Dị ứng thời tiết là chứng bệnh 'không mời', xuất hiện cùng với các triệu chứng: ngứa ngáy khó chịu, chảy nước mắt, ho, hắt hơi, chảy nước mũi hay đau họng. Căn bệnh này sẽ làm đảo lộn thói quen sinh hoạt của bệnh nhân nếu không được điều trị kịp thời.
Theo một nghiên cứu mới xuất bản gần đây trên tạp chí 'Allergy and Clinical Immunology' (Dị ứng và Miễn dịch học lâm sàng), việc thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn, hay một số dị nguyên trước 1 tuổi có thể tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch.
Thời gian tiếp xúc ban đầu với các dị nguyên đóng vai trò quan trọng, nhất là từ khi các căn bệnh khiến thở khò khè ảnh hưởng tới 50% số trẻ 3 tuổi và là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ phải khám bệnh và nhập viện. Do đó, điều quan trọng là phát hiện các yếu tố nguy cơ góp phần gây dị ứng cũng như thở khò khè từ đó phát triển các phương pháp điều trị dị ứng mới. TS Robert Wood, Trưởng khoa Dị ứng và Miễn dịch học thuộc Trung tâm Nhi khoa Johns Hopkin (Mỹ), và cộng sự chỉ ra rằng, chứng 'ưa sạch sẽ' quá mức đã cách li chúng ta với một số sinh vật có lợi cho hệ miễn dịch. Do vậy, số lượng ca bệnh dị ứng ngày càng có chiều hướng gia tăng.
Ảnh minh họa - Nguồn: dreamstime
Các nhà khoa học đến từ Trung tâm Nhi khoa Johns Hopkin cùng một số viện nghiên cứu khác đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường trong nội thành đến sự tái phát thở khò khè. Trong vòng 3 năm, nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích dữ liệu của hơn 450 trẻ nhỏ có nguy cơ cao phát triển bệnh hen ở thành phố Baltimore, Boston, New York, và St. Louis.
Tất cả trẻ tham gia nghiên cứu đều sống ở khu vực có hơn 20% người dân có thu nhập thấp, có bố hoặc mẹ bị viêm mũi dị ứng, eczema, và/hoặc hen suyễn, và những đứa trẻ này được sinh ra khi tuổi thai từ 34 tuần trở lên. Nhóm nghiên cứu đến lấy số liệu khi trẻ 12, 24, 33, 36 tháng tuổi, và tại nhà hàng năm từ khi trẻ được 3 tháng tuổi để nghiên cứu môi trường và thu lượm bụi nhà. Nồng độ IgE đặc trưng cho dị nguyên được xác định hàng năm đối với sữa, trứng, đậu phộng hay gián Đức, trong khi đó, khi trẻ được 2 và 3 tuổi, người ta đánh giá nồng độ IgE đặc hiệu đối với mạt nhà, chó, mèo, chuột và các loài Alternaria.
Kết quả chỉ ra rằng, những đứa trẻ lớn lên trong nhà có bọ chuột hay bọ mèo, thậm chí là phân gián trong năm đầu đời có tỉ lệ thở khò khè khi lên 3 tuổi thấp hơn so với những đứa trẻ không được tiếp xúc với dị nguyên này ngay sau khi sinh. Nhóm nghiên cứu còn tiết lộ, hệ miễn dịch của những đứa trẻ tiếp xúc với cả 3 dị nguyên trên có khả năng bảo vệ tốt hơn so với những đứa trẻ chỉ tiếp xúc với 1, 2 hoặc không tiếp xúc với dị nguyên. Đồng thời, tỉ lệ thở khò khè cũng cao gấp 3 lần ở 51% số trẻ không tiếp xúc với các dị nguyên so với 17% số trẻ tiếp xúc với các dị nguyên tại nhà trong vòng 1 năm đầu đời.
Có vẻ như những thứ tưởng như gây hại lại có tác dụng đáng kể trong việc bảo vệ trẻ trước mối đe dọa của hen suyễn hay dị ứng. Ông Wood phát biểu trong một cuộc họp báo: ‘Điều này cho chúng ta thấy không những có nhiều phản ứng miễn dịch được hình thành trong năm đầu đời của trẻ, mà còn có một số vi khuẩn và dị nguyên đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích và tôi luyện hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn’.
Mặc dù Viện Nghiên cứu Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch Hoa Kì khuyến cáo về việc hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng và hen suyễn trong không khí có thể làm trì hoãn hoặc giảm khởi phát các triệu chứng ngứa ngáy khó chịu, chảy nước mắt, ho, hắc hơi, chảy nước mũi, hay đau họng, nhưng nhóm nghiên cứu đang tiếp cận một hướng đi mới. Gia tăng tiếp xúc với vi khuẩn nhưng không bỏ qua việc vệ sinh khi bị cảm cúm thông thường hồi phục hệ miễn dịch và ngăn ngừa các đợt khởi phát dị ứng.
Ngọc Luyện (Theo medicaldaily)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!