Ngăn chặn HIV: Hãy sống không kỳ thị!

Sống khỏe mạnh - 05/15/2024

Sự kỳ thị và phân biệt sẽ giết những người nhiễm HIV/AIDS trước khi bệnh tật giết chết họ.

Mỗi năm, Việt Nam phát hiện hơn 10.000 người nhiễm mới HIV. GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết 25 năm qua, Việt Nam có khoảng 260.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng và năm 2015 là năm thứ 8 dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả 3 tiêu chí về số người nhiễm HIV, số người bệnh chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS. Mặc dù vậy, đại dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục trực tiếp đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của con người.

Tình trạng kỳ thị không ngừng gia tăng

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, nhưng hiện nay, ở nước ta cũng như nhiều nơi trên thế giới, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

Ngăn chặn HIV: Hãy sống không kỳ thị!

Sự kỳ thị và phân biệt sẽ giết những người nhiễm HIV/AIDS trước khi bệnh tật giết chết họ (Ảnh minh họa: Internet)

Tại một số quốc gia vẫn còn những quy định cấm không cho người bệnh HIV được nhập cảnh và cư trú. Bên cạnh đó cũng tồn tại tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành giới liên quan đến HIV/AIDS. Ở nhiều gia đình, người nhiễm HIV phải sinh hoạt riêng, không được ăn chung cùng mọi người. Đáng nói hơn là ngay cả nhân viên y tế cũng có một số người e ngại, miễn cưỡng khi chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, nhất là người bệnh giai đoạn cuối với nhiều biến chứng, lở loét.

Sự kỳ thị - bản án tử vô hình

Hậu quả của kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV là việc họ bị xa lánh, ruồng bỏ, bị tổn thương, đồng thời không có điều kiện để tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị đã được pháp luật quy định để bảo vệ họ cùng những người khác.

Sự phân biệt đối xử khiến cho việc phát hiện người nhiễm HIV trong cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Nhiều người làm xét nghiệm và có kết quả dương tính với HIV nhưng lại cho sai tên và địa chỉ vì lo sợ bị kỳ thị nên ảnh hưởng đến việc theo dõi và quản lý người bệnh.

Sự kỳ thị không khiến cho HIV ngừng lây nhiễm, không phải là cách phòng lây nhiễm mà là cách giết chết người HIV nhanh hơn, là cách làm tăng khoảng cách giữa người HIV và cuộc sống hòa nhập.

Xót xa bé trai nhiễm HIV bị cả làng xua đuổi

Tại một ngôi làng thuộc huyện Lý Kiều, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, hơn 200 người trong làng ký một bản kiến nghị đuổi em bé nhiễm HIV từ mẹ ra khỏi làng để bảo vệ sức khỏe mọi người. Cuộc sống của em tại chính nơi mình sinh ra thật sự rất cô độc khi bị mọi người xa lánh và phải chơi một mình trong rừng, không được đi học, không có bạn bè.

Đau đớn vì sự kỳ thị từ chính những người thân trong gia đình

Rất nhiều bệnh nhân HIV bị chính gia đình kỳ thị, không cho ăn cùng mâm với các thành viên, phải ngồi riêng góc nhà để ăn. Họ đã phải sống những tháng ngày như địa ngục trần gian, vừa bị bệnh tật hành hạ vừa phải chịu sự ghẻ lạnh của gia đình. Chuyện không cho ăn cơm cùng chỉ là một trong nhiều minh chứng việc người nhiễm HIV bị kỳ thị và đau lòng hơn cả là sự lạnh lùng đến khắc nghiệt của các thành viên trong gia đình đối với họ.

Xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ là nơi đã diễn ra rất nhiều câu chuyện về sự kỳ thị một cách vô lý với những gia đình có người bị HIV. Ở đây, hễ gia đình nào bị phát hiện có người bị nhiễm HIV là y rằng sẽ bị cộng đồng cô lập, xa lánh như một thứ bệnh dịch. Những người bị HIV/AIDS bị đẩy ra ngày một xa khỏi cái quỹ đạo của cuộc sống đang diễn ra quanh họ.

Hận đời, nhiều người nhiễm HIV tìm cách trả thù, lây nhiễm HIV cho người khác

Sự kỳ thị và phân biệt sẽ giết những người nhiễm HIV/AIDS trước khi bệnh tật giết chết họ. Nhiều người trở nên mặc cảm, mất hết niềm tin và sống bất cần, không có trách nhiệm với xã hội. Người nhiễm HIV/AIDS dần trở thành nhóm người sống ẩn trong xã hội, giấu diếm bệnh tật làm tăng nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Và như một cách để giải tỏa nỗi đau, sự mất mát, mặc cảm trong lòng mà nhiều người quay ra trả thù đời, mà theo họ là trả thù những người đã kỳ thị, đã reo rắc bệnh tật cho mình. Sự kỳ thị bao giờ cũng là động thái tiêu cực khiến cho những người bệnh nhiễm HIV bị tổn thương nghiêm trọng, đẩy họ vào cuộc sống bế tắc. Thậm chí, kỳ thị còn được xem như 'bản án thứ hai' dành cho những người trót lầm đường, lạc lối.

Vân Doãn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!