Nguy cơ sốc độc tố khi sử dụng băng vệ sinh tampon

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Vào những ngày đi biển, tampon được coi là biện pháp cứu cánh hữu hiệu trong ngày 'đèn đỏ'. Nhưng sản phẩm này có thực sự an toàn?

Tampon là một loại băng vệ sinh mới dạng ống, dùng đặt hẳn vào bên trong âm đạo. Loại băng vệ sinh này được nhiều chị em ưa dùng bởi sự nhỏ gọn, tiện dụng. Đặc biệt, vào những ngày hè đi biển, chị em coi nó như biện pháp cứu cánh hữu hiệu trong những ngày 'đèn đỏ'.

Tuy nhiên, nếu không dùng đúng, loại băng vệ sinh này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Băng vệ sinh thấm hút mạnh rất nguy hiểm

Chị Nguyễn Hạnh (Chương Mỹ, Hà Nội) chị từng có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa , sốt cao… sau khi dùng băng vệ sinh tampon. Chị cho biết, do cơ quan chồng đi nghỉ mát ở biển  đúng vào đợt kinh nguyệt, được bạn bè giới thiệu dùng băng vệ sinh tampon rất thuận tiện, hữu ích, chị đã mua và sử dụng. Không ngờ sau khi sử dụng chị có biểu hiện như trên. Khi vào viện chị được bác sĩ kết luận bị sốc độc tố do dùng tampon gây ra.

Theo ThS.BS Lê Thị Phương Huệ, BV Thanh Nhàn, người bị sốc nhiễm độc tố do dùng tampon thường có biểu hiện sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, choáng váng, xỉu, trụy tim, da nổi ban...

Nguy cơ sốc độc tố khi sử dụng băng vệ sinh tampon

Tampon dùng đặt hẳn vào bên trong âm đạo (Ảnh minh họa: Internet)

Nói về băng vệ sinh tampon, theo BS Huệ, đây loại băng vệ sinh có khả năng thấm hút tốt, không có hiện tượng trào ra ngoài. Nhưng chính từ khả năng thấm hút tốt lại ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì những băng vệ sinh thấm mạnh, hút tốt, khi dùng được đưa sâu vào âm đạo nên có thể hút cả những vi khuẩn có lợi, những chất dịch có tác dụng giữ ẩm nằm sâu trong âm đạo, làm khô môi trường bên trong âm đạo.

Ngoài ra, những băng vệ sinh dạng này vẫn có nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm nếu dùng không đúng cách. Không nên dùng quá lâu, vì môi trường âm đạo ẩm ướt rất tốt cho vi khuẩn phát sinh. Để băng vệ sinh lâu bao nhiêu, lượng vi khuẩn dễ gây nhiễm trùng sinh sôi càng nhiều, càng tăng nguy cơ viêm nhiễm.

Theo thông tin từ New York Daily News, Lauren Wasser, 27 tuổi, một vận động viên và người mẫu của mỹ buộc phải cắt một chân để tránh hội chứng sốc nhiễm độc từ một tampon. Lauren Wasser cho biết, cô đã thay đổi tampon của cô 3 lần trong ngày hôm đó nhưng cô cảm thấy ốm và đi ngủ. Sau đó, cô đau dữ dội toàn thân và phải nhập viện để cấp cứu.

Băng vệ sinh tampon mà Lauren đã dùng được mang đi xét nghiệm, bất ngờ là bên trong tampon dương tính với hội chứng sốc nhiễm độc, một căn bệnh nghiêm trọng gây ra bởi một loại độc tố được sản xuất bởi một số loại vi khuẩn có ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể.

Nữ người mẫu này sau khi nhập viện đã chìm trong tình trạng hôn mê do độc tố lan truyền trong cơ thể. Nghiệm trọng hơn, vi khuẩn gây các nhiễm trùng lan từ âm đạo sang chân cô, khiến một bên chân biến thành hoại tử.

Nguyên nhân xảy ra hiện tượng sốc nhiễm độc của cô là do băng vệ sinh thấm hút quá nhanh, khiến môi trường âm đạo bị khô, tạo điều kiện cho vi khuẩn Staphylococcus aureus phát triển. Độc tố do vi khuẩn này sản sinh ra sẽ được hấp thu vào máu, gây nhiễm độc. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra nếu bạn sử dụng tampon khi âm đạo đang bị viêm nhiễm lở loét.

Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA Hoa Kỳ), các sản phẩm siêu thấm thấm hút rất tốt, loại tampon càng được ưa chuộng vì được cuộn nén nhỏ để đặt sâu vào âm đạo để thấm hút, rất tiện khi chơi thể thao, bơi lội. Nhưng tampon đã ít nhiều gây nên hội chứng sốc nhiễm độc toàn thân do vi khuẩn gây ra. Chị em phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt rất nhạy cảm với vi khuẩn, nhiều khi bận rộn là để quên, khiến tampon siêu thấm quá tải trong môi trường ẩm ướt, kéo theo hàng loạt bệnh nhiễm trùng, gây ra hội chứng nhiễm độc có dấu hiệu như bỗng dưng sốt cao, da nổi ban, nôn mửa, tiêu chảy, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, trụy tim, choáng váng, nôn mửa, tụt huyết…

Nguy cơ sốc độc tố khi sử dụng băng vệ sinh tampon

Chị em coi tampon như biện pháp cứu cánh hữu hiệu khi đi biển (Ảnh minh họa: Internet)

Lưu ý khi sử dụng tampon

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, chị em nên hạn chế dùng băng vệ sinh siêu thấm. Đặc biệt, những thiếu nữ còn màng trinh thì càng nên tìm hiểu kĩ trước khi quyết định dùng sản phẩm này vì nếu dùng không đúng cách có thể làm rách màng trinh, tổn thương niêm mạc âm đạo.

Dùng băng vệ sinh nếu thấy dấu hiệu lạ như bông vón cục, băng quăn nhiều nếp sau khi dùng, sau 1 - 2 giờ dùng có mùi hôi khó chịu… cần bỏ ngay và kiểm tra lại nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Gói băng vệ sinh đã bóc ra dễ bị vi khuẩn xâm nhập, cần cất nơi khô thoáng, sạch. Không để băng vệ sinh trong nhà tắm vì dễ nhiễm vi khuẩn, ẩm, ô nhiễm nấm mốc.

Khi băng vệ sinh nhiễm ẩm, ướt có hiện tượng bong tróc, khác thường không nên dùng.

Với những băng vệ sinh siêu thấm này chỉ nên dùng 3 - 4 giờ là phải thay để tránh nhiễm khuẩn, không dùng tampon khi ngủ qua đêm. Đặc biệt hạn chế dùng băng vệ sinh có mùi thơm mùi thơm hóa chất dễ bị ngứa, viêm âm đạo…

Lưu ý: Khi dùng băng vệ sinh có dấu hiệu phản ứng như ngứa, rát, mẩn đỏ… thì nên thôi dùng và vệ sinh sạch sẽ và đi khám ngay lập tức.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!