Nguyên nhân đau bụng khi 'đèn đỏ'

Sức khỏe giới tính - 05/19/2024

Dùng thuốc giảm đau chỉ là biện pháp tạm thời, không nên sử dụng thường xuyên và kéo dài.

Đau bụng kinh (thống kinh) là triệu chứng khó chịu thường gặp ở chị em. Đau bụng kinh có nhiều mức độ, nhẹ thì chỉ là cảm giác đau bên ngoài khung xương chậu, đau âm ỉ vùng bụng dưới, lưng và các chi mỏi mệt; nặng có thể quặn đau dữ dội kèm chứng đau đầu, mất ngủ, buồn nôn…

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng kinh:

- Tử cung quá co thắt, co thắt mạnh, vị trí tử cung lệch về phía sau hoặc phía trước so với bình thường… khiến máu kinh lưu thông chậm, cơ tử cung phải co bóp mạnh để đẩy máu kinh ra ngoài khiến đau bụng kinh.

- Ống cổ tử cung quá hẹp khiến cơ tử cung phải co bóp mạnh khiến đau bụng kinh.

- Do di truyền.

- Cơ tử cung co bóp mạnh kết hợp hàm lượng prostaglandin trong máu kinh tăng lên, cơ thể nào có chất cảm thụ đặc hiệu với prostaglandin quá nhạy khiến cơn đau bụng càng dữ dội hơn.

- Sự giảm đột ngột progesteron và estrogen trong ngày đầu của chu kì kinh cũng là một yếu tố khiến đau bụng kinh.

- Do ăn uống đồ lạnh vào gần ngày kinh nguyệt, tâm lí tinh thần không thoải mái.

- Ngoài ra, các bệnh phụ khoa như u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung …

Nguyên nhân đau bụng khi 'đèn đỏ'

Ảnh minh họa

Để có thể giảm đau trong những ngày 'đèn đỏ', bạn cũng nên chú ý uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm cũng sẽ giúp làm dịu cơn đau. Bạn cần tránh vận động mạnh, chỉ nên đi bộ hoặc tập luyện nhẹ nhàng.

Ngoài ra cần tránh xúc động mạnh, stress, tinh thần thoải mái sẽ khiến cơn đau qua đi nhanh chóng. Hạn chế ăn các đồ cay nóng có thể gây táo bón khiến cơn đau bụng kinh dai dẳng hơn.

Tránh ăn nhiều tinh bột, thay vào đó là rau, trái cây và cá, cung cấp thêm vitamin cho cơ thể, đặc biệt nên uống vitamin E, 2 ngày trước kì kinh. Bạn cũng nên tránh các đồ uống có ga, cà phê vì có thể gây khó chịu, bồn chồn.

Thuốc giảm đau không thực sự tốt cho cơ thể, nhưng nếu cơn đau ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc bạn có thể dùng thuốc giảm đau. Dùng thuốc giảm đau chỉ là biện pháp tạm thời, bạn không nên sử dụng thường xuyên và kéo dài.

BS. Nguyễn Thị Vân

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!