Chiều 17-12, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khẳng định, để phòng ngừa các bệnh lý cũng như tác hại do ô nhiễm không khí gây ra, mỗi người dân cần nắm được thông tin về mức độ an toàn trong không khí để có kế hoạch phòng vệ cho bản thân.
Trong những ngày có cảnh báo về ô nhiễm không khí, những đối tượng, như: Trẻ em, phụ nữ có thai, người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính… nên hạn chế ra đường hay tham gia các hoạt động ngoài trời. Người hút thuốc lá, ngoài việc vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày, nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá.
Còn theo PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, một số nghiên cứu cho thấy, bà mẹ mang thai sống trong môi trường không khí ô nhiễm có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi, như: Chậm phát triển, sinh non, có thể thai lưu... Thậm chí, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bệnh ung thư.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đối với cơ thể con người còn tùy thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc trong môi trường ô nhiễm. Do đó, người dân không nên quá lo lắng và có thể phòng tránh trong những thời điểm ô nhiễm không khí, như hạn chế ra ngoài, dùng khẩu trang, chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng.
* Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội trong ngày 17-12, tình hình tổ chức dạy, học và các hoạt động giáo dục vẫn diễn ra bình thường. Những thông tin về việc không khí Hà Nội ô nhiễm không ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà trường.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết: Các trường học trên địa bàn thành phố hiện vẫn hoạt động ổn định, tình hình sức khỏe của học sinh bình thường. Trong tháng 11 và 12, nhiều trường đã tổ chức khám sức khỏe cho học sinh và chưa phát hiện có trường hợp bất thường nào.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!