Tại sao trẻ khóc?

Nuôi dạy con - 04/26/2024

Tại sao trẻ khóc: Các nghiên cứu cho thấy một trẻ sơ sinh khóc trung bình từ 1 đến 3 giờ mỗi ngày.

Mọi trẻ nhỏ đều khóc. Khóc là cách thức tự nhiên giúp đứa trẻ giao tiếp. Các nghiên cứu cho thấy một trẻ sơ sinh khóc trung bình từ 1 đến 3 giờ mỗi ngày. Khi được 6 tuần tuổi, đa số trẻ khóc từ 2 đến 4 giờ mỗi ngày. Khi được khoảng 10 tuần tuổi, phần lớn trẻ sẽ bắt đầu học được những cách giao tiếp khác và sẽ bắt đầu ít khóc và 'yên lặng' hơn.

Các nguyên nhân và cách chăm sóc:

Khi trẻ khóc cần để ý xem xét các nguyên nhân sau:

1. Trẻ bị đau bụng

Một số trẻ bị đau bụng trong thời gian ba tháng đầu sau khi sinh. Hiện nay giới y khoa vẫn chưa biết tại sao có hiện tượng này, nhưng nó sẽ hết theo thời gian. Một đứa trẻ có thể khóc đến 3 giờ hoặc hơn trong một ngày. Trong trường hợp này, bạn chẳng có thể làm được gì nhiều ngoài việc phải kiên nhẫn.

Ở một số trẻ đau bụng có thể do một số chất trong thức ăn của mẹ qua sữa, những chất này không hợp với trẻ (ví dụ như cua, cá, sữa bò …). Bà mẹ nên thử ngừng những thức ăn trên trong một vài tuần. Nếu trẻ hết đau bụng mẹ cần ngừng những thức ăn đó đến khi trẻ được 3 - 4  tháng tuổi. Nếu trẻ vẫn còn đau bụng thì mẹ vẫn tiếp tục ăn những thức ăn trên.

Tại sao trẻ khóc?

Khóc là cách thức tự nhiên giúp đứa trẻ giao tiếp (Ảnh minh họa: Internet)

2. Trẻ khóc vì đói

Nhiều lúc trẻ khóc đơn giản vì trẻ bị đói. Trẻ có thể không nhận được đủ lượng sữa hoặc thức ăn trong ngày so với nhu cầu của chúng. Cần cho bú hoặc ăn tăng thêm để đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ.

3. Tã lót bẩn

Nhiều trẻ không chịu được tx lót bị bẩn. Khi tã bị bẩn do đi tiểu dù chỉ là một ít, nhiều trẻ muốn thoát ra khỏi tã. Cần để ý và thường xuyên thay tả sạch cho trẻ.

4. Trẻ bị hăm tã

Hăm tã có thể là triệu chứng khó chịu nhất của đứa trẻ. Khi trẻ bị hăm tả và sau đó đi tiểu, nếu vùng hăm bị dính nước tiểu thì nó sẽ rất rát và làm trẻ khóc. Nếu trẻ bị hăm, khi thay tã cần bôi kem chữa hăm. Trên thị trường có loại Johnson and Johnson Diaper Cream có thể trị chứng hăm tã.

5. Trẻ bị nóng hoặc lạnh

Khi bị nóng, đứa trẻ khóc dai dẳng. Cảm giác bị nóng và vã mồ hôi sẽ làm cho bất kỳ ai cũng có thể cáu gắt. Không nên quấn quá nhiều quần áo cho trẻ một cách không cần thiết lúc thời tiết ấm.

Trẻ cũng có thể khóc nếu bị lạnh. Cần kiểm tra nhiệt độ, máy điều hoà. Mang tất chân và tay, và đội mũ len giữ ấm cho trẻ nếu thời tiết lạnh.

6. Nhiễm trùng tai

Trẻ có thể khóc do nhiễm trùng ở tai, nhất là viêm tai giữa. Nếu để ý sẽ thấy trẻ hay dụi tay vào tai. Hãy quan sát vùng tai trẻ có bị đỏ không? Xem thử, khi chúng ta chạm vào vùng tai trẻ có rụt người lại không? Nếu có những dấu hiệu như trên cần đưa trẻ đi khám và điều trị ngay để tránh những biến chứng trầm trọng.

7. Trẻ khóc vì các bệnh khác

Trẻ có thể không khóc nhiều nhưng có thể khóc đột ngột, khóc từng cơn… trong những trường hợp bệnh lý như lồng ruột, ỉa chảy gây đau bụng.

Tại sao trẻ khóc?

Hăm tã có thể là triệu chứng khó chịu nhất của đứa trẻ (Ảnh minh họa: Internet)

8. Trẻ bị mệt

Trẻ có thể khóc vì bị mệt. Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khoẻ và sự phát triển của trẻ. Cần bảo đảm không có những yếu tố gây ồn ào, kích thích... và làm trẻ mất ngủ.

9. Trẻ bị đầy hơi

Tình trạng đầy hơi có thể do trẻ nuốt không khí lúc bú bình hoặc lúc khóc. Trong trường hợp này bạn có thể mát-xa trẻ một cách nhẹ nhàng và làm động tác gập chân trẻ vào ngực rồi lại kéo xuống nhẹ nhàng vài lần để giúp tống bớt hơi ra.

10. Trẻ mọc răng

Một số trẻ có thể mọc răng sớm lúc 3 tháng tuổi. Mọc răng gây đau rất nhiều và làm trẻ hay quấy khóc. Có thể làm trẻ đỡ đau bằng cách đặt một miếng vải nhỏ, sạch vào tủ lạnh, sau đó cho đứa trẻ ngậm và mút trên miếng vải lạnh đó. Người mẹ cũng có thể thỉnh thoảng đưa ngón tay đã rửa sạch của mình cho trẻ mút để trẻ đỡ đau.

Điều quan trọng: Hãy chăm sóc chính bản thân bạn

Làm cho trẻ nín không phải là một việc dễ dàng chút nào, đặc biệt là đối với những trẻ khóc đêm và nguyên nhân không rõ, mà dân gian còn gọi là khóc dạ đề. Lúc trẻ thức hãy cố gắng giữ cho đứa trẻ bận rộn bằng cách bế trẻ đi dạo, chơi với trẻ, đọc truyện, cho trẻ chơi đồ chơi. Và một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho con bạn là hãy chăm sóc tốt bản thân mình.

Nhiều người bố hoặc mẹ phải mất hàng giờ để dỗ nhưng vẫn không tài nào làm trẻ nín được. Họ dễ bị cáu gắt, nóng giận và gây gỗ nhau. Đứa trẻ cũng cảm nhận được điều này và sẽ càng khóc nhiều hơn. Trong những trường hợp này cần nhờ những người khác chăm sóc giúp đứa trẻ và bạn cũng cần nghỉ ngơi. Nếu không có người giúp, thì hãy đặt đứa trẻ lên giường khoảng 10 - 15 phút và làm một việc gì đó để thư giãn bớt trong lúc vẫn trông chừng đứa bé. Tuyệt đối không được rung và lắc mạnh đứa trẻ đang khóc có thể gây nguy hiểm đến trẻ

ThS.BS. Ngô Văn Quang

(Nội dung do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế kiểm duyệt)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!