Bộ Y tế lập 4 tổ công tác hỗ trợ kỹ thuật điều trị bệnh bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên
Phân tích thông tin cho thấy, trong số 78 ca bệnh bạch hầu, Đăk Nông là tỉnh ghi nhận số ca bệnh nhiều nhất với 29 trường hợp, Kon Tum có 26 trường hợp, Gia Lai là 20 trường hợp và Đăk Lăk ghi nhận 3 trường hợp. Theo phân tích của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, trong số 78 ca bệnh này, có tới 26 ca không có biểu hiện triệu chứng - người lành mang trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch bạch hầu tại các tỉnh Tây Nguyên, để kịp thời có những chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tiễn của dịch bệnh, ngay sau khi chủ trì cuộc họp khẩn tại Bộ Y tế về bàn giải pháp tích cực phòng chống dịch, cuối tuần qua, GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc với lãnh đạo UBND, lãnh đạo ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam và Quảng Ngãi về công tác phòng chống dịch bạch hầu.
Về giải pháp phòng chống mang tính lâu dài và bền vững, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin trên quy mô lớn mà 4 tỉnh đầu tiên là Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông, Đăk Lăk - những địa phương đã có ca bệnh xuất hiện, sau đó là Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định thành lập 4 tổ Công tác hỗ trợ kỹ thuật điều trị bệnh bạch hầu tại các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum.
Để khống chế sự lây lan của dịch bệnh bạch hầu, ông Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho rằng, cần 3 bước: Bước đầu tiên là cán bộ y tế cơ sở phải được tập huấn nâng cao nhận thức để nhận biết được bệnh. Khi phát hiện ra bệnh, đặc biệt là phát hiện sớm, gửi mẫu và xử lý nhanh thì ít nhất chúng ta xử lý được ổ dịch và đồng thời góp phần ngăn chặn nguy cơ lây lan ra các khu vực khác. Thứ hai là làm tốt công tác điều tra dịch tễ khi có ca bệnh xuất hiện. Thứ 3là giải pháp bền vững và an toàn nhất là vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai tiêm chủng làm sao đảm bảo được tỉ lệ tiêm chủng đạt trên 90% theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu tại thôn 7, xã Cư Króa, huyện M'Đrăk.
Dồn sức phòng chống dịchbạch hầu
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành y tế tỉnh Gia Lai đang dồn sức chống dịch. Triển khai đồng loạt: khoanh vùng ổ dịch, cách ly toàn bộ làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa với bên ngoài. Đã có 5 chốt chặn y tế được thành lập, tổ chức khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh tử vong, khử khuẩn môi trường và cho uống thuốc điều trị dự phòng.
Ngành y tế tỉnh Đăk Nông phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức dập dịch tức thời bằng các biện pháp như khoanh vùng cách ly; cho người dân trong vùng dịch, vùng có nguy cơ cao uống khánh sinh dự phòng; song song với đó là xử lý môi trường bằng cloramin B. Về lâu dài, ngành y tế đẩy mạnh việc rà soát, tiêm chủng.
Sở Y tế Đăk Lăk cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện M'Đrăk khẩn trương báo cáo với chính quyền huyện về diễn biến của bệnh bạch hầu để triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống; tổ chức khoanh vùng cách ly thôn 7, xã Cư Króa; tiêm vắc-xin phòng bạch hầu cho đối tượng 7 tuổi tại trường học và trong cộng đồng trên toàn huyện M'Đrăk.
Nhằm kiểm soát tốt bệnh bạch hầu, ngành y tế tỉnh Kon Tum cùng địa phương xác định một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện như: tiếp tục khoanh vùng, giám sát chặt chẽ ổ dịch; khám sàng lọc để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh hoặc người lành mang trùng để cách ly và điều trị kịp thời; tổ chức cho người dân trong vùng ổ dịch uống thuốc điều trị dự phòng, tổ chức tốt công tác vệ sinh môi trường, phun xử lý ổ dịch bằng chloramin B ngày 2 lần.
Ngành y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Td cho các đối tượng từ 7-25 tuổi tại các xã có ca bệnh để tạo miễn dịch bền vững trong cộng đồng. Đồng thời, thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!