Theo tờ The New York Times, nhiều bệnh nhân không còn cách nào khác là phải phụ thuộc vào các trung tâm chạy thận dù biết rõ chúng không đảm bảo chất lượng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe của bản thân.
Cái chết đến bất ngờ
Năm 2015, một bệnh nhân ở Canada đã qua đời trong bệnh viện khi máy lọc dùng trong quá trình chạy thận của ông bị nhiễm hóa chất độc hại. Bốn bệnh nhân khác cũng rơi vào trường hợp tương tự và phải nhập viện theo dõi suốt một thời gian dài. Năm 2016, hai phụ nữ đã tử vong khi chạy thận tại trung tâm lọc máu ở TP Chicago (Mỹ) do các trung tâm này đã không gọi xe cấp cứu kịp thời khi bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch. “Chúng tôi như đang sống trong cơn ác mộng” - hai con gái của bà Patricia Terry, một trong hai bệnh nhân tử vong, nghẹn ngào nói.
Nhiều trường hợp bệnh nhân chạy thận tử vong cũng xảy ra vì chính lỗi của các nhân viên y tế. Tờ The New York Times dẫn trường hợp của bà Sue Ellen Coffin, bệnh nhân chạy thận tại Trung tâm chạy thận Albuquerque ở bang New Mexico. Bà Coffin tử vong do y tá đã bật nút làm sạch máy chạy thận trong khi quên rằng chiếc máy này vẫn đang nối vào người bệnh nhân. Ngay sau đó dung dịch tẩy rửa, chứ không phải máu được làm sạch, đã bị truyền vào cơ thể bệnh nhân. Sơ suất này khiến bà Coffin tử vong và nhiều người khác sử dụng cùng hệ thống ống dẫn lâm vào cảnh nguy kịch.
Năm 2012, nữ y tá Kimberly Clark Saenz (38 tuổi) của bang Texas đã bị tòa án buộc tội giết người hàng loạt vì khiến năm bệnh nhân chạy thận tử vong và năm người khác nguy kịch. Nữ y tá này đã tiêm thuốc tẩy vào ống chạy thận của các bệnh nhân. Hai bệnh nhân tại phòng khám khi làm chứng trước tòa nói rằng họ đã nhìn thấy cô Saenz sử dụng ống tiêm để bơm thuốc tẩy từ một cái xô sạch và sau đó tiêm loại chất này vào bệnh nhân.
May mắn hơn các bệnh nhân trên là bà Barbara Scott, 73 tuổi. Bà Scott phải chạy thận ba lần một tuần tại phòng khám ở TP Poughkeepsie, bang New York nhưng đã một lần suýt tử vong. Trong lần điều trị vào cuối tháng 12-2005, ống dẫn máu vào cơ thể của bà đột ngột bị đứt ra. Cuộc điều tra sau đó xác định nguyên nhân là do một nhân viên đã không đặt ống đúng vị trí và cơ sở khám bệnh này cũng đã không tuân theo các quy tắc an toàn khi tiến hành chạy thận cho bệnh nhân. Tuy đã được cứu chữa kịp thời nhưng bà Scott vẫn phải chịu những ảnh hưởng lớn về sức khỏe. Bà bị sụt gần 45 kg, khuôn mặt hốc hác và làn da xanh xao. Bà trở về nhà trong tình trạng yếu ớt và qua đời sau đó vì bị suy tim. Con gái bà sau đó đã thuê luật sư để kiện trung tâm.
“Chạy thận giống như một dự án kinh doanh đầy rủi ro. Bạn đang đưa rất nhiều chất lạ vào cơ thể từ máy thẩm tách, ống dẫn và thậm chí là máy móc” - TS Todd Ing, giáo sư y khoa tại ĐH y khoa Loyola của Mỹ, nói. Theo ông, những bệnh nhân cần chạy thận là những người thường đã bị mắc nhiều bệnh khác nên chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình này cũng có thể gây biến chứng lớn. “Họ giống như những chiếc xe cũ, rất mong manh. Nếu có gì sai sót, nguy hiểm sẽ đến ngay” - ông Ing ví von.
Một bệnh nhân đang chạy thận tại Trung tâm DaVita ở Inglewood, California. Ảnh: GETTY IMAGES
Những người biểu tình ở bang California ủng hộ dự luật của thượng nghị sĩ Ricardo Lara. Ảnh: SEIU-UHW
Trung tâm y tế không an toàn
Theo thống kê của tổ chức ProPublica của Mỹ, có gần 400.000 người Mỹ phải chạy thận. Tuy nhiên, mặc dù phải đóng một số tiền thuế rất lớn, những người Mỹ vẫn đang phải đối mặt với vấn đề không đảm bảo an toàn trong các trung tâm chạy thận. Theo Hiệp hội Tim mạch Quốc gia Mỹ, tỉ lệ tử vong hằng năm đối với các bệnh nhân chạy thận ở nước này ở mức trên 23%, hơn gấp đôi so với khu vực Tây Âu hoặc Nhật Bản với tỉ lệ gần 10%.
Một cuộc điều tra của tổ chức ProPublica (Mỹ) được tiến hành trong giai đoạn 2002-2009 tại hơn 1.500 phòng khám ở sáu bang cho thấy các bệnh nhân đa số thường được điều trị trong những trung tâm y tế không an toàn hoặc không đảm bảo vệ sinh. Trong đó, các trung tâm y tế này hầu hết được báo cáo không đủ tiêu chuẩn trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, có thể gây nguy kịch hoặc khiến bệnh nhân tử vong. Các trung tâm này cũng không được thanh tra trong vòng năm năm hoặc lâu hơn.
Trong khi đó, cuộc điều tra của tờ The New York Times cũng đã phát hiện một mạng lưới chuyên cắt giảm chi phí mua thiết bị để tăng lợi nhuận cho trung tâm y tế. The New York Times đặc biệt công khai tên công ty National Medical, có trụ sở ở bang Maryland và có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực chạy thận. Công ty này nhiều năm qua đã bị các chuyên gia y tế và bệnh nhân lên án vì hàng loạt động thái gây ảnh hưởng đến bệnh nhân như sử dụng nhân viên y tế chưa đủ bằng cấp, sản xuất và sử dụng các thiết bị y tế không đạt chuẩn…
Nhiều trung tâm y tế ở Mỹ cũng thường xuyên tái sử dụng các dụng cụ y tế vốn được gắn mác “chỉ sử dụng một lần” để… tiết kiệm chi phí. Trong nhiều năm National Medical đã sử dụng lại máy lọc máu, ống truyền máu và các thiết bị khác cho nhiều bệnh nhân, bất kể việc bệnh nhân sử dụng trước đó đã bị nhiễm bệnh hoặc tử vong. Việc này khiến tỉ lệ bệnh nhân tử vong trong quá trình chạy thận tăng lên, theo kết quả nghiên cứu từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ. Các chuyên gia cũng cho biết với việc chất lượng của đội ngũ y tế trong các phòng khám ngày càng đi xuống thì nguy cơ tái sử dụng thiết bị chạy thận lại càng tăng lên.
“Các trung tâm này có thái độ như thể nếu bạn không thích những gì họ làm thì cứ đi đi. Nhưng các bệnh nhân thật sự không có lựa chọn nào khác ngoài ở lại” - một quan chức của Hiệp hội Bệnh nhân thận Quốc gia nói.
Giảm tải, giảm sơ suất chết người
Thượng nghị sĩ Ricardo Lara của đảng Dân chủ hồi tháng 2 năm nay đã đề xuất một dự luật liên quan đến việc chạy thận cho bệnh nhân tại các trung tâm y tế ở tiểu bang California của Mỹ. Dự luật này bao gồm các nội dung như điều phối tỉ lệ nhân viên cho mỗi trung tâm, yêu cầu các trung tâm phải bị thanh tra hằng năm cũng như phải thiết lập một “thời gian chuyển tiếp” dài 45 phút giữa các bệnh nhân.
Dự luật mang tên SB 349, khẳng định việc thiếu nhân viên chính là nguyên nhân dẫn đến xảy ra các lỗi y khoa và những “ca tử vong vốn có thể tránh được” trong thời gian qua ở bang California. Nhiều nhân viên cũng nói rằng họ bị quá tải số bệnh nhân và không có đủ thời gian để chuẩn bị thiết bị trước khi tiếp một bệnh nhân mới. Ở bang California có hơn 63.000 người đang phải chạy thận hằng tuần, chiếm 14% tổng số bệnh nhân chạy thận trên toàn nước Mỹ.
“Bệnh nhân chạy thận là một nhóm dễ bị tổn thương và đã trải qua những hoàn cảnh rất đặc biệt. Chúng tôi muốn đảm bảo sự an toàn của họ và xây dựng một hệ thống nhân viên có trình độ phù hợp để đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân California” - ông Lara nói.
Dự luật này sau khi được đề xuất đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các y tá, kỹ thuật viên, bệnh nhân và các đại diện công đoàn. Hôm 23-5, khoảng 400 người ủng hộ dự luật đã tổ chức tuần hành trước tòa nhà Quốc hội Mỹ. Những người ủng hộ cho rằng dự luật này là cần thiết để đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân chạy thận. Trong khi đó, phe phản đối bao gồm cả Hiệp hội Bệnh viện California lại cho rằng việc áp dụng mức nhân viên tối thiểu sẽ làm phát sinh nhiều chi phí và cũng không hề có bằng chứng nào cho thấy nhân viên bị quá tải bệnh nhân.
Dự luật sẽ được bỏ phiếu vào ngày 2-6 tới trước khi trình lên Quốc hội Mỹ. Nếu như được thông qua, California sẽ trở thành tiểu bang tiếp theo của Mỹ áp dụng tỉ lệ nhân viên tối thiểu đối với các trung tâm chạy thận cùng với các bang Utah, South Carolina và New Jersey.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!