Muối trong chế độ ăn của bé

Dinh dưỡng cho Trẻ - 11/24/2024

Cho trẻ ăn muối bao nhiêu là đủ? Các mẹ hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về lượng muối tối đa bé cần ở từng độ tuổi và cách để tránh cho bé ăn quá mặn nhé.

Hẳn bạn thường nghe rằng ăn quá nhiều muối có liên quan đến cao huyết áp ở phần lớn người trưởng thành. Tuy vậy hiện nay đã có bằng chứng cho thấy trẻ em ăn quá nhiều muối cũng sẽ tăng nguy cơ mắc phải một số bệnh như: cao huyết áp, loãng xương, các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, ung thư dạ dày và béo phì.

Hơn nữa, các nghiên cứu còn cho thấy thói quen ăn uống trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên của trẻ em sẽ ảnh hưởng đến cách ăn uống của bé sau này. Nếu con bạn đã quen ăn mặn từ thuở nhỏ, sẽ rất khó khăn để bé tập ăn nhạt hơn khi lớn lên.

Con bạn cần bao nhiêu muối?

Trẻ sơ sinh và trẻ em chỉ cần một lượng muối rất nhỏ trong chế độ ăn uống. Tuy nhiên, vì muối cũng có trong rất nhiều các thực phẩm bạn mua, chẳng hạn như bánh mì, đậu nướng và thậm chí là bánh quy, lượng muối mà bé ăn vào rất dễ vượt mức cho phép.

Lượng muối tối đa được đề nghị đối với trẻ sơ sinh và trẻ em: Trước khi đủ sáu tháng tuổi, trẻ sẽ hấp thụ toàn bộ lượng muối cần thiết từ sữa mẹ hoặc sữa bột dành cho trẻ sơ sinh.

Trước khi đủ 12 tháng tuổi: ít hơn 1 g muối một ngày (ít hơn 0.4 g natri)

1–3 tuổi: 2 g muối mỗi ngày (0.8 g natri)

4-6 tuổi: 3 g muối mỗi ngày (1.2 g natri)

7–10 tuổi: 5 g muối mỗi ngày (2 g natri)

Từ 11 tuổi trở lên: 6 g muối mỗi ngày (2.4 g natri)

Làm thế nào để tránh việc cho bé ăn quá nhiều muối?

Những trẻ bú sữa mẹ sẽ có được lượng muối cần thiết thông qua sữa mẹ. Sữa bột dành cho trẻ sơ sinh cũng chứa một lượng muối tương tự như trong sữa mẹ.

Khi bạn bắt đầu cho bé ăn dặm, đừng cho thêm muối vào thức ăn của con vì thận của bé lúc này vẫn chưa thể hấp thụ muối. Bạn cũng nên tránh cho bé ăn các loại thực phẩm có sẵn không được làm riêng cho trẻ sơ sinh, chẳng hạn như ngũ cốc ăn sáng, bởi vì chúng có thể có nồng độ muối cao.

Rất nhiều loại thực phẩm dành cho trẻ em cũng chứa khá nhiều muối, vì vậy bạn phải kiểm tra các thông tin thành phần dinh dưỡng trước khi mua. Hàm lượng muối thường được đưa ra dưới dạng lượng natri. Thực phẩm chứa nhiều hơn 0,6 g natri mỗi 100g được coi là có nồng độ muối cao. Bạn có thể tính lượng muối trong thực phẩm bằng cách nhân lượng natri với 2,5. Ví dụ, 1 g natri trong mỗi 100 g thức ăn tương đương với 2,5 g muối mỗi 100 g thức ăn.

Bạn có thể giảm lượng muối con bạn ăn bằng cách tránh cho bé ăn đồ ăn vặt mặn như khoai tây chiên giòn, bánh quy và thay thế chúng bằng những món ăn nhẹ ít muối. Hãy thử những thực phẩm lành mạnh như trái cây sấy khô, rau củ sống thái thành dạng que và trái cây cắt nhỏ để đa dạng hóa các món ăn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!