Nam thanh niên cao thêm 8 cm sau khi nắn cột sống

Thời sự - 05/06/2024

Suốt 17 năm vẹo cột sống, lưng bị còng, nam thanh niên đã được các bác sĩ mổ nắn thẳng lưng giúp tăng thêm 8 cm.

Nam thanh niên cao thêm 8 cm sau khi nắn cột sống

Đăng bị vẹo cột sống từ nhỏ, đi lại khó khăn.

Nguyễn Hải Đăng (17 tuổi, quê Vĩnh Long) bị mắc hội chứng Marfan, vẹo cột sống từ lúc mới sinh, đến khi 6 tuổi người nhà mới đưa đi khám ở bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (TP Hồ Chí Minh). Tại đây, Đăng được chẩn đoán vẹo cột sống rất nặng kèm theo suy dinh dưỡng không mổ được nên người nhà chuyển sang Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM. Đăng mang áo nẹp được 1 năm nhưng không hữu hiệu nên tự bỏ áo nẹp, khiến vẹo và còng cột sống ngày càng nặng thêm, đi lại khó khăn.

Trong một lần coi tivi, chị Trần Thị Phượng – mẹ của bệnh nhân thấy bác sĩ sĩ Hồ Nhựt Tâm, Trưởng Đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương có chia sẻ về một ca mổ vẹo cột sống thành công nên chị đã đưa con đến Bệnh viện Trưng Vương thăm khám.

Ngày 30/9/2018, Nguyễn Hải Đăng nhập viện trong tình trạng bị hạn chế về đường hô hấp, ăn ngủ không ngon, người gầy ốm, suy dinh dưỡng, cân nặng chỉ đạt 34 kg.

Sau 1 năm được các bác sĩ dinh dưỡng và chuyên gia vật lý trị liệu của bệnh viện Trưng Vương phối hợp cùng gia đình chăm sóc, Đăng đã tăng lên 41kg, chức năng hô hấp được cải thiện.

Nam thanh niên cao thêm 8 cm sau khi nắn cột sống

Cột sống của bệnh nhân trước và sau phẫu thuật (ảnh chụp X quang)

Ngày 7/10/2019, Đăng được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lần 1. Cuộc phẫu thuật mất 4,5 giờ để cắt đĩa sống nhiều tầng (từ ngực 9 tới thắt lung 3), kéo tạ đầu tăng dần từ 8kg tới 12kg.

Đến ngày 21/10/2019, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lần 2 cho Đăng. Họ đã phải đứng suốt 11,5 giờ phẫu thuật kéo dài để nắn chỉnh, hàn xương giúp thay đổi hình dạng cột sống của bệnh nhân. Đăng được bắt 23 ốc để cố định cột sống.

GS.TS Võ Văn Thành - Cố vấn Đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương - cho biết: Đây là ca mổ vẹo cột sống nặng nhất tại Bệnh viện Trưng Vương từ trước đến giờ. Ngón tay, ngón chân của bệnh nhân dài bất thường. Bệnh nhân được xác định bị hội chứng Marfan nên phẫu thuật càng sớm càng tốt. Trong ca phẫu thuật, bệnh nhân mất hơn 800mml máu nên các bác sĩ đã phải sử dụng kỹ thuật truyền máu hoàn hồi (sử dụng lại chính lượng máu của bệnh nhân đã mất để truyền lại). Sau khi phẫu thuật thành công, chiều cao bênh nhân tăng lên được 8 cm.

Nam thanh niên cao thêm 8 cm sau khi nắn cột sống

Các bác sĩ chia sẻ lại quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân.

Chia sẻ lại quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân, Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Nhựt Tâm - Trưởng Đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương – cho hay: Ca mổ vẹo cột sống này được nhận định là phức tạp, rủi ro là rất lớn, nguy cơ tử vong và liệt rất cao. Đường cong cột sống của bệnh nhân quá cứng và còng, bệnh nhân phải kéo tạ trên đầu rất khó chịu, quá trình mổ phải kéo dài, các bác sĩ rất vất vả và chịu áp lực.

Dưới sự làm việc cật lực của cả ekip mổ của các bác sĩ đầu ngành, gồm GS.TS Võ Văn Thành, BS Hồ Nhựt Tâm, BS Huỳnh Chí Hùng, ca mổ của bệnh nhân Nguyễn Hải Đăng đã thành công. Hiện tại sau mổ, Đăng đi lại vững vàng, có dáng đi đẹp, lưng không còn bị còng, hai vai cân đối.

Nam thanh niên cao thêm 8 cm sau khi nắn cột sống

Sau phẫu thuật, vai của bệnh nhân đã cân đối và lưng không còn bị vẹo.

Sáng nay (7/1), Đăng đi lại bình thường, trò chuyện cởi mở với mọi người. Em bảo sau mổ, em thấy mình khỏe hơn, từ giờ không sợ hàng xóm và mọi người cười chê nữa. Đăng rưng rưng xúc động nói: 'Con cảm ơn GS Thành và bác sĩ Tâm đã giúp con một cơ thể mới, một cuộc sống mới'.

Bệnh hội chứng Marfan

Hội chứng Marfan là một tình trạng khá phổ biến, ảnh hưởng đến 1/5000 người. Tình trạng này có thể xuất hiện ở mọi người và mọi lứa tuổi và không phân biệt giới tính.

Dấu hiệu rõ ràng nhất của chứng rối loạn này bao gồm cao, gầy, tay chân dài bất thường, ngón tay, ngón chân dài không cân đối, xương ức lồi ra hay lõm vào, xương sống cong, khớp lỏng lẻo, bàn chân lớn và phẳng, cận thị nặng. Các ảnh hưởng do hội chứng Marfan gây ra có thể nhẹ hoặc nặng. Nếu động mạch chủ (là các mạch máu lớn mang máu từ tim đến các phần còn lại của cơ thể) bị ảnh hưởng thì tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng.

Trước đây, tuổi thọ trung bình của bệnh nhân mắc hội chứng Marfan là 45 tuổi, tử vong chủ yếu do biến chứng tim mạch. Hiện nay, nhờ phát hiện sớm và điều trị thích hợp, tuổi thọ đã tăng lên, có những trường hợp sống trên 70 tuổi.

Yếu tố nguy cơ lớn nhất chính là di truyền từ cha mẹ bị mắc tình trạng này.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!