Giấc ngủ là nhu cầu sinh lý bình thường không thể thiếu được đối với cuộc sống hàng ngày của con người: khoảng 1/3 cuộc đời của chúng ta dành để ngủ. Sự rối loạn liên quan đến ngủ có thể kể đến: khó ngủ, mất ngủ, mơ ngủ, ác mộng, rối loạn hành vi và bệnh thần kinh… Theo nghiên cứu của Hiệp hội Y khoa về Giấc ngủ Hoa Kỳ (AAMS), khoảng 81 dấu chứng và bệnh lý trên cơ thể, liên quan với những rối loạn giấc ngủ.
Một trong những rối loạn thường gặp, gây hậu quả nặng nề nhất là ngáy và hội chứng ngưng thở khi ngủ (sleep apnea). Theo ghi nhận của y văn thế giới, ở độ tuổi 30, có 20% số nam giới và 5% số nữ giới ngủ ngáy. Tỉ lệ này tăng theo tuổi tác, ở độ tuổi 60 có 60% số nam giới và 40% số nữ giới ngủ ngáy, và có khoảng gần 1/3 trong số những người này có tắc nghẽn ngưng thở.
Hội chứng ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ thường gây ra:
Ngáy to gây ồn ào, ảnh hưởng tới người xung quanh.
Rối loạn giấc ngủ làm cho ngủ không ngon, tỉnh dậy bị mệt mỏi, nhức đầu, nặng đầu vùng gáy, làm việc không hiệu quả, khó tập trung, buồn ngủ và ngủ gật ban ngày, nguy hiểm, dễ gây tai nạn…
Ngáy và ngưng thở kéo dài, cơ thể bị thiếu oxy, tim phải làm việc nhiều hơn, gây bệnh tim mạch, cao huyết áp, tăng áp lực tuần hoàn phổi,dẫn tới suy tim phải, xơ phổi, tắc nghẽn phổi và suy hô hấp…
Ở trẻ em đang trong độ tuổi phát triển, ngáy - tắc nghẽn ngừng thở khi ngủ kéo dài, do phải há miệng dể thở gây ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng hàm mặt, biến dạng mặt, hô hàm, mũi tẹt…
Tất cả mọi người có ngủ ngáy, nghi ngờ có tắc nghẽn ngưng thở… đều cần đo đa ký giấc ngủ (polysomnography - PSG). Những người bị nghi có rối loạn giấc ngủ thường kèm các bệnh lý khác như: cao huyết áp, bệnh tim, bệnh phổi mạn tính, rối loạn chuyển hóa, thể trạng mập…
Quá trình đo đa ký giấc ngủ:
Khám nội soi đánh giác tình trạng hốc mũi, họng, thanh quản.
Đo đa ký: người bệnh sẽ được đo đa ký giấc ngủ từ 21 - 4g sáng hôm sau.
Bác sĩ tai mũi họng chuyên PSG phân tích, đọc kết quả và đề nghị hướng điều trị. Qua đó, bác sĩ có thể đánh giá về rối loạn giấc ngủ, điện tim - nhịp tim - oxy bão hòa máu, chỉ số ngưng thở - giảm thở AHI (bình thường - nhẹ - trung bình - nặng…), nguyên nhân gây ngưng thở - giảm thở (ngoại biên, trung ương, hỗn hợp…).
Điều trị:
Người bệnh chỉ có rối loạn giấc ngủ, ngáy và không kèm hội chứng ngưng thở: chuyển chuyên khoa nội thần kinh để điều trị rối loạn giấc ngủ.
Người bệnh có hội chứng ngưng thở, xử trí tùy theo mức độ và nguyên nhân. Nếu nguyên nhân do tắc nghẽn ngoại biên với AHI>30 tư vấn để phẫu thuật chỉnh hình màn hầu, lưỡi gà, kết hợp cắt amidan. Ở trẻ em thường cắt amidan + nạo VA.
Người bệnh có thể được tư vấn điều trị nội khoa, sử dụng dụng cụ hỗ trợ như thở CPAP hoặc BiPAP tùy thuộc vào nguyên nhân ngưng thở, mức độ và những người bệnh không muốn điều trị phẫu thuật.
Tắc nghẽn đường thở ngoại biên do viêm xoang, quá phát cuốn mũi, vẹo vách ngăn, VA quá phát, viêm amidan quá phát… Nhiều người phải đeo máy CPAP khi ngủ, sau khi được phẫu thuật điều trị các tật trên, kết hợp với ăn uống và vận động, bệnh nhân có thể không cần mang máy khi ngủ và cải thiện giấc ngủ, hết ngáy.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!