Mỹ: Thử nghiệm thành công vắc-xin chống vi-rút Zika ở chuột

Sống khỏe mạnh - 05/11/2024

Các nhà khoa học Mỹ mới công bố đã thử nghiệm thành công vắc-xin ngăn chặn vi-rút Zika ở chuột trong phòng thí nghiệm.

Đây là kết quả ban đầu mở ra hi vọng mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này trong thời gian tới.

Ông Dan Barouch, Giám đốc Trung tâm Siêu vi khuẩn học và Nghiên cứu vắc-xin tại trường Đại học Y Harvard, đồng thời là trưởng nhóm công trình thử nghiệm vắc-xin ngăn chặn vi-rút Zika tại Trung tâm y tế Beth Israel Deaconess ở Boston, cho biết, kết quả thử nghiệm được cho là 'một bước tiến vượt bậc trong việc phát triển vắc-xin phòng chống Zika'. Ông cũng cho biết thêm, cuộc nghiên cứu cần nhiều thời gian hơn nữa vì 'cần thận trọng suy đoán tác dụng chữa bệnh từ chuột sang người'.

Viết trên tạp chí Nature, Barouch và các đồng nghiệp mô tả cách họ đã thử nghiệm hai loại vắc-xin Zika ở chuột. Vắc-xin đầu tiên được biết đến như một loại vắc-xin DNA, chất liệu gen lấy từ vi-rút Zika khi dịch bệnh bùng lên ở Brazil. Loại thứ hai phổ biến hơn, được làm từ các loại vi-rút Zika bất hoạt ở Puerto Rico. Cả hai loại vắc-xin đều có tác dụng bảo vệ chuột trong ít nhất 2 tháng.

Mỹ: Thử nghiệm thành công vắc-xin chống vi-rút Zika ở chuột

Vắc-xin phòng chống vi-rút Zika được thử nghiệm thành công ở chuột đem lại niềm lạc quan cho mọi người.

Tuy nhiên vẫn còn những rào cản lớn trong việcsáng chế vắc-xin phòng chống vi-rút Zika. Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Imperial ở London lại cho rằng, tiếp xúc trước với vi-rút sốt xuất huyết có thể làm bệnh nhân nhiễm Zika thêm trầm trọng. Ngược lại, một số nhà khoa học cũng đặt ra nghi vấn, loại vắc-xin trên có thể chống lại vi-rút Zika nhưng có thể khiến bệnh nhân bị nhiễm sốt xuất huyết đến mức đe dọa tính mạng.

Mặc dù có những trở ngại, ông Ball (trưởng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Imperial) vẫn cho rằng kết quả nghiên cứu trên vẫn được khuyến khích. 'Những nghiên cứu này là một bước tiến tốt về phía trước và đem đến hi vọng, lạc quan cho mọi người. Tuy nhiên, việc chuyển sang nghiên cứu ở người cần nhanh chóng thực hiện để xem hiệu quả cũng như ngăn chặn tình trạng bệnh lây lan cũng như trầm trọng hơn ở bệnh nhân Zika', ông Ball nói.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay trên thế giới có hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có các ca nhiễm Zika. Riêng tại Brazil đã có hơn 1,5 triệu người được phát hiện mắc căn bệnh này, tính từ tháng 4/2015 đến nay.

Vi-rút Zika là loại vi-rút lây truyền qua muỗi Aedes aegypti, quan hệ tình dục và truyền máu. Triệu chứng phổ biến nhất khi mắc bệnh là sốt, nhức đầu, viêm kết mạc, phát ban, đau cơ và khớp. Loại vi-rút này nguy hiểm nhất với phụ nữ mang thai vì gây nên dị tật đầu nhỏ ở thai nhi. Ngoài ra, nó cũng gây ra các hội chứng rối loạn Guillain-Barre ở người trưởng thành.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!