(Ảnh minh họa)
Các bệnh viện đã lơ là kiểm tra, giám sát Covid-19
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, các cơ sở y tế đã hoạt động trở lại với 80% công suất so với trước đây. Tâm lý chủ quan đã bắt đầu xuất hiện nên nhiều cơ sở y tế không thực hiện phân luồng, phân tuyến, không kiểm soát việc đeo khẩu trang, kiểm soát, khám sàng lọc.
Năng lực xét nghiệm vẫn còn thấp, chỉ khoảng bốn nghìn mẫu/ngày. Nhiều ca bệnh có triệu chứng sốt, ho, khó thở, viêm phổi không được xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Đây là lỗ hổng lớn, nguy cơ lây nhiễm ở bệnh viện rất lớn.
Bên cạnh đó, năng lực cơ sở y tế thực tế của Việt Nam còn tương đối hạn chế, chưa thể có đủ điều kiện như các nước phát triển về giường bệnh, năng lực hồi sức cấp cứu… để đáp ứng khi dịch lây lan mạnh như các nước.
Theo ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, việc đào tạo bác sĩ hồi sức cấp cứu khả năng điều trị Covid-19 có khả năng đặt được hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO) phải mất từ 2-3 năm mới thành thạo. Trong khi thực tế, không phải cơ sở y tế nào cũng có đội ngũ bác sĩ có thể đáp ứng yêu cầu.
'Thí dụ tại đợt dịch Covid-19 xảy ra tại Đà Nẵng, khi ổ dịch tấn công vào chính khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện, đơn vị đã ngay lập tức vấp phải tình huống khó khăn là thiếu cơ sở hồi sức để điều trị bệnh nhân nặng, trong khi bệnh nhân nặng gia tăng liên tục 5-7ca/ngày', ông Khoa cho hay.
Hiện ở các địa phương, năng lực hồi sức cấp cứu với các ca bệnh nặng mới chủ yếu tập trung ở bệnh viện đa khoa tỉnh, trong khi đó, các giường bệnh vẫn đang dành cho các bệnh nhân khác. Mặc dù các cơ sở y tế trên toàn quốc đã được trang bị máy thở có khả năng điều trị Covid-19, nhưng năng lực điều trị ECMO mới chỉ một số ít bệnh viện làm được và đều phải huy động từ các bệnh viện lớn.
Các địa phương phải thiết lập cơ sở điều trị Covid-19 dự phòng
Cơ sở y tế là nơi đầu tiên phát hiện ca bệnh, đánh dấu một ổ dịch và cũng là nơi xác nhận kết thúc một ổ dịch, một vụ dịch. Vì thế, cơ sở y tế được coi là nơi trọng yếu để phát hiện, sàng lọc, điều trị các ca bệnh.
Việt Nam đã thành công trong việc làm phẳng đường cong dịch với hai làn sóng dịch vừa rồi bằng các biện pháp quyết liệt, chủ động, thống nhất. Nhờ vậy, hệ thống khám chữa bệnh mới giữ được sự bình yên trong thời gian qua. Các bệnh viện giữ vững được 'trận địa' để không bị quá tải.
Giai đoạn hiện nay, ngay tại các cơ sở y tế cần phải chủ động, tích cực, tăng cường công tác chuẩn bị, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực xét nghiệm, nâng cao khả năng kiểm soát lây nhiễm và đào tạo kỹ năng trong việc xử lý các tình huống dịch. Không thể chủ quan, lơ là khi không có ca nhiễm trong cộng đồng.
'Từ tình huống của Đà Nẵng, chúng ta thấy việc chuẩn bị cơ sở điều trị sẵn sàng rất quan trọng từ giường bệnh, trang thiết bị, năng lực xét nghiệm…', ông Khoa nói.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Khoa, để dự phòng các tình huống dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào và dự phòng cả trường hợp không có sự hỗ trợ từ các địa phương khác, mỗi tỉnh, thành phố phải chuẩn bị ít nhất 1-2 bệnh viện có phương án chuyển đổi từ bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa thành bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19.
Đồng thời, cần có phương án chuẩn bị các điều kiện để thiết lập các cơ sở dã chiến điều trị Covid-19 từ tận dụng các cơ sở ngoài y tế có thể lưu trú để điều trị bệnh nhân như: Cung thể thao, các trường học, ký túc xá…
Chẳng hạn, với tỷ lệ hơn 60% các camắc Covid-19 không có triệu chứng như hiện nay, thì không nhất thiết bệnh nhân đó phải ở trong bệnh viện, mà chỉ cần sử dụng các cơ sở để cách ly, điều trị dưới sự theo dõi của tổ y tế thường xuyên và đưa vào bệnh viện kịp thời.
Tuy nhiên, việc thành lập các bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly điều trị người bệnhCovid-19 cũng cần bảo đảm vấn đề xử lý chất thải, không khí, không để phát tán mầm bệnh ra ngoài.
Với từng bệnh viện, kể cả các đơn vị không điều trị Covid-19 vẫn phải tuân thủ việc sàng lọc, phân luồng… Các bệnh viện phải chuyển đổi một số công thức trong khám, chữa bệnh như: Thanh toán không dùng tiền mặt, khám chữa bệnh từ xa, các trường hợp bệnh mãn tĩnh tăng cường tư vấn điều trị từ xa, cấp thuốc dài hạn hơn… Cần có sự chuẩn bị và phương án cụ thể, nếu không sẽ rất lúng túng.
Ông Khoa cũng lấy dẫn chứng, qua tham khảo tình hình các nước, nếu Việt Nam gặp phải tình huống như Mỹ, Pháp Nga thì số giường bệnh của chúng ta chỉ đủ phục cho điều trị bệnh nhân Covid-19 là hết, không còn chỗ cho các bệnh nhân khác, lúc đó sẽ phải gánh tình huống rất nan giải.
'Vừa qua, Đà Nẵng với mật độ các cơ sở y tế rất cao khoảng 45 giường bệnh/một vạn dân đã phải huy động hai bệnh dã chiến và một bệnh viện dự phòng, chưa kể huy động cả Huế, Quảng Nam, huy động các lực lượng phía bắc, tuyến trên vào hỗ trợ. Điều đó để thấy, nếu để dịch bùng phát lan rộng thì chính mỗi bệnh viện cũng phải gánh vác công việc của mình chứ không thể có khả năng đi hỗ trợ các địa phương',ông Khoa nhấn mạnh.
Về chuyên môn, với việc đã có Trung tâm hỗ trợ điều hành trực tuyến điều trị Covid-19,trong tình huống dịch lây lan trong cộng đồng, việc hỗ trợ cũng rất có giá trị; bên cạnh đó còn có các đội cơ động hỗ trợ. Tuy nhiên, đây là tình huống dịch ở mức độ vừa phải, tập trung ở một vài địa phương nhưng nếu dịch lan rộng thì lúc đó sẽ hết sức khó khăn, phải chấp nhận bốn tại chỗ, các đơn vị phải thực sự chủ động.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các bệnh viện phải nâng cao mức độ cao nhất trong phòng, chống Covid-19. Các bệnh viện cần tăng cường kiểm tra giám sát, tăng cường truyền thông để người nhà bệnh nhân hạn chế đến bệnh viện, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo giữa người nhà với bệnh nhân,cán bộ y tế và ngược lại… 'Chúng ta đã có những bài học phải trả với giá rất đắt khi để lây nhiễm chéo trong bệnh viện', Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh.
Tập trung phòng, chống dịch Covid-19
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!