Nguyên nhân gây rụng tóc khiến bạn không ngờ đến

Sơ cứu & Phòng ngừa - 11/24/2024

Rụng tóc là một điều bình thường, nhưng khi tóc rụng nhiều bất thường dẫn đến hói sẽ khiến bạn lo lắng. Vậy, đâu là nguyên nhân gây rụng tóc?

Rụng tóc là một hiện tượng đào thải tự nhiên của cơ thể, nhưng khi tóc rụng nhiều bất thường khiến tóc thưa đi hoặc thậm chí hói đầu thì có thể bạn đang mắc phải chứng rụng tóc. Vậy, nguyên nhân gây rụng tóc là gì?

Bạn luôn lo lắng khi bị rụng tóc vì không chỉ mất thẩm mỹ mà còn có nguy cơ mắc các chứng bệnh nguy hiểm tiềm tàng. Vậy rụng tóc thực sự là gì và khi nào rụng tóc trở nên nguy hiểm? Đâu là nguyên nhân gây rụng tóc, biện pháp phòng ngừa, chữa trị tốt và an toàn nhất? Sau đây là tất cả những thông tin liên quan đến rụng tóc chúng ta nên biết để bảo vệ mái tóc của mình.

Khái niệm về rụng tóc

Vùng da đầu hoặc toàn bộ cơ thể của bạn đều có nguy cơ bị rụng tóc hay bị hói. Rụng tóc có thể là từ di truyền, thay đổi hormone, tình trạng sức khỏe xấu hay trong quá trình sử dụng thuốc chữa bệnh. Tất cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em đều có thể bị rụng tóc.

Rụng tóc nhiều sẽ dẫn đến hói đầu. Rụng tóc theo độ tuổi nhất định do di truyền là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng hói. Vài người cảm thấy bình thường khi bị hói. Nhưng những người khác lại muốn che nó đi bằng cách để các kiểu tóc khác nhau, trang điểm, đội nón hay quàng khăn lên đầu. Số còn lại chọn cho mình một cách chữa trị thích hợp để tránh rụng thêm tóc và phục hồi lại khả năng mọc tóc.

Trước khi sử dụng một biện pháp chữa trị, bạn nên hỏi bác sĩ về nguyên nhân rụng tóc của mình và các biện pháp điều trị phù hợp nhất.

Các dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị rụng tóc

Có nhiều cách để phát hiện rụng tóc dựa vào nguyên nhân gây ra. Triệu chứng rụng tóc có thể xuất hiện đột ngột hoặc tóc rụng nhiều hơn theo thời gian, ảnh hưởng đến da đầu hay có khi toàn bộ cơ thể. Một vài loại rụng tóc chỉ là triệu chứng tạm thời, nhưng số khác liên quan đến những căn bệnh mãn tính.

Những dấu hiệu và triệu chứng của rụng tóc bao gồm:

  • Tóc thưa dần trên đỉnh đầu: Đây là loại rụng tóc phổ biến nhất ở cả nam lẫn nữ khi lớn tuổi. Tóc nam giới thường sẽ bắt đầu lùi dần ra sau trán theo một đường giống chữ M. Còn phụ nữ vẫn giữ được đường chân tóc ở trán nhưng tóc sẽ thưa dần đi;
  • Hói thành từng mảng lốm đốm có hình tròn: Vài người sẽ bị các đốm hói nhẵn nhỏ cỡ đồng xu. Loại rụng tóc này thường chỉ xuất hiện ở da đầu nhưng đôi khi cũng xuất hiện triệu chứng chân mày của bạn rụng nhiều. Một vài trường hợp bạn còn bị đau hoặc ngứa ở vùng da bị rụng tóc;
  • Tóc rụng đột ngột và quá nhiều: Tóc bị rụng nhiều do chấn động tâm lý hoặc tổn thương cơ thể. Lúc đó tóc sẽ rơi ra từng mảng khi bạn chải hoặc gội đầu, thậm chí ngay cả khi vuốt tóc. Loại rụng tóc này chỉ làm tóc thưa đi chứ không gây hói thành từng đốm;
  • Rụng tóc và lông toàn thân: Trong vài trường hợp hay trong khi điều trị y khoa như là hóa trị ung thư, bệnh nhân có thể bị rụng tóc và lông trên toàn cơ thể. Nhưng tóc và lông thường sẽ mọc trở lại sau đó;
  • Toàn da đầu bị tróc vảy từng mảng: Đây là dấu hiệu bạn đang bị bệnh nấm da đầu. Các triệu chứng của bệnh bao gồm gãy tóc, sưng đỏ da đầu và có khi chảy mủ.

Trường hợp bạn nên đến gặp bác sĩ

Bạn nên đến khám bác sĩ khi đang khó chịu vì rụng tóc và muốn theo một liệu pháp điều trị. Cũng nên gặp bác sĩ khi bạn nhận thấy tóc bị rụng từng mảng hay rụng đột ngột nhiều hơn so với bình thường mỗi khi chải tóc hay gội đầu. Rụng tóc bất thường có thể là dấu hiệu của một căn bệnh tiềm ẩn cần được điều trị.

Nguyên nhân gây rụng tóc

Người bình thường sẽ rụng từ 50 đến 100 sợi tóc mỗi ngày và khi tóc rụng sẽ không làm thưa tóc vì cùng lúc đó tóc mới sẽ mọc lên. Triệu chứng rụng tóc sẽ xuất hiện khi vòng lặp giữa mọc tóc và rụng tóc bị phá vỡ hay khi nang tóc bị phá hủy và bị thay thế bởi mô sẹo.

Nguyên nhân gây rụng tóc thường sẽ liên quan đến những yếu tố sau:

  • Di truyền từ gia đình;
  • Tuổi tác;
  • Chế độ dinh dưỡng thiếu chất;
  • Căng thẳng;
  • Thay đổi hormone;
  • Tình trạng sức khỏe (bệnh tiểu đường hay lupus ban đỏ);
  • Quá trình dùng thuốc chữa bệnh.

Di truyền từ gia đình

Nguyên nhân gây rụng tóc phổ biến nhất là di truyền hói đầu ở nam giới hoặc nữ giới. Tình trạng rụng tóc sẽ diễn ra từ từ và theo các kiểu phổ biến: đường chân tóc lùi về phía sau và xuất hiện các đốm hói ở nam và hiện tượng tóc thưa đi ở nữ.

Di truyền còn ảnh hưởng độ tuổi bạn bắt đầu rụng tóc, tốc độ rụng và phạm vi bị hói. Nam giới thường bị hói đầu hoặc rụng tóc nhiều nhất ở tuổi dậy thì.

Thay đổi hormone hay tình trạng sức khỏe xấu

Rất nhiều trường hợp có thể làm rụng tóc như:

  • Thay đổi hormone: Rụng tóc tạm thời có thể do thay đổi và mất cân bằng hormone trong quá trình mang thai, sinh con hoặc mãn kinh. Nồng độ hormone cũng bị ảnh hưởng bởi tuyến giáp nên các bệnh về tuyến giáp cũng gây rụng tóc.
  • Rụng tóc từng mảng: Loại rụng tóc không để lại sẹo này được gọi là hói từng đốm. Nó xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các nang tóc và làm rụng tóc nhiều, để lại những đốm hói bóng nhẵn hình tròn trên da đầu.
  • Nhiễm trùng da đầu: Các dạng nhiễm trùng, như là nhiễm nấm ngoài da, có thể xâm chiếm tóc và da vùng đầu gây nên những mảng vảy hay rụng tóc. Nhưng khi bệnh được chữa khỏi thì tóc sẽ mọc lại bình thường.
  • Hội chứng nghiện giật tóc: Hội chứng tâm lý này có tên chuyên môn là trichotillomania, làm người bệnh luôn có cảm giác thôi thúc không thể kiềm chế được và họ phải kéo đứt tóc, lông mày hay lông trên cơ thể.

Quá trình sử dụng thuốc

Việc sử dụng các loại thuốc chữa ung thư, thấp khớp, trầm cảm, bệnh tim, cao huyết áp và thuốc ngừa thai hay hấp thụ quá nhiều vitamin A cũng có thể gây rụng tóc.

Những nguyên nhân gây rụng tóc khác

Rụng tóc còn do:

  • Xạ trị vùng đầu: Sau khi xạ trị tóc có thể sẽ không mọc lại như trước;
  • Gặp phải cú sốc: Nhiều người sau khi trải qua chấn thương thể chất hay tinh thần, tóc sẽ bị thưa đi trong khoảng vài tháng nên loại rụng tóc này chỉ diễn ra tạm thời và có thể chữa trị;
  • Tạo kiểu tóc và cách dưỡng tóc: Tạo kiểu tóc quá mức hay những kiểu thắt tóc quá chặt như là thắt bím hay tóc tết kiểu châu Phi (tết tóc thành nhiều bím nhỏ sát chân tóc) có thể gây ra chứng rụng tóc;
  • Hấp dầu và uốn tóc làm đốt cháy nang tóc nên cũng dẫn đến rụng tóc: Nếu để lại sẹo thì phần tóc sẽ không mọc lại nữa.

Cách tốt nhất để không gặp phải tình trạng rụng tóc là bạn nên bổ sung những loại thực phẩm như đậu, giá đỗ, ngũ cốc, cà rốt, trái cây, thịt gà, trứng,… Bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc mọc tóc, dầu gội đầu trị rụng tóc có bán sẵn ở các tiệm thuốc.

Hiểu hết được những nguyên nhân gây rụng tóc giúp bạn bớt lo lắng, hoang mang hơn về tình trạng sức khỏe bản thân và chọn cho mình những liệu pháp an toàn, phù hợp để chữa trị. Tuy nhiên, trong tất cả các trường hợp quyết định dùng thuốc để chữa trị, bạn đều nên tham vấn ý kiến của bác sĩ để tránh gặp phải những hậu quả không mong muốn.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Rụng tóc tiết lộ điều gì về sức khỏe của bạn?
  • 7 cách hiệu quả làm giảm cơn đau đầu
  • 8 điều gây tổn hại đến mái tóc của bạn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!