Ngưng thở khi ngủ là gì?

Sống khỏe mạnh - 11/28/2024

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một sự rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở từng lúc về đêm trong lúc ngủ.

Ngưng thở khi ngủ có thể dẫn tới thiếu oxy máu và liên quan đến ngủ ngày quá nhiều. Đây là tình trạng nội khoa thường gặp, nhưng không được nhận biết. Do đó không được chẩn đoán ở nhiều bệnh nhân người lớn. Theo ước tính, có 26% số người trưởng thành có nguy cơ cao bị hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Bình thường, đường hô hấp trên được nâng đỡ bởi các cấu trúc xương nhỏ và sụn bao quanh mũi, vùng hầu họng, giúp cho đường thở vẫn mở ra, không bị xẹp trong lúc ngủ, không khí vẫn lưu thông từ mũi và miệng vào trong phổi một cách dễ dàng. Tuy nhiên, đối với người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ, những thành phần mô mềm như lưỡi và sụn của vùng hầu họng, bị tụt vào trong đường thở. Điều này gây tắc nghẽn lưu lượng khí kết hợp với giảm tín hiệu thần kinh đến các cơ hô hấp trong lúc ngủ và do đó gây ra ngưng thở.

Ngưng thở khi ngủ là gì?

Ngưng thở khi ngủ có thể dẫn tới thiếu oxy máu và liên quan đến ngủ ngày quá nhiều (Ảnh minh họa: Internet)

Có 2 loại ngưng thở khi ngủ: ngưng thở trung ương và ngưng thở tắc nghẽn.

Ngưng thở trung ương: khi các tín hiệu thần kinh từ trung ương không dẫn truyền đến các cơ hô hấp, kết quả là không có gắng sức cử động của các cơ hô hấp và không có lưu lượng khí trao đổi ở phổi, mặc dù đường hô hấp vẫn mở ra đủ trong lúc ngủ, không bị xẹp hay tắc nghẽn.

Ngưng thở tắc nghẽn: gặp trong phần lớn các trường hợp, đây là hậu quả của lưu lượng không khí qua mũi và miệng đến phổi giảm hoặc mất do hẹp hoặc xẹp đường hô hấp trên.

Ngoài ra còn có kiểu ngưng thở khi ngủ hỗn hợp.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!