Khóc chính là cách trẻ thông báo cho bố mẹ biết trẻ đang đói, bị đau, đang rất sợ hãi, buồn ngủ và nhiều cảm xúc khác nữa. Làm thế nào để biết chính xác lý do tại sao bé khóc?
Hãy cùng Hello Bacsi theo dõi những chia sẻ dưới đây để biết thêm một số lý do tại sao bé khóc.
Đói bụng
Đây là điều đầu tiên bạn nên nghĩ đến khi bé khóc. Nhận biết được những dấu hiệu của cơn đói sẽ giúp bạn cho bé bú trước khi bé khóc toáng lên. Đối với trẻ sơ sinh, bé thường có những dấu hiệu sau: hét lớn, chóp chép miệng, có phản xạ tìm ti mẹ (khi bị kích thích ở vùng má, bé sẽ ngay lập tức quay đầu sang hướng má bị chạm) hoặc mút tay.
Bé bị đầy hơi, đau bụng và các vấn đề khác
Các vấn đề về bụng như đầy hơi hoặc đau bụng quặn có thể khiến bé khóc rất nhiều. Thực tế, đau bụng có thể khiến bé khóc liên tục 3 tiếng một ngày, tối thiểu 3 ngày một tuần, tối thiểu 3 tuần liên tục.
Nếu bé thường cáu kỉnh và khóc ngay sau khi được cho bé bú, bé có thể đang bị đau bụng. Nhiều cha mẹ thường tự ý cho bé uống thuốc chống đầy hơi hoặc đau bụng quặn được chiết xuất từ thảo mộc và natri bicarbonate. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho bé dùng nhé.
Nếu bé không bị đau bụng và không bao giờ cáu kỉnh sau khi ăn thì có thể bé khóc vì bị đầy hơi. Nếu bạn nghi ngờ bé bị đầy hơi, thử những cách đơn giản sau để giúp bé như vỗ vào lưng bé, nắm hai bàn chân của bé và di chuyển chân bé như tư thế xe đạp.
Cần ợ hơi
Ợ hơi không phải là bắt buộc, nhưng nếu bé khóc sau khi cho ăn thì ợ hơi có thể là điều bé đang cần. Bé thường nuốt cả không khí vào cùng khi bú ti mẹ hoặc bú bình, nếu khí không thoát được ra ngoài, điều này có thể khiến bé khó chịu. Một số bé rất khó chịu khi có không khí ở trong bụng, trong khi một số bé khác dường như không cần ợ hơi.
Tã dơ
Một số bé sẽ cho bạn biết ngay khi bé cần được thay tã. Những bé khác có thể im lặng mang tã dơ một lúc. Thực tế, đây là một nguyên nhân rất dễ nhận ra và việc bạn cần làm là thay tã mới cho con thôi.
Bé buồn ngủ
Bạn tưởng rằng bé có thể ngủ mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Thay vì gục đầu ngủ, các bé có thể cáu kỉnh và khóc, đặc biệt khi bé thật sự mệt mỏi. Để khắc phục tình trạng này, khi bé có dấu hiệu buồn ngủ, bạn hãy đặt bé lên giường và ru bé ngủ một cách nhẹ nhàng.
Muốn được bế
Trẻ nhỏ cần được ôm ấp nhiều. Bé thích thấy gương mặt của cha mẹ, nghe giọng của cha mẹ và nghe nhịp tim đập của ba mẹ, thậm chí còn khám phá được cả mùi đặc trưng của ba mẹ. Khóc là một cách để bé yêu cầu được ôm ấp, gần gũi.
Bạn có thể thắc mắc là ôm bé quá nhiều có khiến bé ỷ lại vào bạn hay không. Trong những tháng đầu đời, điều này là không thể. Nếu muốn bế con nhưng để đôi tay được nghỉ ngơi đôi chút, bạn có thể sử dụng các loại đai địu em bé. Nếu bé khóc, bạn có thể ôm bé vào lòng và nói chuyện với bé, điều này cũng giúp bé lấy lại bình tĩnh.
Quá lạnh hoặc quá nóng
Nếu bé cảm thấy bị lạnh, ví dụ như khi bạn cởi hết quần áo của bé để thay tã mới hoặc lau mông bé bằng khăn ướt, bé có thể kháng cự bằng cách khóc.
Trẻ nhỏ thích được quấn lại và giữ cơ thể ấm áp, tuy nhiên bé không thích quá nóng. Bé sẽ cảm thấy thoải mái khi mặc nhiều thêm một lớp so với bạn.
Những điều rất nhỏ
Trẻ nhỏ có thể bị khó chịu bởi những vật nhỏ khó tìm thấy như một cọng tóc quấn chặt vào đầu ngón tay hoặc đầu ngón chân, gây cản trở lưu thông máu. Đây cũng là thứ đầu tiên mà bác sĩ tìm kiếm nếu thấy bé khóc mà không có lý do. Một số bé đặc biệt nhạy cảm với mạc quần áo hoặc những sợi chỉ thừa trong quần áo. Và các bé có thể rất “khó tính” từ tư thế bế bé đến bình sữa mà bố mẹ cho bé bú.
Để hiểu bé hơn, bạn hãy đặt mình vào vị trí của bé. Có một vài khả năng có thể xảy ra như ngón tay hoặc ngón chân của bé có bị khó chịu hay không, núm vú có vị không tốt, ánh sáng quá nhiều và ti vi khiến bé khó chịu…
Mọc răng
Mọc răng có thể gây đau đớn vì khi một chiếc răng mới mọc lên sẽ đâm xuyên qua nướu của bé. Một số bé có thể ít bị ảnh hưởng hơn, song tất cả các bé đều sẽ cáu kỉnh và khóc tại một thời điểm nào đó của quá trình mọc răng. Nếu bé có vẻ như đang bị đau và bạn không biết lý do tại sao, thử lấy tay sờ nướu của bé, bạn sẽ sờ thấy chân răng bé. Chiếc răng đầu tiên của bé sẽ mọc khi bé được khoảng từ 4 đến 7 tháng tuổi nhưng cũng có thể sớm hơn.
Bé muốn được yên tĩnh
Trẻ nhỏ học hỏi từ việc tiếp nhận các kích thích từ thế giới xung quanh nhưng đôi lúc bé sẽ gặp khó khăn khi phải tiếp nhận quá nhiều thứ kích thích từ ánh sáng, tiếng ồn đến việc được người này, người khác ẵm bồng. Khóc là cách để bé nói: “Con chịu đủ rồi!”.
Bé muốn được chú ý nhiều hơn
Một bé ham học hỏi luôn háo hức quan sát thế giới và thường chỉ có một cách để khiến bé ngưng khóc đó là thu hút sự chú ý của bé bằng những hoạt động từ môi trường xung quanh.
Thử địu bé trước ngực hoặc sau lưng. Hãy lên kế hoạch đi chơi với những gia đình khác. Bạn có thể chọn những nơi thân thiện với trẻ em như khu vui chơi trẻ em, bảo tàng hoặc vườn thú.
Nhiều bé rất hiếu động, nếu bạn để chơi một mình bé sẽ quấy khóc, còn nếu bạn đặt bé bên cạnh khi đang rửa chén, giặt giũ hoặc các hoạt động khác bé sẽ rất vui vẻ vì bé quan tâm và tò mò về thế giới xung quanh.
Bé bị ốm
Nếu bạn đã đáp ứng hết các nhu cầu cơ bản của bé mà bé vẫn tiếp tục khóc, có thể bé đang gặp một vấn đề nào đó về sức khỏe. Bạn hãy thử kiểm tra nhiệt độ của bé để xem bé có bị sốt hay không và xem những dấu hiệu của bệnh khác.
Tiếng khóc khi bé bị bệnh khác xa hoàn toàn với tiếng khóc khi bé đang đói hoặc khó chịu. Vì thế nếu tiếng khóc của bé nghe bất ổn, nên tin vào bản năng của bạn và nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra.
Trẻ nhỏ không bao giờ khóc khi không có lý do. Tuy nhiên, bé không thể nói với bạn cũng như bạn cũng không thể hiểu được những gì bé đang trải qua, song vẫn có rất nhiều cách bạn có thể giúp bé. Bạn cũng có thể đọc thêm bài Tuyệt chiêu dỗ bé đang quấy khóc để tham khảo nhé.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 5 lợi ích bất ngờ của phương pháp hãy để bé khóc
- Bố mẹ biết gì về hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh?
- Mẹ nên biết về hiện tượng đầy hơi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!