Giấc ngủ có ảnh hưởng gì đến bệnh tiểu đường tuýp 2?

Sơ cứu & Phòng ngừa - 03/29/2024

Một giấc ngủ đầy đủ sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp, sức đề kháng insulin, do đó có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2.

Một giấc ngủ đầy đủ sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp, sức đề kháng insulin, do đó có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2. Vậy bạn cần lưu ý gì về mối quan hệ giữa giấc ngủ và bệnh tiểu đường?

Chúng ta đều biết đối với người bị tiểu đường tuýp 2 thì chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có một vai trò quan trọng giúp điều trị bệnh. Nhiều người cũng thắc mắc liệu giấc ngủ có ảnh hưởng đến bệnh không? Theo các chuyên gia, chất lượng của giấc ngủ cũng tác động đến bệnh tiểu đường tuýp 2, bao gồm mức đường trong máu, huyết áp.

Giấc ngủ ảnh hưởng đến tiểu đường tuýp 2 như thế nào?

Cả chất lượng và thời gian giấc ngủ đều có một tác động nhất định đến bệnh tiểu đường. Theo các nghiên cứu, ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng xấu đến các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường tuýp 2 như:

  • Mức đường huyết (glucose)
  • Huyết áp
  • Mức cholesterol
  • Đề kháng insulin
  • Viêm
  • Mức năng lượng
  • Sức khỏe tổng thể

Thiếu ngủ ảnh hưởng đến khả năng cơ thể sử dụng glucose, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Những người mắc các vấn đề về giấc ngủ (như khó ngủ, ngủ ít hơn 5–6 tiếng hoặc nhiều hơn 9 tiếng) sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn.

Chất lượng giấc ngủ kém còn làm các biến chứng của bệnh đái tháo đường tuýp 2 phát triển hoặc nặng hơn. Theo các nghiên cứu, các biến chứng (như trọng lượng cơ thể, cholesterol, lượng insulin và đường huyết tăng cao cũng như bệnh thần kinh và bệnh tim mạch) có liên quan đến giấc ngủ bị gián đoạn.

Ngủ bao nhiêu là đủ?

Theo các chuyên gia, ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều có ảnh hưởng xấu đến bệnh đái tháo đường tuýp 2. Đặc biệt, những người mắc rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ, sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngủ đủ từ 6–9 tiếng mỗi đêm sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc đột quỵ. Ngủ từ 7–8 tiếng mỗi ngày sẽ giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2. Theo một nghiên cứu, nam giới ngủ quá ít hoặc quá nhiều sẽ có lượng đường trong máu cao đồng thời có thể bị suy giảm khả năng xử lý đường trong cơ thể.

Giấc ngủ có ảnh hưởng gì đến bệnh tiểu đường tuýp 2?

Mẹo giúp bạn ngủ ngon

Ngủ đúng giờ. Bạn nên đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời gian mỗi ngày. Bạn cần đảm bảo giấc ngủ của mình phải đủ từ 7–8 tiếng. Nếu không thể quen với việc dậy đúng giờ, bạn cần đặt đồng hồ báo thức.

Chuẩn bị không gian ngủ. Để có thể ngủ dễ dàng, bạn hãy để phòng thật thoáng mát, tắt đèn và không làm việc, ăn uống hay xem tivi trên giường. Hãy đảm bảo tất cả các thiết bị điện tử đều ở xa giường ngủ.

Thư giãn trước khi ngủ. Nếu chúng ta vẫn làm việc hoặc xem máy tính trước khi ngủ sẽ rất khó để bạn có thể ngủ ngay. Vì vậy, bạn nên thư giãn trước khi ngủ, như nghe nhạc giao hưởng hoặc đi tắm.

Không sử dụng các chất kích thích. Bạn nên tránh các chất kích thích như rượu, cà phê và nicotin. Đây là những chất sẽ làm bạn khó ngủ hơn.

Không nên ngủ khi đói hoặc no. Bạn không nên đi ngủ khi đói hoặc quá no. Tốt nhất bạn nên ăn vừa đủ vào buổi tối 2 tiếng trước khi ngủ.

Tập thể dục. Tập thể dục sẽ giúp bạn ngủ ngon giấc hơn. Thời gian tốt nhất để tập thể dục là vào buổi sáng hoặc trước bữa tối. Tuy nhiên, bạn lưu ý không tập thể dục trước lúc ngủ vì sẽ làm bạn tỉnh táo.

Thuốc. Nếu bạn đã thực một chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh nhưng vẫn không thể có giấc ngủ ngon, hãy đến gặp bác sĩ. Lúc này, bạn có thể được chỉ định một số loại thuốc để hỗ trợ giấc ngủ.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • 7 loại thực phẩm người tiểu đường nên tránh xa
  • 4 điều bạn thường lầm tưởng về tiểu đường tuýp 2
  • Bật mí mối quan hệ giữa mật ong và bệnh tiểu đường

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!