Người bệnh đái tháo đường nên ăn uống thế nào?

Người bệnh ăn gì - 11/24/2024

Đối với người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong điều trị bệnh, những trường hợp mới mắc, mức độ nhẹ chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng và tập luyện có thể ổn định được đường huyết mà chưa phải dùng đến thuốc điều trị.

Nhu cầu các chất dinh dưỡng trong bệnh đái tháo đường

Chất bột đường (glucid): Tỷ lệ chất bột đường theo khuyến nghị chiếm 55-60% tổng số năng lượng.

Tỷ lệ chất bột đường ở phụ nữ mang thai mắc ĐTĐ cần hạ thấp hơn khuyến nghị trên, chỉ ở mức 50-55%; Nên sử dụng loại chất bột đường phức hợp như gạo giã dối, gạo lứt/gạo lật, gạo lật nảy mầm, khoai củ để hạn chế gây tăng đường huyết nhanh sau khi ăn và lớp vỏ của các loại chất bột đường này có chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ có lợi cho sức khỏe; Nên hạn chế tối đa loại đường hấp thu nhanh như đường mía, mật mía, mật ong, các loại bánh kẹo, nước ngọt có ga, mứt, quả khô...; Nên lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, hạn chế các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.

Chất đạm (protid): Năng lượng do chất đạm cung cấp ở bệnh nhân ĐTĐ chỉ nên chiếm từ 14-20% tổng năng lượng. Lượng protein cung cấp trung bình 1-1,2g/kg. Chú ý sự cân đối giữa protein nguồn gốc động vật và thực vật; Chú ý nhu cầu đạm cần nhiều hơn ở phụ nữ mang thai và cho con bú; Các thực phẩm giàu protein nguồn gốc động vật nên lựa chọn như cá, thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da.

Không nên ăn quá nhiều thịt đỏ, phủ tạng các loại gia súc, gia cầm để hạn chế acid béo no và cholesterol; Thực phẩm giàu protein nguồn gốc thực vật nên chọn đậu nành và các loại đậu khác như đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen...; Hạn chế tối đa đồ hộp, patê, xúc xích... do có nhiều năng lượng, chất béo và nhiều muối; Cần giảm bớt chất đạm khi bệnh nhân có tình trạng suy thận, bệnh gout, hay acid uric máu tăng.

Chất béo (lipid): Tỷ lệ chất béo không nên quá 20-25% tổng số năng lượng, trong đó tỷ lệ các chất béo no nên dưới 10%, phần còn lại là chất béo không no một nối đôi và nhiều nối đôi. Chế độ ăn nên ít cholesterol (nên dưới 300mg/ngày).

Cholesterol có nhiều trong các loại phủ tạng động vật. Acid béo no có nhiều trong mỡ và da các loại gia súc gia cầm, bơ, sữa và các sản phẩm từ sữa. Acid béo không no có nhiều trong cá béo, dầu đậu nành, dầu bắp, dầu hướng dương, dầu hạt cải.

Người bệnh đái tháo đường nên ăn uống thế nào?Các loại đậu tốt cho người bệnh đái tháo đường.

Bệnh nhân ĐTĐ cũng cần hạn chế sử dụng acid béo chuyển hóa (transfat) vì làm tăng LDL cholesterol, giảm HDL cholesterol huyết tương. Acid béo chuyển hóa có nhiều trong bánh quy, bánh rán, quẩy, các loại thức ăn nhanh khác như khoai tây chiên, gà rán...

Vitamin và các khoáng chất: Nhu cầu các vitamin và các khoáng chất ở bệnh nhân ĐTĐ tương đương người bình thường. Trường hợp kiêng khem quá mức hoặc ở bệnh nhân lớn tuổi sẽ dễ dẫn đến bị thiếu một số vi chất như sắt, kẽm, iod, calci và vitamin tan trong dầu như vitamin D, A, E,...

Chất xơ: Vai trò của các chất xơ là kéo dài thời gian hấp thu glucose tại ống tiêu hóa nên giảm việc tăng nhanh glucose máu sau khi ăn. Các chất xơ còn có tác dụng giảm hấp thu cholesterol, chống táo bón, cải thiện hoạt động bài tiết, có hiệu quả phòng chống ung thư đại tràng. Chất xơ có nhiều trong vỏ lụa của hạt gạo, bánh mì đen, rau, trái cây chín... Lượng chất xơ khuyến nghị cho người ĐTĐ là 20-30g/ngày hoặc 14 - 20g/1.000 Kcal.

Muối ăn (Nacl): Người bệnh ĐTĐ là đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc bệnh tăng huyết áp, do đó cần giảm lượng muối trong khẩu phần để phòng ngừa tăng huyết áp. Nếu chưa bị tăng huyết áp, không nên dùng quá 5g muối/ngày; nếu đã bị tăng huyết áp nên hạn chế 2 - 4g muối/ngày.

Những điểm bệnh nhân cần chú ý trong dinh dưỡng

Cách phân chia bữa ăn: Duy trì bữa ăn đúng giờ và phân chia bữa ăn hợp lý có vai trò quan trọng trong hỗ trợ cơ thể ổn định đường huyết. Người bệnh cần duy trì các bữa ăn hàng ngày với một lượng thức ăn, lượng chất bột đường ổn định như nhau. Bệnh nhân cần được hướng dẫn cụ thể để áp dụng đúng quy tắc ăn 3 bữa chính và 1 đến 2 bữa ăn phụ xen vào các bữa ăn chính với đầy đủ chất dinh dưỡng.

Nếu ăn 5 bữa, năng lượng mỗi bữa ăn như sau: Bữa sáng: 20%; bữa phụ buổi sáng: 10%; bữa trưa: 30%; bữa tối: 30%; bữa phụ vào chiều hoặc buổi tối: 10%.

Nếu ăn 4 bữa, năng lượng mỗi bữa ăn như sau: Bữa sáng: 25%; bữa trưa: 35%; bữa tối: 30%; bữa phụ vào buổi tối: 10%.

Bệnh nhân nên: Nên ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau mỗi ngày để cung cấp được đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể: 15-20 loại thực phẩm mỗi ngày; Nên ăn 3 bữa ăn chính và 1-2 bữa phụ và ăn đúng giờ để không làm tăng đường máu quá nhiều sau khi ăn và hạ đường máu quá nhiều lúc cách xa bữa ăn; Nên thay đổi các món ăn: đậu hũ (đậu phụ), cá, tôm, tép, thịt nạc, gia cầm...; Nên chế biến món ăn dạng luộc, hấp, nấu canh; Nên sử dụng sữa không đường, thấp béo hoặc không béo, sữa dành riêng cho người ĐTĐ, các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho người bệnh ĐTĐ (bánh quy, bánh hura, bột dinh dưỡng...); Bữa chính phải ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính, đa dạng thực phẩm trong mỗi nhóm; Bữa phụ chỉ ăn những thức ăn nhẹ, ít năng lượng, ít gây tăng đường huyết như trái cây, sữa, khoai củ, ngô, lạc luộc..., những sản phẩm chế biến chuyên biệt cho bệnh nhân ĐTĐ; Người bệnh ĐTĐ đang tiêm insulin nên dùng thêm 1 bữa nhỏ vào buổi tối trước khi ngủ.

Hạn chế ăn: Hạn chế ăn các thực phẩm gây tăng đường huyết nhiều và nhanh; Hạn chế ăn các thực phẩm nhiều chất béo vì gây tăng mỡ máu và béo phì; Hạn chế các chế biến món ăn kiểu chiên ngập dầu mỡ, quay, nướng, xay nhuyễn, tán nhuyễn: Nem (chả giò), thịt quay, bắp nướng, khoai tây nghiền...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!