Ngoài tiếp viên làm lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng ở TP HCM, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm?
Trả lời phóng viên, Luật sư Nguyễn Thị Điển - Công ty Luật HTC Việt Nam - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã có những phân tích dưới góc độ pháp lý về trách nhiệm của tiếp viên hàng không (BN 1342) cũng như các bên liên quan khi không tuân thủ nghiêm cách ly để lây lan dịch bệnh.
Liên quan đến diễn biến mới nhất về dịch Covid- 19 tại TP Hồ Chí Minh, địa phương ghi nhận 3 ca mắc Covid- 19, trong đó có 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng, chiều 1/12, Thường trực Chính phủ nghe Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 báo cáo tình hình và các biện pháp phòng chống. Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tình hình dịch bệnh Covid-19 là nghiêm trọng, đòi hỏi cần có biện pháp mạnh hơn để ngăn ngừa. Tôi yêu cầu làm rõ trách nhiệm về việc lây nhiễm này.
Xin luật sư cho biết trong sự việc này, cá nhân nào, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm?
Luật sư Nguyễn Thị Điển: Đầu tiên là tiếp viên hàng không, tiếp đến là người đứng đầu khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý và chủ nhà trọ, UBND phường nơi tiếp viên này cư ngụ…
Trước tiên, chúng ta nói đến trách nhiệm của tiếp viên hàng không khi anh này không tuân thủ cách ly làm lây dịch ra cộng đồng. Theo luật sư, tiếp viên này sẽ chịu hành thức xử phạt như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thị Điển: Sau 2 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính, BN 1342 đã được về cách ly tại nhà trọ (P305, lầu 3, số 50 Bạch Đằng, phường 2 quận Tân Bình, TP HCM). Tuy nhiên, trong thời gian cách ly y tế, bệnh nhân 1342 đã vi phạm qui định về cách ly y tế tại nhà, đã tiếp xúc trực tiếp với 3 người gồm mẹ đẻ và 2 người bạn (1 nam, 1 nữ) kết quả là làm lây nhiễm bệnh cho người khác.
Với những vi phạm trên, thì tiếp viên có thể bị xử phạt hành chính theo qui định tại điểm b Khoản 1 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau:
'1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
...b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;'
Như vậy, nam tiếp viên không tuân thủ qui định cách ly y tế tại nhà để phòng chống dịch Covid – 19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, vì không tuân thủ cách ly y tế tại nhà dẫn đến việc lây nhiễm bệnh cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định tại BLHS 2015. Cụ thể:
Theo hướng dẫn tại Công văn 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid 19. Theo đó, nội dung hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự như sau:
Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện 'hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người' quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:
- Trốn khỏi nơi cách ly;
- Không tuân thủ quy định về cách ly;
- Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;
- Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Căn cứ theo qui định trên thì trường hợp bệnh nhân 1342 nếu vì không tuân thủ quy định cách ly tại nhà gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Khung hình phạt thấp nhất của tội này là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù từ 10 năm đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như luật sư đã phân tích ở trên, ngoài lỗi của tiếp viên hàng không có phần trách nhiệm của các bên liên quan. Xin luật sư có thể nói rõ hơn về những trường hợp này?
Luật sư Nguyễn Thị Điển: Bộ Y tế đã có hướng dẫn chỉ đạo về việc giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện cách ly tại các khu vực được chỉ định làm khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú; không để những người không có trách nhiệm vào các khu cách ly và yêu cầu người được cách ly thực hiện đúng các quy định, thường xuyên đeo khẩu trang và không được tiếp xúc gần với người xung quanh để tránh lây lan.
Tuy nhiên, bệnh nhân 1342 vi phạm nghiêm trọng về cách ly tập trung tại nhà, vẫn tiếp xúc với người nhà và người từ bên ngoài vào. Vậy trách nhiệm này sẽ thuộc về người đứng đầu khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý vì đã không thực hiện đúng qui định về cách ly khi cho về và không kêu gọi cách ly tập trung. Không thực hiện đúng qui định về quản lý và thực hiện giám sát y tế của tổ bay;
Ngoài ra, chủ cơ sở lưu trú nhà trọ cũng phải có trách nhiệm trong việc không thực hiện nghiêm qui định về cách ly; Ủy ban nhân dân Phường nơi bệnh nhân 1342 cư trú trú chưa thực hiện nghiêm túc kiểm tra, trách nhiệm của mình dẫn đến tình trạng lây nhiễm Covid -19.
Hiện tại, chưa có qui định cụ thể về việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức về việc thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống, thực hiện cách ly y tế. Do đó, sau khi xác minh được nguyên nhân lây nhiễm, cần phải kiểm điểm trách nhiệm, xử phạt đối với người quản lý cách ly của Vietnam Airlines, chủ nhà trọ, UBND phường và bệnh nhân 1342 khi để lây nhiễm cộng đồng.
Xin cảm ơn Luật sư !
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!