Răng khôn là chiếc răng nằm ở vị trí số 8 trên khung xương hàm, thường biến chứng trong thời gian mọc, gây ra nhiều vấn đề rắc rối, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống nếu không có sự can thiệp kịp thời.
Với một người bình thường, răng khôn thường mọc lúc 16 tuổi, đến 25 tuổi thì mọc hoàn chỉnh. Bên cạnh một số yếu tố về sức khỏe, điều kiện dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của răng khôn.
Trung bình một người sẽ có 4 chiếc răng khôn, 2 chiếc nằm ở hàm trên, 2 chiếc ở hàm dưới. Khi răng khôn bắt đầu mọc, sẽ gây nóng sốt, sưng viêm vùng nướu quanh chân răng. Tình trạng nặng có thể dẫn đến áp-xe má, ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt, nặng hơn nữa có thể rò ra ngoài má, buộc bệnh nhân phải phẫu thuật tái tạo lỗ rò. Răng khôn mọc trong thời gian dài mới hoàn chỉnh. Trong thời gian mọc sẽ gây đau làm bệnh nhân giảm vận động nhai thức ăn.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, răng khôn không có chức năng nhai nên việc nhổ bỏ trong thời gian răng phát triển là cần thiết. Răng khôn mọc bình thường, không gây khó chịu thì không có vấn đề gì, nhưng nhiều trường hợp răng mọc lệch, nằm nghiêng hoặc không mọc lên được, cần phải có sự can thiệp ngoại khoa ngay.
Ảnh minh họa
Khi nào nên nhổ bỏ răng khôn?
Theo các bác sĩ, răng khôn ở hàm dưới thường xảy ra tình trạng mọc lệch do răng sữa mọc muộn và rụng muộn. Mỗi người nên kiểm tra răng định kì 6 tháng/lần để theo dõi việc mọc răng khôn trong giai đoạn từ 16 tuổi trở đi.
Răng khôn không mọc lên được sẽ gây nóng sốt, sưng đỏ và khó nuốt thức ăn. Lúc này, bác sĩ chuyên khoa sẽ rạch nướu để răng phát triển, tuy nhiên thủ thuật này chỉ áp dụng khi chụp phim cho thấy răng mọc thẳng và bệnh nhân không muốn nhổ bỏ. Việc này sẽ giúp răng mọc nhanh hơn nhưng có nguy cơ nhiễm trùng nướu nếu bệnh nhân vệ sinh răng miệng không đúng cách
Răng khôn mọc lệch sẽ gây sâu răng bên cạnh, răng bị sâu nhiễm trùng dai dẳng trong một thời gian dài, bệnh nhân có thể đau hoặc không đau. Nhiễm trùng răng thường dẫn đến viêm tấy lan tỏa vùng sàn miệng, lúc này bệnh nhân có các triệu chứng: Sốt, ăn uống khó, mệt mỏi, kể cả mất ngủ. Răng khôn mọc lệch đâm vào khung xương hàm dẫn đến đau vùng má, mang tai, vùng dưới hàm gây viêm mô tế bào, phá hủy xương hàm. Sự phá hủy xương hàm sẽ ảnh hưởng đến sức nhai rất lớn, buộc bệnh nhân phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật như tái tạo lại khung xương hàm đã mất, phẫu thuật implant (cắm ghép răng mới).
Để có một hàm răng khỏe đẹp nên nhai đều hai bên giúp khung xương phát triển bình thường, khám răng định kỳ 6 tháng/lần. Đối với răng khôn, việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời rất quan trọng, mang lại nhiều lợi ích, nếu không sẽ tốn kém nhiều thời gian và có khi tổn hại cho sức khỏe.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!