Bố mẹ háo hức khi con bước vào giai đoạn ăn dặm nhưng đó cũng là lúc con khiến bạn 'điên đầu'. Đặc biệt khi em bé mới chập chững biết đi nhận ra rằng, con có thể ném thức ăn lên ghế, xuống sàn, vào tường và cảm thấy thật vui khi làm như thế!
Đừng để việc này làm cho bạn nản lòng - đó thực sự là một cột mốc quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Ở tuổi này, thức ăn chỉ là một trong nhiều thứ mà trẻ thích thú khám phá.
Với trẻ 1 - 2 tuổi, ném thức ăn rất thú vị.
Tại sao trẻ mới biết đi lại thích ném thức ăn?
Theo What to Expect (trang web cung cấp kiến thức về mang thai và nuôi con), trẻ mới biết đi, đặc biệt khi vừa 2 tuổi, khó kiểm soát các hành vi bột phát của mình. Vì vậy, chúng sẽ tự nhiên chạm, chọc, nắm và ném các đồ vật có trong tay. Trẻ cũng đang trong quá trình tìm hiểu trọng lực hoạt động ra sao và ý tưởng về sự tồn tại của vật thể (chuyện gì xảy ra với các vật thể một khi chúng biến mất) - Tiến sĩ, bác sĩ nhi khoa Jennifer Shu và Tiến sĩ Laura A. Jana tiết lộ.
Hành động ném thức ăn cũng thúc đẩy sự tò mò của trẻ. 'Chúng học về quan hệ nguyên nhân – hệ quả một cách tuyệt vời nhờ di chuyển cánh tay theo một chuyển động lớn, buông tay đúng lúc và xem điều gì xảy ra với vật thể mà mình vừa ném', chuyên gia phát triển trẻ em và nhà giáo dục cha mẹ Ann McKitrick giải thích.
Cô cho biết thêm, từ chiếc ghế ăn, có rất nhiều cơ hội thú vị để học về nhân - quả. Một trong những điều hấp dẫn nhất là phản ứng của những người lớn có mặt ở đó. Dựa trên phản ứng của người lớn, trẻ học được rằng điều, làm như vậy là ổn hay không ổn.
Nếu bị ngó lơ, ném thức ăn là một cách chắc chắn để trẻ thu hút sự chú ý. Và trẻ mới biết đi đặc biệt thích được chú ý.
Ném thức ăn còn là cách để trẻ thử nghiệm và rèn luyện tính độc lập mới được khám phá của mình. Tiến sĩ John Sargent, bác sĩ tâm lý trẻ em và giáo sư khoa tâm thần học và khoa học hành vi tại Baylor College (Mỹ), chia sẻ trên tạp chí Parents: 'Trẻ ở độ tuổi này dần nhận ra rằng, chúng có thể khẳng định bản thân và bằng cách tranh luận với người lớn, trẻ sẽ đạt được sự tự tin'.
Khi ném thức ăn, trẻ sử dụng toàn bộ cơ thể để thể hiện sở thích cá nhân. 'Đây là khởi đầu cho việc phát triển quan điểm cá nhân - một bước vô cùng quan trọng của quá trình lớn khôn', bác sĩ tâm lý trẻ em Elizabeth Berger nhấn mạnh.
Làm thế nào để ngăn trẻ ném thức ăn?
Bây giờ bạn không còn tức giận về việc con ném thức ăn nữa, nhưng làm thế nào để ngăn trẻ làm việc đó? Mặc dù hoạt động này rất thú vị đối với trẻ, bạn cũng cần hướng dẫn con không lãng phí thức ăn và phải ăn thức ăn trước mặt để trở nên khỏe mạnh hơn.
Đừng biểu lộ ra mặt sự khó chịu, thất vọng của bạn
'Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi luôn tìm kiếm sự chú ý một cách tự nhiên và nếu nhận được phản ứng, trẻ sẽ càng làm tới. Để tránh khuyến khích hành vi không mong muốn ở trẻ, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và thái độ trung lập' - Sarah Remmer, chuyên gia dinh dưỡng trẻ em và gia đình phát biểu trên tờ Today's Parent.
Nhặt đồ ăn lên và luôn sử dụng cụm từ này mỗi khi xảy ra việc tương tự: 'Thức ăn phải ở trên khay'. Nói điều này sẽ có tác dụng hơn so với việc bạn chỉ lặp đi lặp lại: 'Không, không được làm thế'…
Kết thúc bữa ăn
Nếu con tiếp tục ném thức ăn ngay cả sau khi bạn đã giải thích, chuyên gia dinh dưỡng và nhi khoa Aubrey Phelps đề nghị hãy kết thúc bữa ăn, đồng thời nhắc nhở trẻ rằng: thức ăn là để ăn chứ không phải ném. Dọn đồ ăn luôn và không mang ra cho tới bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ kế tiếp. Bạn cũng đừng lo lắng, bạn không bỏ đói con đâu. 'Khó có khả năng con sẽ đói', McKitrick cho biết. 'Nếu trẻ chỉ vừa ngồi xuống ăn và bắt đầu ném, hãy lấy mọi thứ ra khỏi khay và lần lượt đưa cho trẻ từng món ăn một. Nếu trẻ tiếp tục ném, chắc chắn trẻ không đói lắm'.
Nên kết thúc bữa ăn khi trẻ lặp lại hành động ném thức ăn.
Dành sự chú ý cho con
Theo Janet Lansbury, cố vấn nuôi dạy con cái kiêm người dẫn chương trình podcast Respectful Parenting, ném thức ăn thường xảy ra khi con bạn đã mất hứng thú với đồ ăn của mình. Hãy chú ý đến những gì con đang cố nói với bạn. Bé có thể muốn bày tỏ rằng, mình đã ăn xong.
Nhìn thấy con gây rối với đồ ăn của mình có thể khiến bạn bực bội, thậm chí cảm thấy bị xúc phạm khi phải theo dọn lúc sau. Nhưng điều quan trọng là phải thừa nhận hành vi này là một giai đoạn tự nhiên và quan trọng trong sự phát triển và lớn khôn của con bạn. Đồng thời tập trung vào việc biến nó thành một cơ hội để con có thể hiểu được hậu quả từ hành động của mình.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!