Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế vừa công bố danh sách 116 nguyên nhân được coi là làm tăng khả năng gây ra ung thư, trong đó việc ăn trầu cau, nhai thuốc lá là thủ phạm quan trọng.
Bác sĩ Trần Nguyên Hà, Trưởng khoa Nội 4 Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết, 'ung thư hốc miệng do nhai trầu' là một trong những ung thư thường gặp ở các nước châu Á. Ung thư hốc miệng phổ biến hàng thứ năm trên thế giới. Hàng năm ước tính có 390.000 trường hợp ung thư hầu họng. Ở Ấn Độ có 75.000-80.000 trường hợp ung thư hốc miệng mới mỗi năm, nhiều nhất thế giới.
Theo bác sĩ Hà, thành phần chính dùng trong việc nhai trầu là hạt cau, chất nhuộm màu, lá trầu, vôi. Nhai trầu là yếu tố nguy cơ cao gây ung thư niêm mạc má và nướu răng.
Chất sinh ung nitrosamine được tạo từ thuốc lá. Hạt cau chứa 5-40% polyphenol và nhiều alkaloid: arecolin, arecaidine, guvacine và guvacolin. Arecolin là alkaloid quan trọng nhất trong hạt cau. Gần đây nhai hạt cau được xếp như chất sinh ung ở người. Flavonoid, catechin và tannin trong hạt cau làm cho các sợi collagen nối chéo, làm chúng giảm nhạy với đàn hồi. Điều này làm tăng xơ do tăng tạo collagen và giảm phá vỡ collagen.
Nhai trầu là yếu tố nguy cơ cao gây ung thư niêm mạc má và nướu răng (Ảnh minh họa: Internet)
Vôi được biết như gây ra kích thích và tăng sản niêm mạc miệng. Vôi và hạt cau gây ra phản ứng oxy đặc biệt, có thể gây ra tổn thương oxy hóa DNA của tế bào niêm mạc miệng của những người nhai trầu.
Thói quen nhai trầu với thuốc lá liên quan đến những bệnh lý niêm mạc miệng như bạch sản, xơ hóa dưới niêm mạc miệng. Ung thư hốc miệng, môi, lưỡi thường là ung thư biểu mô tế bào gai.
Nhai trầu với thuốc lá hoặc chỉ nhai trầu thường phát triển sang thương bạch sản hoặc hồng sản, cứng niêm mạc miệng và xơ hóa dưới niêm mạc miệng. Bạch sản là sang thương thường gặp nhất ở người nhai trầu, có khuynh hướng chuyển dạng ác tính cao. Nhai hạt cau có thể là một trong những yếu tố dịch tễ học quan trọng của xơ hóa dưới niêm mạc miệng.
Việc phát hiện sớm ung thư hốc miệng có vai trò quan trọng trong điều trị và tiên lượng. Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân nên đến chuyên khoa khám ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu:
- Vết loét không lành sau 2 tuần.
- Tổn thương xơ cứng, chồi dạng bông cải trong miệng.
- Mảng trắng/đỏ/đen trong miệng, ổ nhổ răng không lành.
- Răng lung lay không rõ nguyên nhân.
- Trở ngại chức năng: khó nhai, khó nói, tăng tiết nước bọt.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!