Nam giới cần chuẩn bị gì khi khám bệnh 'tế nhị'?

Sức khỏe giới tính - 05/02/2024

Cần loại bỏ tâm lí căng thẳng, e ngại khi nói chuyện với bác si bởi mục đích duy nhất bạn đi khám là chữa bệnh.

Ngày nay, những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản không chỉ dành riêng cho phái nữ, mà đàn ông cũng gặp những rắc rối xung quanh chuyện ‘tế nhị’ này. Ở các nước phương Tây, đàn ông đi khám nam khoa định kì đã trở thành thói quen. Nhưng với các nước phương Đông nói chung cũng như Việt Nam nói riêng thì đây vẫn là chuyện ‘thầm kín’. Chính tâm lí ngại ngùng, không dám nói ra ‘nỗi lòng’ là nguyên nhân gây ra những hệ lụy đáng tiếc do phát hiện và điều trị bệnh quá muộn.

Nam giới thường có những quan niệm sai lầm về vai trò của mình một phần do thiếu thông tin, mặt khác do thường bỏ qua những biểu hiện bất thường liên quan đến sức khỏe sinh sản.

Nam giới cần chuẩn bị gì khi khám bệnh 'tế nhị'?

Ảnh minh họa

Sau đây là 4 vấn đề nam giới thường xuyên gặp nhất:

- Bệnh xã hội: Những thống kê gần đây cho thấy một thực trạng báo động là tỉ lệ gia tăng các bệnh lây qua đường tình dục đang có xu hướng gia tăng đột biến. Theo ThS. Lê Thị Kiều Dung, ĐH Y dược TP HCM, ít nhất 50% dân số trong độ tuổi sinh hoạt tình dục có nguy cơ lây nhiễm nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Những bệnh xã hội mà nam giới gặp nhiều hiện nay là sùi mào gà, mụn rộp sinh dục, giang mai, lậu… Những bệnh trên thường có triệu chứng dai dẳng, tiềm ẩn, khó phát hiện ở giai đoạn đầu, thậm chí khi điều trị cũng cần kiên trì. Việc nam giới cần lưu ý chính là tình dục an toàn và chung thủy. Khi phát hiện bị nhiễm các bệnh xã hội, cả nam giới và bạn tình cần được điều trị song song cho đến khi hết mầm bệnh.

- Rối loạn chức năng sinh dục:Theo kết quả khảo sát năm 2014 với 154 nam giới tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội thì có tới 40% người mắc căn bệnh nam học, nhất là tình trạng xuất tinh sớm. Tuy nhiên, 90% người bị bệnh không đi khám bác sĩ mà tự ăn uống, điều trị thông qua các kiến thức tìm hiểu trên internet và ‘truyền miệng’. Bác sĩ Nguyễn Quang, Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt - Đức) cho biết, tỷ lệ nam giới mắc bệnh nam học đi chữa rất ít trong khi lượng bệnh nhân mắc bệnh này đang tăng lên. Khi thấy dấu hiệu bất thường, nam giới nên đi khám bác sĩ chuyên khoa kịp thời, tránh sử dụng các bài thuốc chưa được khoa học chứng minh, hay chữa ‘mẹo’. Những phương pháp này có thể chưa thấy hiệu quả thì đã thấy hậu quả.

- Bệnh về tuyến tiền liệt: Đây là căn bệnh khá phổ biến ở nam giới và có những biến chứng đặc biệt nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Theo các bác sĩ chuyên khoa, người mắc bệnh này bị giảm tuổi thọ trung bình 9 năm kèm theo các biến chứng như liệt 2 chân do di căn xương sống, tắc đường tiểu và suy thận do xâm lấn tại chỗ… Nếu phát hiện được bệnh sớm, tỷ lệ khỏi bệnh đạt 90%. Ngược lại nếu phát hiện muộn thì tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ còn lại dưới 30%.

Nam giới cần làm gì trước khi khám nam khoa

Chuẩn bị tâm lí

Trước khi đến phòng khám, bạn nên ghi chú lại những triệu chứng hay thắc mắc cần hỏi bác sĩ. Điều này rất quan trọng bởi nếu bỏ qua một chi tiết nhỏ nhất, kết quả chẩn đoán cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, cần loại bỏ tâm lí căng thẳng, e ngại khi nói chuyện với bác sĩ bởi mục đích duy nhất bạn đi khám là để chữa bệnh. Giữ tâm lý thoải mái, chia sẻ cởi mở, trao đổi thẳng thắn để hiệu quả khám và chữa bệnh là cao nhất.

Xem xét lại thông tin về tiền sử bệnh lý gia đình

Trong gói khám tổng quát, chúng ta luôn được yêu cầu điền thông tin về tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình. Đây là thông tin đầu tiên rất quan trọng giúp bác sĩ đánh giá các yếu tố nguy cơ không chỉ liên quan đến các bệnh lý mạn tính (như bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường,…) mà còn ảnh hưởng đến việc tầm soát bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư.

Bên cạnh đó, kết quả chẩn đoán bệnh cũng bị ảnh hưởng bởi những thói quen ăn uống, sinh hoạt. Chính vì vậy, việc trò chuyện và ghi nhận tỉ mỉ, đầy đủ thông tin từ người đến khám là vô cùng cần thiết và từ đó, bác sĩ sẽ giúp phát hiện những bất thường mà bản thân không tự nhận thấy.

Nghĩ đến tương lai bản thân

Bạn có từng nghĩ đến những vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến tương lai của mình như việc điều trị vô sinh, giảm cân, bỏ thuốc lá hay dự định chọn một công việc nguy hiểm nào đó? Hãy trao đổi tất cả vấn đề này với bác sĩ để bạn có thể có được những quyết định tốt hơn cho sức khỏe và sự an toàn của bạn.

Ngọc Luyện (Tổng hợp)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!