Người lớn hãy lưu ý nếu trẻ có dấu hiệu mất thính giác

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/26/2024

Mất thính giác là tình trạng phổ biến có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bao gồm trẻ nhỏ. Hãy cùng bài viết sau tìm hiểu rõ hơn tình trạng này nhé.

Thính giác ở trẻ em đặc biệt rất nhạy cảm, dễ bị tác động bởi các yếu bên ngoài, dẫn đến tình trạng mất thính giác. Vậy những dấu hiệu nào để nhận biết tình trạng mất thính lực ở trẻ nhỏ và cách để ngăn ngừa bệnh?

Thính giác là một trong những phần quan trọng giúp trẻ phát triển một cách bình thường. Tuy nhiên, nếu không thể học nghe nói dễ dàng, thậm chí không thể nhận biết âm thanh xung quanh mình, thì có thể trẻ đã bị mắc chứng mất thính giác. Tình trạng này thường do bẩm sinh hoặc do các tác động của môi trường bên ngoài như tiếng ồn. Hãy cùng bài viết sau tìm hiểu rõ hơn nhé.

Dấu hiệu của chứng mất thính lực ở trẻ nhỏ

Bạn nên cân nhắc tới gặp bác sĩ nếu bạn nhận thấy ở trẻ có những dấu hiệu sau:

  • Trẻ không bị giật mình bởi tiếng ồn lớn
  • Trẻ dưới 4 tháng tuổi nhưng không bị thu hút bởi bất kỳ nguồn âm thanh nào
  • Khi đã được một tuổi, bé vẫn không biết nói
  • Nhận ra người khác nhờ nhìn thấy chứ không phải do giọng nói của họ
  • Chỉ nghe được một âm thanh, khó nghe nhiều âm thanh khác nhau.

Ngoài ra, khi trẻ biết nói, bạn nên cho bé đi khám bệnh kịp thời nếu bạn nhận thấy bé có những dấu hiệu sau:

  • Bé thường không nghe được rõ ràng khi mọi người nói chuyện
  • Bé thường yêu cầu bạn lặp lại hoặc bé trả lời không liên quan đến vấn đề được hỏi
  • Bé không trả lời khi bạn gọi
  • Bé thường nói chuyện lớn tiếng hoặc thường bật âm lượng của ti vi rất lớn so với mức độ bình thường
  • Bé học hỏi bằng việc nhìn người khác và làm theo vì không thể nghe thấy gì.

Ngăn ngừa tình trạng mất thính giác

Tai có cấu trúc mỏng manh và dễ bị tổn thương nên chúng ta có thể bị mất thính giác bất cứ lúc nào nếu không có những biện pháp phòng ngừa. Nguy cơ mất thính giác do tiếng ồn lớn phụ thuộc vào mức độ tiếng ồn và thời gian bạn tiếp xúc với chúng. Các chuyên gia cho rằng việc tiếp xúc với tiếng ồn ở mức cao hơn 85dB (tương tự như tiếng máy cắt cỏ hoặc tiếng ồn lớn) theo thời gian có thể gây ra mất thính giác.

Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ mất thính giác gây ra do tiếng ồn nếu tuân thủ những điều sau đây:

  • Bạn không xem tivi, nghe radio hoặc nghe nhạc quá to. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có con nhỏ trong nhà vì tai của trẻ nhạy cảm hơn người lớn;
  • Bạn cũng nên hạn chế nghe nhạc bằng tai nghe. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng tai nghe để ngăn chặn tiếng ồn bên ngoài, thay vì tăng âm lượng. Bạn có thể mua các phụ kiện bổ sung cho tai nghe để ngăn không cho tai tiếp xúc nhiều tiếng ồn hoặc cách ly với tiếng ồn bên ngoài;
  • Sử dụng thiết bị bảo vệ tai như đệm tai hoặc nút tai nếu bạn làm việc trong môi trường ồn ào, chẳng hạn như quán rượu, câu lạc bộ đêm, nhà xưởng hoặc ở công trường xây dựng. Điều quan trọng là bạn nên sử dụng tai nghe một cách hợp lý để đạt lợi ích tối đa từ chúng;
  • Bạn nên sử dụng thiết bị bảo vệ tai trong các buổi hòa nhạc lớn và các sự kiện khác, nơi có mức độ tiếng ồn cao;
  • Không để trẻ em chèn vật lạ vào tai như ngón tay, bông ngoáy tai, bông len;

Khi bạn thấy hơi khó nghe hoặc có dấu hiệu lạ ở tai thì đừng chủ quan mà hãy dành chút thời gian đến bệnh viện kiểm tra ngay để tránh tình trạng mất thính lực vĩnh viễn bạn nhé. Bạn cũng không nên lo lắng vì hiện nay đã có những phương pháp cải thiện tình trạng mất thính giác.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Khám phá thính giác trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi
  • Đeo tai nghe ảnh hưởng đến thính giác của trẻ nhỏ

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!