Mất ngủ, ngủ ngáy và hàng loạt những “hiểm họa” khác trong giấc ngủ của con không phải mẹ nào cũng nghĩ tới

Làm mẹ - 11/24/2024

Cũng giống như người lớn, trẻ có thể ngủ ngáy, mộng du và gặp nhiều vấn đề khác liên quan đến giấc ngủ nữa cha mẹ cần lưu ý.

Angela Lim, hướng dẫn viên thể dục 35 tuổi hiện đang sinh sống tại đất nước Singapore xinh đẹp, mẹ của 1 cậu con trai đáng yêu tên là Joshua, 4 tuổi. Cô kể lại trường hợp của con trai mình bị mộng du khiến cả gia đình hoảng sợ.

Đêm đó khi đang ngủ thì cô bỗng nghe tiếng như ai đó đang cố gắng mở cửa phòng mình. Thoáng chút sợ hãi, bà mẹ trẻ liền dậy để xem có chuyện gì thì phát hiện bé Joshua đứng ngoài cửa, con bị mộng du và hoàn toàn không hay biết gì.

Mất ngủ, ngủ ngáy và hàng loạt những “hiểm họa” khác trong giấc ngủ của con không phải mẹ nào cũng nghĩ tới

Trẻ hoàn toàn có thể gặp các vấn đề với giấc ngủ của mình như nghiến răng, mộng du, ngủ ngáy (Ảnh minh họa)

Lim cho hay trước đây con trai cô thường hay tỉnh giấc và la hét, có lần thì ngồi dậy, trèo ra khỏi giường và nằm dưới đất, và bây giờ là chứng mộng du khiến cô rất lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn của con. Bác sĩ Mahesh Babu Ramamurthy, Trưởng khoa Nhi và là cố vấn cấp cao Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore cho hay tại Singapore, có tới 44% trẻ dưới 3 tuổi đang gặp các vấn đề liên quan tới giấc ngủ.

Cũng giống như người lớn, trẻ có thể gặp các vấn đề về giấc ngủ cụ thể sau đây:

1. Mất ngủ

Trẻ hoàn toàn có thể bị khó ngủ, mất ngủ như người lớn. Nguyên nhân ngắn hạn thường do trẻ bị ốm hoặc đang uống thuốc. Hiện tượng trẻ mất ngủ trong thời gian dài từ 1 tháng trở lên, thì có thể do các yếu tố như trầm cảm, lo lắng, đau đớn và các vấn đề y tế khác. Ngoài ra, trẻ sợ bóng tối, hay lo lắng hoặc hay tưởng tượng (quái vật) cũng sẽ khó ngủ hơn.

Mất ngủ, ngủ ngáy và hàng loạt những “hiểm họa” khác trong giấc ngủ của con không phải mẹ nào cũng nghĩ tới

Hiện tượng mất ngủ, khó ngủ cũng có thể gặp ở trẻ nhỏ vì một số nguyên nhân (Ảnh minh họa)

2. Ngủ ngáy

Ngủ ngáy là hiện tượng không quá xa lạ, nguyên nhân do sự tắc nghẽn trong đường thở khi luồng không khí đi qua miệng và mũi hoặc do tư thế ngủ không tốt. Trẻ ngủ ngáy còn có thể do sự kết hợp một số yếu tố khác như tắc nghẽn đường thở mũi, trương lực cơ kém ở cổ họng và lưỡi, mô họng khấp khểnh, amidan lớn… Trẻ ngủ ngáy có thể vô hại nhưng cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém.

3. Ngưng thở khi ngủ

Hiện tượng ngưng thở khi ngủ xảy ra khi lưỡi, amidan hoặc các mô khác ở phía sau họng chặn làm tắc nghẽn đường thở của trẻ. Khi trẻ cố gắng hít vào, không khí không thể đi qua và bị tắc lại. Trẻ sẽ ngáy ngủ rất to, thậm chí ngưng thở tạm thời và thở rất gấp sau khi thở lại được.

Trẻ mắc chứng này phải đối mặt với hai vấn đề - không ngủ đủ giấc do thường xuyên bị gián đoạn; nguy cơ liên quan đến huyết áp và các vấn đề về tim do nồng độ oxy giảm trong khi ngủ. Điều này có thể làm hạn chế sự phát triển của trẻ, gây ảnh hưởng tới trí nhớ và các hoạt động học tập sau này.

Mất ngủ, ngủ ngáy và hàng loạt những “hiểm họa” khác trong giấc ngủ của con không phải mẹ nào cũng nghĩ tới

Tắc nghẽn đường thở khiến trẻ ngủ ngáy, ngưng thở tạm thời trong lúc ngủ (Ảnh minh họa)

4. Mộng du

Trẻ bị mộng du cũng khá phổ biến, và thường vượt qua rối loạn này khi đến tuổi vị thành niên. Khi trẻ bị mộng du, trẻ có thể bị ngã ra khỏi giường do đi lại trong vô thức, vấp phải vật cản như dây điện, mắc vào đồ đạc, thậm chí trẻ có thể mở cửa và đi ra khỏi nhà. Để ngăn ngừa té ngã, cha mẹ không nên cho trẻ ngủ trên giường tầng, khóa kĩ các cửa ra vào và cửa sổ, loại bỏ chướng ngại vật trong nhà và để các vật nguy hiểm xa tầm với của trẻ.

5. Nghiến răng

Khi trẻ ngủ sâu hoặc trẻ lo lắng, căng thẳng thì sẽ có hiện tượng nghiến răng. Ngoài ra, những cơn đau tai, đau do mọc răng cũng khiến trẻ nghiến răng khi ngủ. Hầu hết các trường hợp nghiến răng đều vô hại và tự khỏi theo thời gian.

Mất ngủ, ngủ ngáy và hàng loạt những “hiểm họa” khác trong giấc ngủ của con không phải mẹ nào cũng nghĩ tới

Hiện tượng nghiến răng sẽ qua khỏi khi trẻ lớn dần (Ảnh minh họa)

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rối loạn giấc ngủ như chứng mộng du có thể xảy ra trong gia đình. Trẻ mất ngủ, gặp ác mộng có thể do trẻ lo lắng hoặc sợ hãi điều gì đó. Trẻ béo phì có nhiều khả năng bị ngưng thở khi ngủ do quai hàm nhỏ hoặc các đặc điểm khác trên khuôn mặt ảnh hưởng đến hơi thở của trẻ như hở vòm miệng, lưỡi lớn.

Bác sĩ Mahesh lưu ý các bậc cha mẹ, trẻ mộng du có thể chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và không cần trị liệu, nhưng nếu trẻ ngáy to thì nên đi khám bác sĩ. Trẻ có vấn đề về giấc ngủ nhưng mức độ nhẹ có thể được chỉ định dùng thuốc xịt mũi, trong khi những trẻ có vấn đề từ trung bình đến nặng đôi khi sẽ cần tiểu phẫu chẳng hạn như cắt, nạo amidan. Điều quan trọng là cha mẹ cần chú ý những biểu hiện của con, không chỉ quan sát biểu hiện bên ngoài mà còn cả những vấn đề tâm lý mà con đang gặp phải để giúp con tháo gỡ và có giấc ngủ đảm bảo hơn.

Nguồn: Parent

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!