Nếu bạn định cấy que tránh thai, hãy đọc bài này

Sức khỏe sinh sản - 11/24/2024

Sau hơn hai năm cấy que tránh thai, chị Thảo bị rong kinh, rối loạn nội tiết và dễ cáu giận.

Cấy que tránh thai là phương pháp đưa một hay các que nhỏ như que diêm chứa hoóc-môn progesterone vào da dưới cánh tay. Sau đó, các que cấy sẽ phóng thích dần dần lượng hoóc-môn vào cơ thể, tạo ra tác dụng ngừa thai kéo dài có thể lên đến 5 năm. Cách này khi thực hiện không mất nhiều thời gian, không gây đau đớn nên gần đây được nhiều chị em quan tâm tìm hiểu.

Bên cạnh những ưu điểm kể trên thì các chị em cũng bàn tán nhiều về tác dụng phụ của phương pháp cấy que tránh thai như gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, gây đau đầu, nổi ban ngứa... Bài viết dưới đây của chị Phan Thục Thảo (TP HCM), một dược sĩ và là người đã trải nghiệm phương pháp này, có thể giúp bạn có thêm thông tin tham khảo để lựa chọn cách tránh thai phù hợp:

'Mình cấy que năm nay là đúng 2 năm 7 tháng. Mình chọn cấy que chỉ đơn giản đây là phương pháp không phải nhớ mỗi ngày uống gì hay không phải nơm nớp lo sợ bị dính chưởng mà không hay. Và nguyên nhân hấp dẫn khiến mình quyết định chọn cấy que là nghe đồn nó sẽ 'tịt' vụ hàng tháng.

Các bạn cấy que chắc chắn ngoài việc tránh thai ra thì nguyên nhân hấp dẫn nữa đó là vụ 'tịt'. Đúng rồi, năm đầu tiên nó 'tịt' thật, 'tịt' đến nỗi mà mình vênh cả mặt tự tin, vô tư lên nhiều kế hoạch đi chơi mà không lo 'ngày ấy'. Nhưng cũng từ đó, tính tình thay đổi hẳn (không phải mình viện cớ đổ thừa tại cấy que để bao che tính cách kỳ quái vốn có nhưng đã kỳ quái giờ còn kỳ hơn).

Mình không kiềm chế được cảm xúc, rất cáu giận, quát tháo, tâm trạng lúc nào cũng thay đổi như kiểu trầm cảm nhẹ. Và cơ thể bắt đầu tăng cân rõ rệt. Đôi khi, đầu mình còn nhức dữ dội (lúc đó lại nghĩ bị viêm xoang). Ngay tại thời điểm đó, mình bỏ qua tất cả các triệu chứng vì đang sung sướng về cái vụ 'tịt' (trước đây nguyệt san mình rất đều, đúng ngày của tháng là đến và sau 5 ngày là đi).

Nếu bạn định cấy que tránh thai, hãy đọc bài này

Cách cấy que tránh thai dưới da (Ảnh minh họa: Internet)

Niềm vui kéo dài không lâu (cấy que tầm được 15 tháng) thì mình bị một trận đau bụng (đau bụng nguyệt san) kéo dài 2-3 ngày (lúc đó lại nghĩ đau dạ dày), đến ngày thứ 4 thì đi mua băng không kịp (vì lâu rồi không sử dụng). Nó đến ào ạt như thể bị vỡ đê và trận đó kéo dài đúng 16 ngày mới chấm dứt.

Rồi nó 'tịt' tiếp. Nhưng cơ thể bắt đầu thấy thay đổi rõ rệt hơn qua việc cân nặng tiếp tục tăng, nhức đầu thường xuyên và hình như mình chính thức bị trầm cảm (mình từng bị trầm cảm sau sinh, phải đi khám và chữa trị nên những triệu chứng đến với bản thân thì mình rõ hơn ai hết).

Sau trận oanh tạc 16 ngày đó, nó lại 'tịt' đúng 3 tháng. Một ngày âm u, nó lại kéo đến như bão lũ và lần này dài tận 22 ngày. Rồi dứt! Nhưng dứt được tầm 18-19 ngày thì nó lại về như bão lũ thêm 19 ngày nữa (mình đi khám phụ khoa và có note theo dõi nên nhớ chính xác ngày bị). Đến đây thì cơ thể không tăng cân nữa mà nó bắt đầu tụt cân. Một chuyện nhỏ thôi cũng làm bản thân cáu gắt, không kiềm chế được cảm xúc. Đau bụng thường xuyên hơn và xuất hiện thêm triệu chứng mới là nôn ói. Lúc bầu nghén ra sao thì giờ y như vậy, có lúc sợ quá mình phải mua que thử thai về thử 4-5 lần vì sợ 'dính chưởng'.

Từ trận 'oanh tạc' 19 ngày đó, mình 'tịt' tiếp gần 6 tháng sau mới xuất hiện hiện tượng mà mình 'khiếp đảm' luôn và quyết định phải đi lây que ra. Ôi trời ơi, nó rong kinh, cứ bị hai mươi mấy ngày hết được tầm 6-7 ngày là bị tiếp hai mươi mấy ngày. Nghĩ mà khổ, cấy để tiết kiệm tiền mua băng, ai dè giờ vừa tốn tiền cấy que mà lại tốn thêm tiền mua băng (tốn gấp 10 lần lúc chưa cấy). Cơ thể thì ôi thôi nó như chết trôi, tái nhợt, cân nặng thì cứ chào xương và da thịt đi nhé.

Khủng khiếp nhất là cấy que sẽ mã hoá một số gen vì cơ thể con người sẽ tự thay đổi để thích nghi nên mặc định trứng rụng không cho thụ tinh, kiểu tinh trùng vào là 'giết không tha' (cái này nói cho dễ hiểu thôi chứ các chị em chịu khó tham vấn bác sĩ hoặc tìm tài liệu y khoa giải thích theo chuyên môn thuyết phục hơn). Hậu quả là có thể hoặc một số ít trường hợp khi tháo que ra để sinh đứa nữa thì sẽ gặp khó khăn trong vấn đề thụ thai (nếu cấy với thời gian lâu).

Nếu bạn định cấy que tránh thai, hãy đọc bài này

Chị Thảo cho rằng, cấy que tránh thai là biện pháp dễ dùng, an toàn nhất trong các biện pháp tránh thai nhưng có nhiều tác dụng phụ

Đặc biệt, que làm thay đổi nội tiết cơ thể, sẽ khiến các vấn đề như tàn nhang, nám nội tiết dưới da và bướu tuyến giáp phát triển (bướu tuyến giáp do thiếu i-ốt hoặc nội tiết thay đổi) mà bướu lành và ác đề phát triển như nhau. Những tháng trở lại đây, mình bị ảnh hưởng đến cuộc sống vợ chồng và sinh hoạt cá nhân vì nếu trừ vài ngày ra thì hình như một tháng là có 3 tuần rong kinh. Vấn đề ham muốn thì giảm đến gần như không có. Từ trước Tết đến giờ là gần 2 tháng, mình chưa giã từ bạn băng vệ sinh nhưng ra rất ít, cứ rỉ rả ngày này qua ngày nọ. Hôm bữa hết rồi, mừng quá, mua bộ bikini đi Đầm Sen, ai ngờ mặc xong chưa kịp bước xuống bơi tung tăng thì... Ngậm ngùi đi về.

Mình không khuyên gì vì công bằng mà nói, cấy que là biện pháp dễ dùng và an toàn, phòng tránh tốt nhất trong các loại tránh thai (theo quan điểm của mình). Nhưng có an toàn đến đâu thì nó cũng có các tác dụng phụ mà mình đã được nếm đủ, đó là: 'tịt', tăng cân, đau đầu, buồn nôn, giảm ham muốn và trầm cảm. Đặc biệt, nó làm rối loạn nội tiết, dẫn đến một số bệnh như nám nội tiết (không hại gì, chỉ xấu mỹ quan thôi), bướu tuyến giáp.

Chắc chắn mình không thể viết rõ được hết nhưng cũng ít nhiều cho các mẹ thông tin để quyết định cấy hay không cấy. Mình cũng xin nói là mỗi người mỗi cơ địa khác nhau nên mình chỉ nêu hiện tượng cho cơ địa của mình cho các mẹ tham khảo mà thôi. Cấy que thì không đau, không bị gì, như kiến cắn tí thôi và 2-3 ngày sau hơi ngứa chỗ cấy tí à'.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!