Mất thính giác: Nguyên nhân và triệu chứng

Sơ cứu & Phòng ngừa - 11/24/2024

Mất thính giác là tình trạng mà khả năng nghe của một người dần kém đi. Nếu không được chữa trị kịp thời, bạn sẽ mất đi thính lực vĩnh viễn.

Mất thính giác là tình trạng mà khả năng nghe của một người kém đi mỗi ngày. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bạn có thể sẽ mất đi thính lực vĩnh viễn.

Dần mất thính lực là một vấn đề phổ biến thường xảy ra khi càng lớn tuổi hoặc do tiếp xúc nhiều với tiếng ồn. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh này nhé.

Tình trạng mất thính giác xảy ra như thế nào?

Mất thính giác là kết quả của việc các tín hiệu âm thanh không thể truyền đến não. Mất thính giác chia làm hai loại chính:

  • Mất thính giác cảm giác: Tình trạng này xảy ra do sự tổn thương các tế bào lông nhạy cảm ở tai trong hoặc dây thần kinh thính giác. Ngoài ra, bệnh còn thường xảy ra khi lớn tuổi hoặc do thương tích ở tai;
  • Mất thính giác dẫn truyền:Hiện tượng này xảy ra khi âm thanh không thể đi từ tai ngoài vào tai trong của bạn, thường do tắc nghẽn ráy tai hoặc dịch tai. Ngoài ra, sự tích tụ của chất lỏng khi bị nhiễm trùng tai, thủng màng nhĩ hay xương tai bị tổn thương cũng là các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng bệnh này.

Bạn có thể gặp cả hai loại triệu chứng mất thính giác trên. Những trường hợp như vậy được gọi là sự mất thính lực hỗn hợp. Một số người sinh ra đã mất thính giác, tuy nhiên trường hợp mất thính giác khi lớn lên chiếm tỷ lệ nhiều hơn.

Nguyên nhân mất thính giác

Tuổi tác

Tuổi tác là nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng mất thính giác. Tình trạng thính giác kém đi do tuổi già được gọi là bệnh lãng tai. Thông thường, chúng ta sẽ bắt đầu nghe kém từ khoảng 40 tuổi. Vào tuổi 80, hầu hết mọi người đều có vấn đề về thính giác, cảm thấy khó nghe những âm thanh với tần số cao như tiếng nói của phụ nữ hoặc trẻ em.

Âm thanh ồn ào

Nguyên nhân phổ biến khác của việc mất thính giác là do tổn thương tai khi tiếp xúc nhiều với tiếng ồn lớn. Những tiếng ồn có thể phá hủy các tế bào lông nhạy cảm bên trong ốc tai, khiến thính lực của bạn dần mất đi.

Bạn đang có nguy cơ cao mắc chứng mất thính giác do tiếng ồn nếu bạn:

  • Làm việc với thiết bị ồn ào như máy khoan khí nén hoặc búa nén;
  • Làm việc trong môi trường với tiếng nhạc lớn, chẳng hạn như câu lạc bộ đêm;
  • Thường xuyên nghe nhạc ở mức âm lượng lớn bằng tai nghe;

Tình trạng mất thính giác cũng có thể xảy ra sau khi bạn tiếp xúc với một tiếng ồn lớn như một vụ nổ. Điều này được gọi là chấn thương do âm thanh.

Ngoài ra, mất thính giác cũng có thể do các yếu tố khác gây nên như:

  • Di truyền: một số người có thể bị điếc bẩm sinh hoặc trở nên điếc theo thời gian vì yếu tố di truyền;
  • Nhiễm virus ở tai trong, chẳng hạn như bệnh quai bị hoặc sởi;
  • Nhiễm virus của dây thần kinh thính giác như bệnh quai bị hoặc rubella;
  • Bệnh Meniere: khi mắc bệnh, bạn sẽ có những biểu hiện như chóng mặt, mất thính giác, ù tai và cảm giác tắc nghẽn trong tai;
  • U dây thần kinh thính giác: đây là tình trạng mà các khối u lành tính phát triển trên hoặc gần dây thần kinh thính giác;
  • Viêm màng não: xảy ra khi màng bảo vệ bao quanh não và tủy sống bị nhiễm trùng;
  • Bệnh đa xơ cứng: hưởng đến hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống), gây ra hiện tượng mất thính lực;
  • Chấn thương đầu;
  • Tai bị dị dạng;
  • Đột quỵ: tình trạng này làm cho nguồn cung cấp máu cho não bị mất đi hoặc gián đoạn, gây mất thính lực;
  • Thủng màng nhĩ: màng nhĩ bị rách hoặc có thủng một lỗ;
  • Chứng xơ cứng tai: sự phát triển bất thường của các xương ở tai giữa làm chúng ít hoạt động và kém hiệu quả khi truyền âm thanh;
  • Tổn thương xương tai do thương tích hoặc tình trạng cholesteatoma (bệnh tai lạ mà có sự hình thành nang da hình vú ở tai giữa);
  • Sưng quanh ống thính giác do phẫu thuật hàm hoặc xạ trị ung thư mũi và xoang;
  • Rối loạn chức năng ống thính giác;
  • Có vật lạ ở trong tai.

Triệu chứng

Mất thính giác xảy ra đột ngột và dần dần. Do đó, bạn sẽ không thể nhận biết bệnh ngay lúc đầu.

Bạn có thể nhận biết dấu hiệu của bệnh mất thính giác khi:

  • Khó nghe rõ ràng những gì người khác nói và hiểu nhầm ý họ nói, đặc biệt là khi làm việc nhóm;
  • Yêu cầu mọi người lặp lại điều họ vừa nói nhiều lần;
  • Nghe nhạc hoặc xem truyền hình với âm lượng cao hơn mức bình thường;
  • Khó nghe thấy tiếng điện thoại hoặc chuông cửa;
  • Khó khăn để tìm hướng phát ra tiếng ồn;
  • Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi hoặc căng thẳng, khó tập trung khi lắng nghe;
  • Thường xuyên nghe thấy tiếng ồn, tiếng ù và tiếng huýt sáo trong tai.

Do đó, nếu gặp những dấu hiệu của bệnh như đau tai hay ù tai, bạn phải đến bệnh viện kiểm tra tai càng sớm càng tốt để có thể chữa bệnh kịp thời và tránh mất đi thính lực vĩnh viễn.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Bé có nguy cơ cao nhiễm trùng tai do khói thuốc lá
  • Thính lực bị giảm do đâu?
  • Mất thính giác do biến chứng bệnh tiểu đường

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!