Nguy cơ mắc ung thư khi ngồi nhiều, lười vận động

Kỹ năng sống - 05/03/2024

Một số bệnh ung thư có thể kể tới là ung thư đại trực tràng, ung thư buồng chứng và ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang…

Thói quen ngồi lâu trong một thời gian dài, ít vận động thể chất là những yếu tố nguy cơ với tăng cân, béo phì, bệnh tim mạch, tăng đường huyết, rối loạn chuyển hóa lipid và một số loại ung thư. Con người ngày càng có xu hướng sử dụng thời gian nhiều hơn vào các loại hình hoạt động giải trí ít vận động như xem tivi, sử dụng máy tính, chơi game... Mối liên quan giữa ngồi tại chỗ trong một thời gian dài với sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư là một vấn đề mới, được một số công trình nghiên cứu đề cập.

Ngồi lâu một chỗ có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Điều đó xảy ra ngay cả ở những người tập thể dục thường xuyên mỗi ngày 30 phút nhưng thời gian còn lại trong ngày chỉ ngồi hoặc nằm một chỗ, ít vận động. Vì vậy người ta cho rằng ngồi lâu là một yếu tố nguy cơ độc lập. Nhiều nghiên cứu cho rằng ngồi một chỗ trong thời gian dài cũng ảnh hưởng đến các chức năng nhất định của cơ thể.

Nguy cơ mắc ung thư khi ngồi nhiều, lười vận động

Nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ mắc ung thư

Ngồi nhiều khiến tăng cân và béo phì: Đây là những yếu tố nguy cơ được chứng minh có liên quan đến một vài loại ung thư như ung thư đại trực tràng, ung thư buồng chứng và ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang.

Ngồi nhiều làm thay đổi nồng độ hoóc-môn sinh dục: Ngồi nhiều làm tăng nồng độ Androgen ở nam giới và tăng Estrogen ở nữ giới, những hoóc-môn này có mối liên quan đến một số bệnh ung thư như ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú. Sự giảm nồng độ SHGB (Sex Hormon binding Globulin) có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư. Hoạt động thể dục thể thao thường xuyên làm tăng hoạt độ của SHGB. Trái lại, việc không hoạt động, thói quen ngồi một chỗ trong một thời gian dài lại làm giảm SHGB.

Ngồi nhiều khiến tăng đường máu:Glucose trong máu tăng cao làm tăng insuline. Tế bào ung thư sử dụng glucose để phát triển và nhân lên, nên tăng đường máu có thể làm thúc đẩy quá trình phát triển và nhân lên của tế bào ung thư. Lượng insulin trong máu tăng cao có thể làm tăng ILGF (Insulin Like Grow Factor), yếu tố có liên quan đến quá trình biệt hóa tế bào, phát triển tế bào và chết tế bào theo chương trình (apoptosis).

Phản ứng viêm mạn tính: Những thói quen tĩnh tại có thể liên quan với tình trạng mắc bệnh mãn tính ở người lớn. Phản ứng viêm mãn tính được cho là có mối liên hệ với một số loại ung thư. Một số yếu tố viêm, chẳng hạn như yếu tố hoại tử khối u (TNF, Tumour Necrosis Factor) interleukin-6 và CRP (C Reactive Protein) tăng lên trong những phản ứng viêm mạn tính. Hàm lượng thấp của các yếu tố chống viêm có thể chỉ ra một nguy cơ cao của bệnh ung thư. 

Một số tác giả còn cho rằng ngồi nhiều và bệnh ung thư có sự tỷ lệ thuận, tuy nhiên chưa có nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực này. Đây là một quan niệm mới đang được các nhà khoa học tiếp tục quan tâm nghiên cứu. Những hướng nghiên cứu tiếp theo cần tập trung làm sáng tỏ vai trò của các thói quen có tĩnh chất tĩnh tại như ngồi tại chỗ trong một thời gian dài, ít vận động, ít hoạt động thể chất... với các loại ung thư khác nhau và những biện pháp dự phòng bệnh tật có hiệu quả.  

Biện pháp phòng tránh và làm giảm nguy cơ ung thư

Nâng cao nhận thức cho mọi người về những nguy hiểm và rủi ro sức khỏe do thói quen ngồi lâu, lười vận động gây ra. Cung cấp thông tin và cách phòng chống để mọi người áp dụng nhằm cải thiện và nâng cao sức khỏe. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo thời gian nghỉ ngắn, thường xuyên trong thời gian làm việc, rời khỏi bàn và đi lại trong những khoảng thời gian nghỉ.

Nguy cơ mắc ung thư khi ngồi nhiều, lười vận động

Thường xuyên có các khoảng nghỉ ngắn trong khi làm việc, đứng lên đi lại trong vòng 5 phút, hoặc có thể tập động tác đứng lên ngồi xuống. Không ngồi một chỗ trong các khoảng nghỉ ngắn khi tham dự hội thảo, hội nghị, hay hội họp.

Những người làm công việc văn phòng (có đặc thù nghề nghiệp là ngồi nhiều, ít đi lại, ít vận động trong thời gian làm việc) cần sắp xếp công việc, bố trí những khoảng nghỉ ngắn trong ca lao động để thư giãn và thực hiện một số hoạt động đơn giản. Mỗi 30 phút nên đứng dậy, rời máy tính và bàn làm việc khoảng 5 phút, để thư giãn và tham gia vào các hoạt động nhẹ nhàng khác (đi dạo, đứng lên ngồi xuống nhẹ nhàng..)

Bên cạnh đó, mọi người cần dành thời gian ít nhất 30 phút mỗi ngày để tham gia các môn thể thao, thể dục phù hợp với lứa tuổi và điều kiện của mình. Giảm thời gian xem tivi, giảm thời gian chơi game trên máy tính trong những thời gian rảnh.

Ảnh minh họa: Internet

Ths.BS. Nguyễn Kiên Cường
Viện Y học dự phòng Quân đội

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!