Theo thống kê, mỗi tháng có khoảng 6.000 bệnh nhân tới Bệnh viện Da liễu Trung ương khám và điều trị mụn trứng cá. Phần lớn bệnh nhân là các bạn trẻ ở độ tuổi 15-20, bị các biến chứng sau khi nghe các thông tin quảng cáo trên mạng rồi tự chữa mụn trứng cá.
Đáng nói là trong số này, rất nhiều bệnh nhân cho biết đã sử dụng thuốc có chứa corticoid để bôi vào vùng da có mụn trứng cá. Thời gian đầu sau bôi thuốc, da mịn màng, giảm hẳn mụn nhưng sau một vài tháng, trứng cá trên mặt lại bùng lên dữ dội, gây nhiễm khuẩn, ngứa ngáy.
Trứng cá xảy ra hầu hết trong lứa tuổi thanh thiếu niên hay trưởng thành và thường tiếp tục đến tuổi trung niên. Trong tuổi thiếu niên, mụn trứng cá thường gây ra bởi tăng hormon giới tính nam và loại này đều tích lũy rất nhiều trong tuổi dậy thì. Đối với hầu hết mọi người, mụn trứng cá giảm theo thời gian và có xu hướng biến mất hoặc ít nhất là giảm đến sau tuổi 20.
Có sự liên hệ khá rõ ràng giữa bệnh lý mụn trứng cá và xu hướng trầm cảm, đặc biệt là ở người trẻ. Tuy nhiên, không có gì để tiên đoán bao lâu thì mụn biến mất toàn bộ và một số cá nhân sẽ mang tình trạng này đến 30 tuổi, 40 tuổi hoặc sau đó nữa.
Nói đúng hơn, trên lâm sàng cho thấy mụn trứng cá là một bệnh rất thường gặp, có thể nói là phổ biến, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ. Trong độ tuổi từ khi dậy thì đến dưới 50 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh có thể gặp từ 80-90% trong tổng dân số. Cả hai giới nam và nữ có tỷ lệ mắc bệnh như nhau.
Mụn trứng cá là một trong những bệnh lý về da phổ biến nhất.
Nhiều biến chứng nặng nề do tự ý điều trị mụn trứng cá
Mới đây nhất, bệnh nhân N.K.C. (17 tuổi, ở TP. Hà Nội) vào viện trong tình trạng khuôn mặt nổi ban đỏ, sưng cứng. Trước đó, khi xuất hiện mụn, bệnh nhân đi khám nhiều nơi, được chẩn đoán viêm da tiếp xúc. Đáng lưu ý, trong thành phần thuốc bệnh nhân đã sử dụng có corticoid làm tình trạng mụn không thuyên giảm mà ngày càng tăng nặng.
Tình trạng mụn trở nên dai dẳng làm bệnh nhân stress chỉ muốn chết nếu khuôn mặt không thể trở về bình thường. Một bệnh nhân khác tên là V.T.H (15 tuổi, ở Nam Định) đã được mẹ đưa đến Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng khuôn mặt chi chít mụn trứng cá, đặc biệt vùng trán dày đặc những mụn trứng cá bọc mủ gây ngứa ngáy.
Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán da mặt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn với chi chít mụn mủ và được chẩn đoán bị biến chứng sau dùng thuốc có chứa corticoid.
Nguyên nhân
Mụn trứng cá thông thường (mụn sần, mụn mủ, mụn đầu đen, mụn đầu trắng) là 1 trong những bệnh lý về da phổ biến nhất. Bệnh thường gặp ở độ tuổi dậy thì, xuất hiện cùng với sự thay đổi hormon trong cơ thể và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Khoảng 80 - 90% thanh niên bị ảnh hưởng bởi mụn trứng cá ở các mức độ khác nhau và có đến 20 - 30% trong số đó cần được hỗ trợ bởi các liệu pháp y học. Số lượng người trưởng thành bị mụn trứng cá cũng ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở phụ nữ.
Phải nói rằng mụn trứng cá do nhiều nguyên nhân lẫn một số yếu tố hợp thành. Mụn trứng cá phát triển như một hậu quả tắc nghẽn các nang nhầy. Các mụn/nhân trứng cá có thể lớn và biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau như nhân trứng cá mở (đầu đen) hoặc nhân đóng (milia). Các nhân trứng cá là hậu quả trực tiếp của tuyến bã nhầy đông vón lại, xảy ra kết với dầu và các tế bào chết của da.
Trong trường hợp nhiễm thêm vi khuẩn Propionibacterium acnes có thể dẫn đến phản ứng viêm, tổn thương do viêm (nốt sần, mụn mủ hoặc nốt mụn nhiễm trùng) trong phần bì quanh vùng nhân mụn li ti dẫn đến viêm đỏ, tạo sẹo và tăng sừng hóa bề mặt.
Hiện tượng này xảy ra khi bã nhờn được sản xuất quá nhiều. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự sản xuất bã nhờn như hormon, khí hậu, việc dùng thuốc và các yếu tố di truyền. Một số bệnh khác liên quan đến sự xáo trộn quá trình tiết bã nhờn: viêm da tiết bã, viêm nang lông... dẫn đến xuất hiện mụn trứng cá.
Sự tăng sừng là hiện tượng lớp sừng (lớp ngoài cùng của da) dày lên khiến các ống dẫn của tuyến bã nhờn bị bịt kín, làm nhiễu loạn hoặc gián đoạn quá trình tiết bã nhờn. Việc da sản xuất quá nhiều bã nhờn kết hợp với việc tích tụ các lớp tế bào chết (sự tăng sừng) xảy ra ở nang lông dẫn đến sự bít tắc lỗ chân lông. Hiện tượng này khiến các vách nang phình lên dẫn đến sự hình thành mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen nếu phần bít tắc ở gần bề mặt da.
Một số vi khuẩn sống trên da một cách vô hại (P. Acnes) phát triển mạnh mẽ và thâm nhập các nang bị bịt kín dẫn đến sự hình thành các nốt sần, mụn mủ, mụn bọc hoặc mụn nang.
Một số yếu tố khác liên quan đến sự xuất hiện mụn hoặc làm bệnh nặng thêm: Lạm dụng mỹ phẩm và thuốc bôi, đặc biệt các sản phẩm có chứa corticoid.
Lạm dụng các thuốc đường dùng toàn thân đặc biệt là corticoid.
Ăn uống: chế độ ăn quá nhiều đường, bột (carbon hydrat), sữa bò và các sản phẩm từ sữa, hút thuốc lá... khiến tình trạng mụn nhiều hơn.
Chăm sóc da khi bị trứng cá
Không sờ tay lên mặt, không cạy nặn. Rửa mặt nhẹ nhàng ngày 2-3 lần, không chà mạnh, không làm bật mụn. Rửa bằng nước máy sạch hoặc nước muối pha loãng. Nếu da rất nhờn thì có thể dùng sữa rửa mặt chống nhờn nhưng chỉ dùng sữa rửa mặt phù hợp vì có một số loại sữa dù chống nhờn nhưng vẫn sinh mụn.
Không nên dùng mỹ phẩm, không đắp mặt nạ, mát-xa, xông hơi... khi đang bị mụn. Không tự ý bôi các chế phẩm sau: tragalar, corte-bios, flucinar, gentrison, halog, diprosalic, kem tự pha chế (có trangalar, aspirin, vitamin B1, kem sâm...), một số kem Đông y, một số loại kem không rõ nguồn gốc... lên mặt vì chúng sẽ làm tăng mụn và có thể teo da, giãn mạch, da trở nên sần sùi như vỏ cam sành...
Hạn chế ớt, hạt tiêu, cà phê, trà đặc..., ăn nhiều hoa quả, rau xanh... Uống nhiều nước: 1,5 - 2 lít/ngày.Điều chỉnh chế độ làm việc, không thức khuya quá, không làm việc trí óc căng thẳng kéo dài.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!