Ngăn ngừa nấm âm đạo bằng cách tự nhiên, đúng hay sai?

Sống Khỏe - 04/29/2024

Hello BACSI - Nấm âm đạo xuất hiện do sự phát triển của nấm Candida albicans trong âm đạo của người phụ nữ và không phải do vi khuẩn gây nên.

Ăn yogurt, đặt tỏi vào âm đạo, thoa lá chè quanh vùng kín…. được nhiều chị em rỉ tai nhau để trị nấm âm đạo. Tuy nhiên, hiệu quả của những cách làm này đến đâu và liệu có an toàn hay không?

Nấm âm đạo (hay nhiễm khuẩn âm đạo do Candida) xuất hiện do sự phát triển của nấm Candida albicans trong âm đạo của người phụ nữ và không phải do vi khuẩn gây nên. Nhiễm nấm chính là yếu tố gây kích thích, viêm và ngứa âm đạo ở phái nữ, đặc biệt là vùng âm hộ.

Dấu hiệu chứng tỏ bạn đã bị bị nhiễm nấm âm đạo

Đặc điểm khi nhiễm nấm âm đạo ở phụ nữ là chảy dịch – dịch âm đạo lúc này sẽ nhiều hơn, đặc hơn và có màu trắng. Ngoài ra, khi bị nhiễm nấm âm đạo, chị em còn có thể cảm thấy đau, nổi ban hoặc bỏng rát ở vùng âm đạo.

Không giống như nhiễm khuẩn âm đạo thường có dịch mùi hôi hoặc mùi cá ươn, dịch khi bị nhiễm nấm âm đạo thường không mùi. Một người có vùng kín khỏe mạnh là khi âm đạo có sự cân bằng giữa nấm và vi khuẩn có lợi. Đặc biệt, trong âm đạo phụ nữ có vi khuẩn lactobacillus giúp tạo ra môi trường axit và kiềm hãm số lượng nấm âm đạo phát triển. Bất cứ tác nhân nào ảnh hưởng đến sự cân bằng nấm – vi khuẩn có lợi trong âm đạo của ở phụ nữ đều có thể gây nhiễm nấm âm đạo.

Nguy cơ làm tăng khả năng nhiễm nấm âm đạo

Mọi phụ nữ đều có nguy cơ nhiễm nấm âm đạo, nhưng nguy cơ này sẽ gia tăng nếu:

  • Bạn sử dụng kháng sinh;
  • Bạn đang mang thai;
  • Bạn không thể kiểm soát tốt tình trạng đái tháo đường;
  • Bạn bị suy giảm miễn dịch;
  • Bạn sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp điều chỉnh hormone.

Giải đáp những phương pháp tự nhiên giúp điều trị nấm âm đạo

Mặc dù thuốc là phương pháp hiệu quả nhất trong việc điều trị nấm âm đạo, phái đẹp thường vẫn thích sử dụng những loại thực phẩm hay những phương pháp tự nhiên như: yogurt và vi sinh, axit boric, tỏi, dầu cây chè và thụt tháo (đặc biệt là với giấm). Tuy nhiên, đây chỉ là những phương pháp được nhiều người đề nghị trên Internet, hầu hết chúng vẫn chưa được chứng minh tính an toàn và hiệu quả.

  • Yogurt và vi sinh: âm đạo là ngôi nhà của hàng triệu siêu vi có lợi có tác dụng kiểm soát số lượng mầm bệnh, đặc biệt là nấm Candida. Đồng thời, đây cũng là nơi ngăn chặn sự phát triển quá mức khi kháng sinh hoặc hormone phá vỡ sự cân bằng mong manh giữa nấm và vi khuẩn có lợi. Vì vậy, một trong những cách đơn giản là bạn nên cung cấp thêm một lượng vi khuẩn có lợi vào âm đạo, đặc biệt là Lactobacillus acidophilus bằng cách sử dụng yogurt và vi sinh. Điều bạn cần lưu ý là bạn chỉ nên ăn hoặc uống yogurt mà tuyệt đối không cho yogurt trực tiếp vào âm đạo vì có thể dẫn tới rất nhiều rắc rối cho việc điều trị sau này;
  • Axit boric: các nghiên cứu đã chứng minh rằng viên nang bổ sung axit boric có hiệu quả trong việc điều trị nhiễm nấm âm đạo, đặc biệt khi nấm là những tác nhân không thuộc nhóm Albicans. Axit boric có hiệu quả đến 92% khi sử dụng trong khoảng 7 đến 10 ngày. Tuy thế, axit boric có thể khiến âm hộ của phái đẹp bỏng rát. Trong trường hợp nuốt axit boric, cơ thể bạn sẽ bị nhiễm độc. Do đó bạn nên lưu ý không nên sử dụng axit boric thường xuyên, đặc biệt là trong giai đoạn mang thai;
  • Tỏi: nhiều nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng hữu hiệu của tỏi trong việc kháng nấm. Tuy nhiên, tỏi khi ăn dường như không mang lại hiệu quả trong việc kháng nấm khu vực âm đạo. Một vài phụ nữ đã nảy ra sáng kiến đặt nhánh tỏi vào âm đạo buổi tối, tuy cách này dường như vô hại nhưng vẫn chưa có bất kì nghiên cứu khoa học nào chứng minh tính hiệu quả của phương pháp này;
  • Dầu chè: một cách khác được nhiều chị em phụ nữ ủng hộ chính là sử dụng dầu cây chè thoa vào âm đạo. Tuy đã trải qua nhiều lần thử nghiệm trên chuột nhưng tính hiệu quả của phương pháp này vẫn chưa được thử nghiệm trên cơ thể người;
  • Thụt tháo: đây cũng là một cách được nhiều người khuyên dùng nhưng thực tế, việc này chỉ khiến loại bỏ lượng vi khuẩn có lợi trong âm đạo phụ nữ và nếu bạn đã bị nhiễm nấm hay nhiễm khuẩn âm đạo, thụt tháo càng làm cho nấm hoặc vi khuẩn lan tới tận cổ tử cung và thậm chí là vào tử cung. Nguy hiểm hơn, thụt tháo với giấm còn khiến tình trạng nấm nặng gấp đôi vì phương pháp này tác động đến thành âm đạo.

Tóm lại, ngoại trừ việc ăn yogurt đã được giới khoa học kiểm nghiệm, bạn không nên tự ý chữa nấm âm đạo tại nhà. Hãy đến khoa phụ sản để được thăm khám và chỉ định đúng loại thuốc phù hợp với tình trạng của mình nhé!

Bạn có thể quan tâm đến bài viết:

  • Mặc đồ lót quá chật làm nhiễm nấm âm đạo
  • Báo động nguy cơ sẩy thai vì nhiễm nấm âm đạo
  • Dịch âm đạo: ổn hay không?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!