Qua mỗi trường hợp phát hiện, Bệnh viện Bạch Mai đều đã thông báo cụ thể tới các cơ quan chức năng nhưng thực trạng vẫn tiếp diễn. Mới đây nhất liên quan tới sản phẩm rượu mang tên 'RƯỢU NẾP', 'Hầm Rượu Việt', đã có 2 vụ ngộ độc methanol với ít nhất 7 người bị ngộ độc, trong đó 1 người tử vong và 1 người tổn thương mắt và não.
Theo các chuyên gia chống độc, rất có thể có các nạn nhân khác chưa được phát hiện, bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với bệnh khác do chẩn đoán ngộ độc methanol không dễ dàng và dễ nhầm với nhiều bệnh. Sự việc và sản phẩm rượu này đang được Bệnh viện Bạch Mai và các cơ quan chức năng phối hợp xử lý.
Trước thực trạng đó, TS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc đặc biệt cảnh báo: Loại rượu với các thông tin nhận dạng nêu trên tuy đang trong thời gian chờ được xác minh và xử lý thì người dân vẫn cần phải rất thận trọng. Loại sản phẩm này rất có thể vẫn đang được sản xuất, được tiếp tục lưu hành ở các tỉnh khác.
Do đó nguy cơ tiếp tục gây ngộ độc cho nhiều người vẫn hiện hữu, Trung tâm Chống độc khuyến cáo:
Với người dân
Thận trọng với sản phẩm rượu có tên nêu trên, tốt nhất không dùng.
Nếu đã chót uống loại rượu này thì cần đến ngay các khoa cấp cứu hồi sức của các bệnh viện tỉnh hoặc các cơ sở y tế có điều kiện xét nghiệm khí máu động mạch để kiểm tra. Bạn vẫn cần đi kiểm tra kể cả khi cơ thể cảm thấy bình thường và đã uống loại rượu đó trong vòng 8 ngày.
Tất nhiên, nếu trường hợp cảm thấy cơ thể mệt quá thì tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu ổn định trước sau đó kiểm tra ngộ độc cồn công nghiệp methanol.
Mẫu rượu bệnh nhân uống được người nhà mang đến đem đi xét nghiệm cho thấy hàm lượng methanol là 20,21%, trong khi đó hàm lượng ethanol chỉ có 11,42%.
Với các nhân viên y tế tiếp nhận bệnh nhân
Cảnh giác và kiểm tra ngộ độc methanol với tất cả các trường hợp uống loại rượu trên trong vòng 8 ngày (kể cả khi có triệu chứng lâm sàng hay không).
Chú ý bám sát phác đồ chẩn đoán ngộ độc methanol đã có, chủ động khai thác bệnh sử về loại rượu đã uống, thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm chẩn đoán nếu bệnh nhân có một trong các biểu hiện gợi ý:
+ Mờ mắt/nhìn mờ.
+ Nhiễm toan chuyển hóa không thể giải thích bằng các nguyên nhân khác, hoặc uống rượu và có nhiễm toan chuyển hóa.
+ Chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ sọ não có tổn thương nhân bèo hai bên.
Cần chú ý, trong các vụ ngộ độc rượu, có trường hợp người dân mua rượu có tên là 'RƯỢU NẾP', 'Hầm Rượu Việt' về nhưng để ngâm chuối hột rồi mới uống và khi kể bệnh với bác sĩ chỉ nói uống rượu ngâm chuối hột. Do đó mất nhiều ngày sau mới biết loại rượu ban đầu và tên nhãn mác như vậy. Vì vậy người dân và nhân viên y tế cần hỏi kỹ nguồn gốc loại rượu đã uống, tránh bỏ sót thông tin.
Theo các bác sĩ, tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp methanol lại có chiều hướng gia tăng. Riêng trong tháng 10/2020, đã có 18 trường hợp ngộ độc methanol được xác nhận tại Trung tâm Chống độc. Phần lớn các ca bệnh này đều nặng và rất nhiều trường hợp đã tử vong.
Nguyên nhân chủ yếu do 2 nguồn: thứ nhất là tập trung vào các loại rượu trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đó là rượu giả, được pha trộn cồn công nghiệp methanol. Nguyên nhân thứ 2 là có một số bệnh nhân uống cồn y tế do nghĩ cồn y tế là an toàn nhưng những loại cồn y tế này lại không đảm bảo, cũng được sản xuất, đóng chai từ cồn công nghiệp methanol và cũng là nguyên nhân gây ngộ độc. Đây là vấn đề quản lý hóa chất, quản lý cồn công nghiệp methanol.
Do công tác quản lý của chúng ta chưa chặt chẽ nên các hóa chất này tuồn vào tay kẻ xấu, để đóng chai, đóng lọ thành các loại rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc để người dân uống phải. Không chỉ có thể, cồn công nghiệp methanol còn được đóng vào chai làm cồn sát trùng y tế, người dân cứ nghĩ cồn dùng trong y tế là an toàn nên uống được.
'Ở các nước phát triển vấn đề quản lý cồn công nghiệp methanol rất rõ ràng, chặt chẽ. Tất cả các sản phẩm này người bình thường không thể tiếp cận được. Người ta đóng chai lọ có chất chỉ thị màu và hướng dẫn sử dụng rõ ràng. Nếu ai đó có ý định uống để thay rượu vì nghiện rượu quá mức thì khi người nhà phát hiện ra cũng biết ngay đó là hóa chất không dùng để uống và sẽ đưa bệnh nhân đến viện cấp cứu ngay những giờ đầu tiên sau khi uống. Khi đó tiên lượng sẽ tốt hơn rất nhiều so với các trường hợp đến viện muộn như ở nước ta'- TS. Nguyên chỉ rõ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!