Nền tảng công nghệ VIETRAD giúp cải thiện chẩn đoán ung thư vú tại Việt Nam

Thời sự - 11/24/2024

VIETRAD - nền tảng trực tuyến sử dụng công nghệ học máy để kiểm tra, giám sát và cải thiện hiệu quả chẩn đoán ung thư vú thông qua hình ảnh - đã chính thức ra mắt ngày 12/11, sau một năm xây dựng.

Dự án VIETRAD được triển khai nhờ vào khoản hỗ trợ hơn 340.000 AUD (đô la Úc) từ Chính phủ Australia, thông qua chương trình Aus4Innovation.

Nền tảng công nghệ VIETRAD giúp cải thiện chẩn đoán ung thư vú tại Việt Nam

Đại sứ Australia Robyn Mudie (người thứ 3 từ trái sang) và Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chụp ảnh lưu niệm với dự án VIETRAD và các bác sĩ, kĩ thuật viên tham gia tập huấn. Ảnh: TTXVN phát

Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam với hơn 10.000 ca mới mỗi năm. Phần lớn bệnh nhân khi phát hiện bệnh đã ở các giai đoạn muộn, khiến cho việc chữa trị trở nên khó khăn hơn và tỉ lệ sống sót thấp hơn. Khả năng phát hiện sớm phụ thuộc vào việc bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể đọc chính xác nhũ ảnh. Điều này là vô cùng quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả chữa trị và tiên lượng bệnh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỉ lệ phát hiện chính xác các dấu hiệu bất thường trên nhũ ảnh khá thấp, chỉ ở mức dưới 50%.

VIETRAD sử dụng cách tiếp cận và đào tạo chẩn đoán hình ảnh tiên tiến từ Australia, chuyển giao công nghệ bởi Đại học Sydney. Các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ dựa trên dữ liệu nhũ ảnh tổng hợp từ Việt Nam và Australia để thực hành và cải thiện kĩ năng đọc nhũ ảnh. Ngoài ra, các lỗi chẩn đoán bác sĩ mắc phải sẽ được chỉ ra và công nghệ học máy sẽ giúp tăng độ chính xác của hệ thống, nâng cao khả năng của các bác sĩ. Cách tiếp cận này có thể nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán nhũ ảnh của bác sĩ từ mức dưới 50% hiện nay lên 85%. Đây cũng là tỷ lệ chẩn đoán mà các bác sĩ Australia đạt được khi sử dụng nền tảng này.

Nền tảng công nghệ VIETRAD giúp cải thiện chẩn đoán ung thư vú tại Việt Nam

Các giảng viên từ Đại học Sydney (Australia) tham gia trực tuyến buổi lễ và tham gia giảng dạy tại khóa học. Ảnh: TTXVN phát

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie nói: 'Australia tự hào vì từ lâu chúng tôi đã cung cấp những hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, cả về chính sách lẫn thực hành. Chương trình hỗ trợ Đối tác Đổi mới sáng tạo của Australia với mục tiêu nhân rộng những ý tưởng sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đang hỗ trợ rất nhiều những dự án thú vị như VIETRAD'.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu nhấn mạnh: 'VIETRAD là một phần mềm lần đầu tiên có tại Việt Nam. Với khả năng truy cập từ xa, mọi bác sĩ trên toàn quốc có thể tự tiếp cận và sử dụng phần mềm, qua đó chủ động nâng cao năng lực. Tôi kỳ vọng rằng phần mềm đào tạo này sẽ được duy trì và mở rộng để các bác sỹ chẩn đoán hình ảnh trên phạm vi toàn quốc có thể tiếp cận được, đồng thời, tôi cũng đề nghị nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phát triển sang các phương thức chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm, cộng hưởng từ, cũng như mở rộng cho các nhóm bệnh khác có thể được phát hiện qua chẩn đoán hình ảnh như ung thư phổi, lao. Tôi cũng hy vọng Việt Nam tiến tới sẽ là trung tâm nghiên cứu và đổi mới về ung thư vú dựa trên nhũ ảnh ở khu vực Đông Nam Á'.

Nền tảng công nghệ VIETRAD giúp cải thiện chẩn đoán ung thư vú tại Việt Nam

Các bác sĩ từ nhiều bệnh viện trung ương và địa phương đã tham gia buổi lễ và khóa tập huấn của dự án. Ảnh: TTXVN phát

Nền tảng VIETRAD sẽ được giới thiệu và triển khai tại một số bệnh viện ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh sau khi bác sĩ từ các bệnh viện này được tập huấn sử dụng.

Dự án VIETRAD được tài trợ bởi hợp phần Đối tác Đổi mới sáng tạo của Aus4Innovation, chương trình hợp tác 4 năm (2018-2022) với tổng ngân sách 11 triệu AUD, nhằm củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, chuẩn bị cho nền kinh tế và công nghệ của Việt Nam trong tương lai số. Chương trình được đồng tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương Mại Australia (DFAT) và InnovationXchange (IXC), quản lý bởi Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!