Bé gái 2 tuổi mắc nhiễm trùng tai, thủng màng nhĩ do mẹ quá chủ quan nghĩ con không sao
Việc phòng tránh tai nạn cho trẻ nhỏ có lẽ là điều mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng rất quan tâm và lo lắng. Mới đây 1 trường hợp bé gái bị thủng màng nhĩ lại gửi đi thông điệp cảnh báo tới các bậc phụ huynh về những tai nạn mà bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể gặp phải.
Bé Yaoyao 2 tuổi bị viêm tai dẫn tới thủng màng nhĩ mà mẹ bé không hề hay biết (Ảnh minh họa).
Người mẹ có nickname Chen Lei, hiện đang sinh sống tại Trung Quốc vẫn không khỏi bàng hoàng khi kể lại câu chuyện của cô con gái nhỏ YaoYao 2 tuổi. “Trong một lần đưa con đi chơi công viên, tôi phát hiện con liên tục lấy tay kéo tai phải, rồi dùng ngón tay đưa vào bên trong tai với vẻ mặt khó chịu. Ngày hôm sau, tôi đưa bé đi khám và bác sĩ kết luận tai bé chỉ hơi ửng đỏ 1 chút thôi, không có vấn đề gì đáng ngại, cũng không cần kê kháng sinh điều trị. Tôi yên tâm và đưa con về nhà như bình thường”.
Nhưng thật không may, tình hình của bé YaoYao không mấy cải thiện, tuy bé không quấy khóc, bám mẹ nhưng cũng không chơi đùa như mọi ngày. “Con bé vốn dĩ ngủ khá ngoan, có thể ngủ thẳng một mạch tới sáng từ khi 1 tuổi, nhưng đêm đó con đã thức giấc và khóc to rồi lại chìm vào giấc ngủ. Tôi có kiểm tra lại tai con xem có bị sưng tấy gì không, nhưng tôi không thấy có gì bất thường nên vẫn bỏ qua và tin vào lời bác sĩ đã nói”, bà mẹ tiếp tục chia sẻ.
Và sự việc bất ngờ xảy ra vào sáng sớm hôm sau, bé gái đột ngột thức dậy, la hét và khóc thật to, tỏ vẻ rất đau đớn. Người mẹ đã vô cùng hốt hoảng vì không thấy người con có dấu hiệu bị thương ở đâu. “Tôi hoảng sợ không biết con bị làm sao. Khi nhìn vào cũi chỗ con nằm thì tôi phát hiện có dịch màu nâu đỏ dính ở đó. Nhìn vào tai con thì thấy có dịch màu đỏ chảy ra'. Đưa con đi khám, những lời của bác sĩ làm người mẹ choáng váng, hóa ra tai con đã bị thủng màng nhĩ – lớp màng ngăn giữa ống tai ngoài và tai trong. Màng nhĩ bị thủng do mủ bên trong tai ứ đọng lâu ngày rồi vỡ và chảy ra ngoài ống tai kèm máu và gây đau đớn cho bé.
Sau khi màng nhĩ bị rách, dịch mủ sẽ chảy ra ngoài ống tai của bé (Ảnh minh họa).
Sau khi mủ vỡ, bé gái được kê đơn kháng sinh uống trong 10 ngày kèm thuốc giảm đau. Thật may là màng nhĩ của bé đã lành lại chỉ sau 1 thời gian ngắn, các triệu chứng đau tai của bé đã giảm đáng kể. Điều đáng nói ở đây đó là cảm giác có lỗi của người mẹ, mặc dù đã nghi ngờ con gặp vấn đề với đôi tai, bé không hoạt bát như mọi ngày, nhưng sau đó người mẹ đã bỏ qua tất cả và yên tâm khi bác sĩ nói không có gì đáng lo.
Trên thực tế, những biểu hiện khó chịu ban đầu của cô bé khi người mẹ phát hiện ở công viên là giai đoạn đầu của nhiễm trùng tai. Khi mẹ bé đưa bé đến gặp bác sĩ lần đầu tiên thì bệnh này vẫn chưa phát triển đầy đủ. Và sự việc vỡ mủ, thủng màng nhĩ xảy ra vì nhiễm trùng không được điều trị kịp thời, mủ bị ứ đọng lâu ngày nên dẫn đến tình “tức nước vỡ bờ” như người mẹ đã chia sẻ trong câu chuyện trên. Một khi khối mủ trong tai bị ứ đầy, chỉ trong vài giờ, nó sẽ gây ra áp lực rất lớn vào màng tai trong và mủ vỡ ra là hậu quả tất yếu.
“Vẫn biết những điều bác sĩ nói là theo đúng quy trình phát triển của bệnh, nhưng tôi thực sự vẫn cảm thấy có lỗi với con bé. Thông qua sự việc này, tôi đã học 1 bài học lớn đó là hãy tin tưởng vào bản thân mình nhiều hơn. Linh tính đã mách bảo tôi có chuyện không lành với con, bản năng làm mẹ đã nhắc nhở tôi điều đó nhưng tôi lại quá chủ quan và bỏ qua để con tôi phải chịu đau đớn và trải qua những ngày tháng ủ bệnh đầy khó chịu. Nếu có lần sau, chắc chắn tôi sẽ đề nghị bác sĩ theo dõi tình hình của con và sẽ không chủ quan như vậy nữa”, người mẹ gửi lời nhắc nhở tới các bậc phụ huynh qua trường hợp của bé YaoYao.
Thủng màng nhĩ ở trẻ nhỏ - Hiện tượng không thể xem nhẹ
Màng nhĩ hay còn gọi là màng tai là một màng mỏng hình bầu dục, lõm ở giữa, nằm hơi nghiêng ra sau, ngăn cách hoàn toàn ống tai ngoài và tai giữa, bịt lên hòm tai như màng trống bịt vào tang trống.
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng thủng màng nhĩ ở trẻ nhỏ đó là trẻ bị viêm tai giữa, nhiễm trùng tai. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị thủng màng nhĩ do vật thể lạ đâm vào như là tăm bông, một số bé nghịch ngợm chọc que nhọn, bút vào tai.
Khi tai giữa bị viêm nhiễm, áp lực trong tai tăng lên và đẩy vào màng nhĩ. Khi áp lực này quá lớn có thể làm cho màng nhĩ bị thủng, vỡ ra. Màng nhĩ thủng, bé sẽ cảm thấy những cơn đau tai và áp lực trong tai bỗng dưng biến mất và mủ trong tai bắt đầu chảy ra ống tai ngoài thông qua lỗ thủng màng nhĩ. Nếu màng nhĩ bị rách, trẻ có thể gặp 1 số triệu chứng sau:
- Đột ngột đau tai hoặc giảm đau đột ngột.
- Tai có dịch chảy ra giống như mủ và máu kết hợp.
- Cảm giác như có tiếng ồn hoặc tiếng ù ù trong tai.
- Trẻ nghe kém hoặc mất hẳn thính lực.
- Quấy khóc, mệt mỏi.
Tự ý ngoáy tai cho bé có thể khiến tai bé bị tổn thương, đẩy ráy tai hoặc dị vật vào sâu bên trong hơn (Ảnh minh họa).
Thông thường, trẻ sẽ không cần phải điều trị đặc biệt cho màng nhĩ bị rách bởi phần lớn màng nhĩ rách sẽ tự lành lại trong vòng ba tháng. Nếu tình trạng viêm nhiễm tai vẫn còn thì bác sĩ sẽ kê cho bé thêm thuốc kháng sinh để điều trị triệt để. Nếu màng nhĩ bị vỡ gây đau đớn cho trẻ thì có thể dùng thuốc giảm đau không cần toa như acetaminophen hoặc ibuprofen. Ngoài ra, có một cách giảm đau bằng muối và 1 chiếc tất sạch sau đó làm nóng và chườm tai cho bé cũng được các mẹ truyền tay nhau áp dụng cho trẻ khá hiệu quả. Trong quá trình chờ màng nhĩ lành lại, cha mẹ lưu ý giữ cho tai của bé khô ráo, không được cho trẻ bơi lội hoặc để nước rớt vào tai, điều này sẽ khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Nếu cha mẹ muốn vệ sinh tai cho con thì nên đến cơ sở y tế và dùng các dụng cụ chuyên dụng thay vì tự ý ngoáy tai cho con (Ảnh minh họa).
Điều cha mẹ cần lưu ý để bảo vệ đôi tai cho con đó chính là hạn chế tối thiểu các nguy cơ có thể gây viêm nhiễm tai, khi phát hiện con có dấu hiệu lạ, bứt rứt ở tai thì cần đưa bé đến cơ sở y tế để kiểm tra và xác minh. Không nên bỏ qua bất kì biểu hiện nào của trẻ, bởi viêm nhiễm có thể diễn biến nhanh, tạo nhiều áp lực lên màng tai và làm giảm thính lực của trẻ. Nếu cha mẹ muốn vệ sinh tai cho con thì nên đến cơ sở y tế và dùng các dụng cụ chuyên dụng thay vì tự ý ngoáy tai cho con. Với những bé hiếu động, cần để ý và ý thức cho trẻ không nên đưa bất cứ vật thể lạ nào vào trong tai.
Nguồn: P.S/Wiki/Livestrong
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!