05/05/2024

Nếu bị nổi mụn bọc ở vùng mông, kèm theo viêm họng, đó có thể là bệnh do liên cầu.

Mọi người nên để ý, quan tâm tới tình hình và các dấu hiệu bất thường trên cơ thể. Bình thường trên da có nhiều tạp khuẩn, phần lớn là tụ cầu và liên cầu, nhiều nhất là ở những vùng nhiều lông và ra nhiều mồ hôi, các nếp kẽ, lỗ chân lông. Nơi tập trung mồ hôi, chất bã nhờn, bụi bẩn cũng là cửa ngõ để vi khuẩn xâm nhập vào da.

Trong những điều kiện thuận lợi như cơ thể suy yếu, vệ sinh kém, ngứa gãi, xây xát da.… tạp khuẩn trên da tăng sinh, tăng độc tố gây nên bệnh ngoài da gọi chung là viêm da mủ, hay mụn nhọt.

Người ta thường phân thành mụn nhọt do tụ cầu và mụn nhọt do liên cầu, nhưng ít khi 2 loại vi khuẩn này hoạt động riêng rẽ mà phần nhiều cùng phối hợp gây bệnh.

Mụn bọc có thể là dấu hiệu bệnh liên cầu

Ảnh minh họa

1. Mụn mủ do tụ cầu

Tụ cầu thường gây tổn thương viêm nang lông, biểu hiện bằng những mụn mủ ăn khớp với lỗ chân lông, rải rác hoặc thành cụm ở bất cứ vùng da nào trừ lòng bàn tay, bàn chân.

Loại mụn mủ do tụ cầu hay gặp nhất ở vùng mông là đinh nhọt, đây là tình trạng viêm toàn bộ nang lông, do độc tố của tụ cầu cao nên viêm lan ra cả tổ chức xung quanh, làm hoại tử cả một vùng biểu hiện thành 'ngòi' gồm tế bào, xác bạch cầu.

- Tiến triển

Ban đầu nổi thành u đỏ, đau, quanh chân lông, nắn cứng cộm (Giai đoạn 1); Dần dần u mềm có triệu chứng làm mủ, tạo ngòi (Giai đoạn 2); Khoảng ngày thứ 8-10 nhọt mềm nhũn, vỡ mủ, nặn ra một ngòi đặc, sau đó lành sẹo (Giai đoạn 3). Nếu đinh nhọt to có thể kèm theo sốt, nổi hạch đau ở vùng tương xứng.

2. Mụn mủ do liên cầu

Chốc lở, chốc loét, chốc mép, hăm kẽ và viêm quầng là những dạng nhiễm trùng da hay gặp do liên cầu. Bệnh hay gặp ở vùng đầu mặt cổ (với chốc lở, chốc loét, chốc mép), hoặc các nếp cổ, kẽ bẹn, kẽ mông, sau tai (với hăm kẽ).

- Điều trị

Đối với mụn nhọt dù do tụ cầu hay liên cầu, điều quan trọng là không nên nặn chích sớm. Khi nốt mụn mới nổi sưng đỏ, cứng: chấm cồn Iốt 3-5% hoặc bôi ichthyol tinh chất, hoặc các thuốc sát trùng khác. Khi nhọt đã vỡ mủ nặn hết ngòi ra, chấm thuốc sát trùng tại chỗ hoặc bôi mỡ kháng sinh, toàn thân cần uống hoặc tiêm một đợt kháng sinh. 

Điều trị mụn nhọt không chỉ là điều trị tại chỗ bị mụn, mà còn phải chú ý giữ gìn vệ sinh, nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ ăn uống nhiều trái cây và rau xanh, uống thêm các loại vi tamin B, C để tăng cường thể lực.

Với trường hợp em hay bị viêm họng thì không thể loại trừ nguyên nhân do liên cầu tan huyết nhóm A. Liên cầu này tuy ít gây mụn nhọt ngoài da nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm khớp, bệnh van tim, viêm cầu thận.

Bệnh nhân được khuyến cáo nên đi khám sớm ở chuyên khoa tai mũi họng và da liễu để xác định đúng nguyên nhân, có hướng điều trị kịp thời.

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!