Nghĩ về stress học đường trước thềm năm học mới

Làm mẹ - 04/28/2024

Sự kỳ vọng của bố mẹ vượt quá khả năng của trẻ thường tạo ra áp lực, dẫn tới hiện tượng stress.

Bản chất của trẻ nhỏ là rất hồn nhiên và vô tư, yêu thích học tập nhưng cũng rất thích được tham gia vui chơi cùng với bạn bè. Song với áp lực học hành và thi cử hiện nay, cộng thêm sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ khiến trẻ luôn có tâm lý, mệt mỏi, nặng nề với việc học tập, thậm chí là sợ đi học.

Vì đâu nên nỗi?

Sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ:Kỳ vọng ở con cái là điều thường thấy và dễ hiểu ở bố mẹ. Tuy nhiên sự kỳ vọng vượt quá khả năng của trẻ thường tạo ra áp lực, dẫn tới hiện tượng stress. Nếu như trẻ không làm được điều bố mẹ mong muốn thì trẻ bị bố mẹ mắng mỏ, chì chiết… Cứ như vậy, vô tình họ đã tạo nên một gánh nặng rất lớn lên đôi vai bé bỏng của trẻ.

Yêu cầu cao từ phía giáo viên:Trẻ trong độ tuổi đi học, nhất là trẻ ở bậc tiểu học luôn có tâm lý sợ giáo viên do không thể đáp ứng được các yêu cầu được đặt ra. Thầy cô ra bài tập quá nhiều hoặc quá khó khiến cho trẻ lo lắng, mất dần tự tin và mang tâm lý nặng nề khi không có khả năng hoàn thành.

Nghĩ về stress học đường trước thềm năm học mới

Ảnh minh họa

Do tính chất quá tải của nền giáo dục hiện đại: Trẻ tiểu học còn nhỏ tuổi, ngoài việc học ra các em cần phải có thời gian để vui chơi giải trí. Nhưng vì hiện nay chương trình giáo dục vẫn đang quá tải nên ngoài việc học, trẻ không có thời gian để vui chơi và tham gia các hoạt động khác.

Chính những nguyên nhân đó, đã khiến cho rất nhiều trẻ sợ việc học hành, sợ phải đến trường… Điều này chính là nguyên nhân dẫn tới trẻ chán học, trốn học… Trẻ học chỉ để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ và yêu cầu của thầy cô chứ không có sự đam mê. Khi không thực hiện được như mong muốn của cha mẹ, trẻ cảm thấy nghi ngờ khả năng của mình, thấy có lỗi, mất tự tin… Và từ đó, trẻ dễ bị stress và trầm cảm.

Thay đổi từ cách nghĩ của phụ huynh

Thiết lập cho trẻ một góc học tập yên tĩnh và riêng tư:Bạn hãy đặt góc học tập của trẻ ở những nơi ít tiếng ồn, gần cửa sổ và sắp xếp mọi thứ xung quanh ngăn nắp gọn gàng để tạo một không gian thoáng đãng, riêng tư cho trẻ tập trung học tập.

Giúp trẻ vạch thời khóa biểuvà cân đối thời gian hợp lí: Học tập là điều rất quan trọng tuy nhiên ngoài thời gian này ra, bạn cần sắp xếp cho trẻ tham gia vào các mối quan hệ vui chơi với bạn bè, tham gia các câu lạc bộ, các lớp học kỹ năng để trẻ giảm căng thẳng.

Ủng hộ và động viên trẻ kịp thời: Hãy biết thông cảm với trẻ bằng cách cố gắng trò chuyện và chia sẻ với trẻ về các mối quan hệ trong cuộc sống cũng như việc học hành. Với những việc trẻ làm đúng, bạn hãy biểu lộ sự hài lòng, tán dương và khen ngợi trẻ để trẻ có thêm động lực. Khi trẻ làm sai, hãy nhẹ nhàng chỉ ra điểm sai cho trẻ hiểu và hướng dẫn cách làm đúng.

Giảm bớt áp lực bài vở cho trẻ bằng cách cùng trẻ nghiên cứu và tìm ra phương pháp cho các vấn đề trẻ vướng mắc.

Nghĩ về stress học đường trước thềm năm học mới

Ảnh minh họa

Giảm việc nhà cho trẻkhi kỳ thi đến và nhắc nhở trẻ thư giãn trong quá trình học tập cũng như trong ôn thi. Đừng vì những kỳ vọng quá cao mà đánh mất đi tuổi thơ của con.

Hãy để trẻ biết bạn tin tưởng chúng và hài lòng với những gì chúng đã cố gắng hết mình. Bạn có thể kỳ vọng ở trẻ nhưng phải biết hài lòng với những cố gắng của chúng. Nhiều khi cũng cần khen ngợi và tán dương trẻ để trẻ có động lực tiếp tục phấn đấu.

Cuộc sống là những chuỗi những áp lực cần vượt qua. Tuy vậy, đó phải là những áp lực có thể tải trọng và vừa sức. Hãy tạo điều kiện cho trẻ phát triển một cách bình thường mà không phải trở thành những nạn nhân tâm lý của việc học tập khi cha mẹ gây qáp lực một cách quá đáng. Đó không chỉ là mong mỏi của những đứa trẻ mà của cả xã hội khi chúng ta cần những con người bình thường biết sống – biết làm việc và biết hướng đến những giá trị đích thực của cuộc sống.

Giang Trinh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!